BienDong.Net: Trước một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh đang gia tăng tham vọng bành trướng, nước Nhật đang phải vất vả điều chỉnh chiến lược, vừa đối thoại, vừa phải cảnh giác tăng cường sức mạnh.
Cái bắt tay của ông Tập và ông Abe
Đối thoại về an ninh trên biển
Trong cuộc họp báo diễn ra vào ngày 13/1 nhân kết thúc cuộc thảo luận quốc phòng Trung – Nhật về vấn đề an ninh trên biển, Bộ trưởng Quốc phòng Nakatani cho biết Nhật Bản và Trung Quốc vừa nhất trí thành lập cơ chế liên lạc đặc biệt như là một “bước đi quan trọng để tránh các cuộc đụng độ trên biển hay trên không giữa hai nước, kể cả ở biển Hoa Đông”.
Cơ chế này đã được hai lãnh đạo Nhật – Trung là Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình thỏa thuận trên nguyên tắc nhân cuộc tiếp xúc vào tháng 11/2014 bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh.
Nhân cuộc gặp đó – lần đầu tiên từ khi hai nhân vật này lên cầm quyền – hai bên đã đồng ý thúc đẩy các biện pháp nhằm giảm bớt căng thẳng phát sinh từ tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, do Tokyo quản lý, nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền.
Trong thời gian gần đây, tàu tuần tra và máy bay Trung Quốc đã nhiều lần tiếp cận khu vực xung quanh quần đảo này, buộc Nhật Bản phải cử lực lượng Tuần duyên cũng như Không quân đến tận nơi giám sát, làm gia tăng nguy cơ xảy ra đụng độ ngoài ý muốn.
Cơ chế quản lý khủng hoảng trên biển giữa Nhật Bản và Trung Quốc không phải là một khái niệm mới. Vào năm 2012, giới chức quốc phòng hai nước từng đạt được thỏa thuận cơ bản về việc thiết lập một đường dây nóng và sử dụng một tần số vô tuyến điện chung cho tàu tuần tra và phi cơ đến gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Tuy nhiên, do căng thẳng nẩy sinh từ sau khi chính quyền Nhật Bản quyết định quốc hữu hóa một số hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku, cơ chế này đã bị chìm vào quên lãng.
Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng cao kỉ lục
Thông báo về thỏa thuận Nhật – Trung về an ninh trên biển được đưa ra gần như cùng lúc với việc Nội các Nhật Bản thông qua ngân sách quốc phòng kỉ lục lên tới 4,98 nghìn tỷ yên (42 tỷ USD), cao hơn 2,8% so với năm ngoái.
Theo RFI, quyết định được thông qua sau khi Thủ tướng Shinzo Abe thúc đẩy thành công việc thay đổi bản Hiến pháp Hòa bình và cho phép quân đội tham chiến ở nước ngoài trong trường hợp một quốc gia đồng minh bị tấn công, khiến một số nước láng giềng coi là động thái tăng cường chủ nghĩa quân phiệt.
Thủ tướng Abe kiểm tra một đơn vị không quân tại căn cứ Omitama hôm 26/10
Số tiền trên sẽ được dùng vào việc mua thêm 20 máy bay trinh sát hàng hải loại P – 1 do chính Nhật Bản chế tạo, có tính năng vượt trội loại P – 3C của Mỹ, 5 máy bay V – 22 Osprey hiện đại, có khả năng lên thẳng tương tự như trực thăng, một phi đội máy bay không người lái Global Hawk, và một máy bay cảnh báo sớm E – 2D có nhiệm vụ bảo vệ các hòn đảo ở miền Nam Nhật Bản.
Không quân Nhật Bản sẽ có thêm một loạt phi cơ và máy bay trực thăng, trong đó có 6 chiến đấu cơ tàng hình F – 35A cực kỳ tối tân. Hải quân sẽ được trang bị thêm hai khu trục hạm Aegis, trong lúc một hệ thống lá chắn chống tên lửa được phát triển chung với Mỹ.
Ngay từ cuối năm 2013, chính phủ Abe đã quyết định dành khoảng 24.700 tỷ yen trong vòng 5 năm để mua vũ khí, thiết bị quốc phòng, từ máy bay không người lái, chiến đấu cơ, cho đến tàu ngầm, xe lội nước tấn công nhằm phục vụ mục tiêu chuyển hướng chiến lược về phía nam và phía tây.
Một trong những quyết định đầy ý nghĩa khác là việc dùng ngân sách năm nay, mua đất tại chuỗi đảo Amami từ tay tư nhân để có thể triển khai quân đội, cũng như việc chuẩn bị đặt một đơn vị giám sát duyên hải trên đảo Yonaguni, không xa quần đảo Senkaku.
Bộ Quốc phòng cũng có kế hoạch mua thêm 30 xe lội nước tấn công để trang bị cho lính thủy đánh bộ Nhật, đang được thành lập theo mô hình lực lượng Marines của Mỹ. Đây là đơn vị chủ lực có nhiệm vụ bảo vệ các hòn đảo xa xôi hẻo lánh, có nguy cơ bị Trung Quốc đánh chiếm. Như để dự phòng tình huống xấu này, trong thời gian gần đây, quân đội Nhật đã thường xuyên rèn luyện năng lực tấn công tái chiếm hải đảo.
Ngân sách quốc phòng Nhật Bản được tăng cường còn nhằm nhiều mục tiêu khác, nhưng rõ ràng là việc đối phó với Trung Quốc là một ưu tiên hàng đầu.
Jun Okumura, giáo sư thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Toàn cầu Meiji tại Tokyo, nhận định: “Hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, trên không phận, và dĩ nhiên là cộng thêm với những hành động hiếu chiến công khai nhắm vào Philippines và Việt Nam, chắc chắn đã có tác động mạnh, thúc đẩy Nhật Bản gia tăng chi tiêu quân sự, điều chỉnh học thuyết quân sự và cách tiếp cận các liên minh an ninh của mình“.
Còn theo ông Tetsuo Kotani, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản, căng thẳng Nhật – Trung Quốc sẽ tiếp tục ngày nào mà Bắc Kinh còn từ chối tuân thủ luật pháp quốc tế.
Chuyên gia này nhận định: “Trung Quốc không công nhận quyền tự do hàng hải và hàng không dành cho quân đội nước ngoài, nhưng cùng lúc lại đe dọa lãnh hải và không phận của các nước khác… Trừ phi Trung Quốc tôn trọng luật lệ quốc tế, các cuộc khủng hoảng sẽ tiếp tục”..
Về phần mình, tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, Tướng Nakatani nói việc gia tăng chi tiêu quốc phòng là cần thiết để có thể xử lí “tình hình đang thay đổi” xung quanh Nhật Bản, để bảo vệ không phận, hải phận và địa phận của Nhật Bản, và bảo vệ cuộc sống cũng như tài sản của công dân chúng ta”
Ông lưu ý rằng tàu hải quân Trung Quốc xuất hiện thường xuyên hơn ở gần vùng nước của Nhật, và máy bay chiến đấu cũng tiến “gần quá mức bình thường” với máy bay của Nhật.
Ông Nakatani, 57 tuổi, được cử làm Bộ trưởng quốc phòng thay thế ông Akinori Eto sau khi ông Abe được bầu lại làm Thủ tướng.
Ông Nakatani từng đứng đầu cơ quan quốc phòng – sau đó được nâng cấp lên Bộ quốc phòng – trong thời gian 2001 – 2002 và được coi là người có cùng quan điểm với Thủ tướng Abe về sự cần thiết nhằm tăng cường an ninh quốc gia của Nhật Bản. Ông ủng hộ việc Nhật Bản có thể tấn công phủ đầu kẻ thù trong trường hợp sắp bị tấn công.
“Nếu các bạn nghĩ về những gì sẽ xảy ra một khi Mỹ rút đi thì chúng ta phải tính đến khả năng đáp trả. Đó là vì chúng tôi không thể ngồi nhìn và chờ chết” – ông Nakatani từng nói với hãng tin Reuters hồi đầu năm 2014.
Chọn chuyên gia an ninh Nakatani làm bộ trưởng quốc phòng được xem là giải pháp của ông Abe cho những quan ngại về nguy cơ đến từ hai quốc gia hạt nhân là Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên, theo Reuters.
Ngoài ra, lựa chọn trên cũng phù hợp với đường lối an ninh quốc phòng của ông Abe từ trước tới nay, trong đó có việc thay đổi một điều khoản hiến pháp vốn hạn chế khả năng quân đội Nhật từ sau thế chiến thứ hai. Thay đổi này sẽ cho phép quân đội Nhật trợ giúp đồng minh và chiến đấu ở nước ngoài.
Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự lớn gần quần đảo Senkaku/Ðiếu Ngư.
Những quan ngại của Nhật là điều có thể hiểu được khi Trung Quốc liên tiếp có các hành động phô trương sức mạnh trên biển Hoa Đông.
Hồi tháng trước, truyền thông Nhật dẫn nguồn tin từ Trung Quốc tiết lộ quân đội Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ quân sự quy mô lớn gần quần đảo Senkaku/Ðiếu Ngư, hiện do Tokyo kiểm soát nhưng Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền.
Vị trí xây dựng căn cứ quân sự tại quẩn đảo Nam Kỷ
Theo Hãng tin Kyodo News, căn cứ này đang được xây dựng trên quần đảo Nam Kỷ thuộc tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc, cách quần đảo Senkaku/Ðiếu Ngư khoảng 300km về phía tây bắc.
Các nguồn tin khẳng định căn cứ này giúp Trung Quốc tăng cường khả năng phản ứng nhanh với các cuộc khủng hoảng quân sự trong khu vực. Nó cũng sẽ giúp Bắc Kinh dễ dàng giám sát khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) mà nước này đơn phương lập ra trên biển Hoa Ðông hồi tháng 11 – 2013.
Kyodo News đưa tin hiện quân đội Trung Quốc đang xây dựng vài đường băng sân bay trên đảo chính của quần đảo Nam Kỷ.
Một nhà nghiên cứu thuộc Học viện Nghiên cứu hải quân Trung Quốc cho biết hiện quân đội nước này đã triển khai một hệ thống rađa ở quần đảo Nam Kỷ.
Phản ứng trước diễn biến trên, Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga tuyên bố “Trung Quốc đang liên tục tăng cường hoạt động quân sự tại các vùng biển và vùng trời quanh Nhật”. Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ các hành động này” – ông Suga nhấn mạnh.
Một số nhà quan sát nhận định căn cứ của Trung Quốc có thể sẽ khiến Nhật và Mỹ phải thay đổi chiến lược an ninh bảo vệ quần đảo Senkaku/Ðiếu Ngư.
Tăng cường tiếp cận các nước Đông Nam Á
Cũng do mối lo ngại trước Trung Quốc, Đông Nam Á, khu vực đang chịu sức ép quân sự của Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông, sẽ là một trong những mục tiêu được chú trọng nhất trong chính sách ODA mới của Nhật, và đây có thể là khu vực đầu tiên nhận ODA cho các hoạt động quân sự phi tác chiến.
Dẫn nguồn tin cấp cao, báo Nhật Asahi Shimbun cho biết Nhật bắt đầu cung cấp ODA cho các nước đang phát triển cách đây khoảng 60 năm và chưa bao giờ viện trợ cho mục đích quân sự. Tuy nhiên, hiến chương mới về vấn đề này sẽ dỡ bỏ lệnh cấm trên với điều kiện ODA chỉ được dùng cho các hoạt động phi tác chiến như cứu trợ thiên tai và phát triển cơ sở hạ tầng.
Mặt khác, theo Asahi Shimbun, trước khi có hiến chương ODA mới, Nhật Bản đã âm thầm hỗ trợ kỹ thuật quân sự cho một số nước. Sự hợp tác giữa lực lượng tuần duyên nước này với các quốc gia Đông Nam Á cũng đang phát triển mạnh mẽ, giúp các đối tác trong khu vực tiếp cận những thiết bị và công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực tuần tra và bảo vệ bờ biển.
Giới quan sát nhận định những diễn biến trên phù hợp với tuyên bố của Thủ tướng Abe tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri – La ở Singapore năm 2013 rằng Nhật ủng hộ tối đa các nước ASEAN trong nỗ lực giữ an ninh vùng biển và vùng trời, bảo đảm quyền tự do đi lại trên biển và trên không.
Trong khi đó, có tin Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kazuyuki Nakane sẽ sang Campuchia và Lào để tìm cách mở rộng quan hệ với 2 nước vốn là địa bàn ảnh hưởng của Trung Quốc trong nỗ lực cạnh tranh của các cường quốc hàng đầu để tìm kiếm lợi ích từ khu vực.
Báo Finantial Times ngày 12/1 dẫn lời các nhà phân tích nói rằng tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc với khu vực sẽ phát triển mạnh hơn khi ASEAN trở thành Cộng đồng kinh tế chung vào cuối năm nay. Theo bài báo, Campuchia và Lào là hai trong số các thành viên ASEAN chính là mục tiêu của các công ty Nhật Bản đang tìm cách thúc đẩy các hoạt động tại thị trường Đông Nam Á tăng trưởng nhanh chóng. Đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp Nhật Bản ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đã lên mức 8,2 tỉ USD trong 3 quý đầu năm ngoái.
BDN