Thursday, January 2, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiSri Lanka trong tham vọng của Trung Quốc tại Ấn độ dương

Sri Lanka trong tham vọng của Trung Quốc tại Ấn độ dương

BienDong.Net: Hôm 09/01/2015, Tổng thống mãn nhiệm Sri Lanka Mahinda Rajapakse đã thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống khi Ứng viên đối lập Maithripala Sirisena giành thắng lợi với 51,7% số phiếu.

Các cố vấn thân cận của Tổng thống đắc cử cho biết, Sri Lanka sẽ điều chỉnh lại chính sách đối ngoại, vốn nghiêng hẳn về phía Trung Quốc dưới thời Tổng thống thất cử Rajapakse và thiết lập mối quan hệ cân bằng giữa Trung Quốc, Ấn độ, Pakistan và Nhật Bản.

Tổng thống Mahinda Rajapaksa là người đưa Sri Lanka xích gần Trung Quốc từ khi lên nắm quyền vào năm 2005. Đổi lại, Trung Quốc cũng ra sức ủng hộ chính quyền của ông, bất chấp những yêu sách do Mỹ và một số nước đưa ra đòi điều tra về tình trạng vi phạm nhân quyền trong thời kì cuối của cuộc nội chiến kéo dài 26 năm ở nước này.

Trung Quốc đã có các khoản đầu tư lớn vào Sri Lanka để phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển trong tham vọng thực hiện chiến lược xây dựng Chuỗi Ngọc Trai trên Ấn Độ Dương, cũng như phục vụ lợi ích kinh tế của mình. Trong vòng một thập kỉ vừa qua, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư kiêm chủ nợ lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ nhì của nước này. Các khoản cho vay của Trung Quốc tăng hơn 50 lần, tính đến năm 2012 lớn hơn gấp đôi tiền cho vay của Mỹ và và các nước cùng các tổ chức quốc tế khác cộng lại.

Trong số các dự án vốn Trung Quốc tại đảo quốc này có dự án 1,5 tỷ USD xây dựng thành phố cảng quy mô ngang bằng Monaco ở vùng bờ biển Colombo, được đích thân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khánh thành hồi tháng 9/2014 khi ông tới thăm nước này.

Theo báo Mỹ The New York Times, Sri Lanka là bệ phóng cho một trong những chủ trương đối ngoại của ông Tập nhằm thiết lập “Con đường tơ lụa” nối TQ với Châu Âu.

Kế hoạch này có kinh phí 40 tỷ USD đang gây lo ngại cho Ấn độ vì cho rằng đó là một chiến lược nhằm bao vây Ấn độ và tiến tới việc xây dựng các cơ sở quân sự của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương.

Thực tế, quan hệ kinh tế kéo theo sự tăng cường hợp tác quân sự: Trong năm 2014, tàu ngầm Trung Quốc đã 2 lần vào cảng Colombo, khiến Ấn Độ lên tiếng phản đối.

Ông Sirisena, 63 tuổi, tách khỏi hàng ngũ của ông Rajapaksa vào tháng 11 năm ngoái để cầm đầu đảng đối lập. Trong bản tuyên bố tranh cử, ông cam kết sẽ thiết lập “quan hệ cân bằng” với Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan và Nhật Bản.

Ông lên tiếng phản đối những dự án xây dựng bằng vốn vay của nước ngoài, cho rằng chúng có thể đẩy Sri Lanka và cái bẫy của tình trạng nợ nần. Ông dọa sẽ hủy bỏ dự án xây dựng thành phố cảng trị giá 1,5 tỉ USD do Trung quốc đầu tư.

Sri Lanka cách bờ biển Ấn Độ 40 dặm, trên tuyến đường vận chuyển dầu tấp nập từ Trung Đông tới Châu Á. Với vị trí chiến lược này, có người cho rằng nó có thể “biến nước này thành một tàu sân bay tự nhiên” và “đặc biệt hấp dẫn” Trung Quốc.

Chính vì thế, theo nhận định của phóng viên hãng Bloomberg, kết quả cuộc bầu cử ở Sri Lanka vừa qua có nguy cơ làm gián đoạn các bước đi của chủ tịch Tập Cận Bình nhằm tăng cường sự hiển diện của Trung Quốc tại Ấn độ dương.

Trong khi đó, theo báo Mỹ the New York Times việc Trung Quốc gia tăng sự hiện diện tại Sri Lanka đã gây lo ngại trong dân chúng và chính trường nước này.

Bản thân ông Sirisena trong chiến dịch tranh cử dường như cũng tận dụng mối lo ngại trước Trung Quốc để tranh thủ sự cảm tình của công chúng khi tuyên bố: “Sri Lanka có thể trở thành thuộc địa và chúng ta có thể trở thành nô lệ”, nếu chính sách của ông Rajapaksa, một người nổi tiếng thân Trung Quốc kéo dài thêm 6 năm nữa.

Ông viết trong cương lĩnh tranh cử: “Miền đất mà người da trắng dùng sức mạnh quân sự để chiếm này, nay thuộc về những người nước ngoài tung tiền mua chuộc một số người”.

Mặc dù vậy, các nhà phân tích TQ nói họ không nghĩ việc ông Rajapaksa thất cử có thể ảnh hưởng đến các kế hoạch của TQ ở Sri Lanka.

“Nhiều chính khách nói như thế trước cuộc bầu cử, nhưng sau khi trúng cử, họ lại làm khác”, chuyên gia Wang Dehua về Đông Nam Á ở Học viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải (TQ) nói.

Về dự án “thành phố cảng”, Wang phát biểu: “Tôi tin nó sẽ có lợi cho Sri Lanka, vậy tại sao lại hủy? Tôi cho rằng khả năng hủy là rất nhỏ”.

Về phần mình, ông W.P.S. Sidhu, chuyên gia phân tích chính sách ngoại giao tại Viện Brooking nhận xét rằng ông Sirisena có khả năng sẽ tiết chế hợp tác với Trung Quốc, nhất là về mặt quân sự.

“Tôi không cho rằng ông ấy sẽ cắt đứt quan hệ hoàn toàn, mà sẽ tiếp cận thận trọng hơn”, ông nói.

Sau tất cả mọi điều, những diễn biến xung quanh cuộc bầu cử ở Sri Lanka, quốc gia nhỏ bé ở Nam Á một lần nữa làm bộc lộ chiến lược biển rộng lớn của Trụng Quốc chạy dài từ Biển Đông tới Ấn độ dương, các bước đi đầy tính toán của họ, đồng thời nó cũng cho thấy phản ứng của khu vực trước toan tính tham vọng của Trung Quốc.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới