Wednesday, November 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐÁNH GIÁ VỀ CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG

ĐÁNH GIÁ VỀ CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Gần đây, nhiều chuyên gia nghiên cứu quốc tế đã đưa ra những đánh giá về chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông. Các ý kiến đều cho rằng âm mưu độc chiếm, thôn tính Biển Đông của Trung Quốc là xuyên suốt và điều này nằm trong chủ trương xây dựng cường quốc biển để đưa Trung Quốc thành một siêu cường ngang hàng với Mỹ.

Để thực hiện mục tiêu vươn ra biển xa, đưa Trung Quốc trở thành cường quốc biển, trước hết Trung Quốc cần khống chế Biển Đông và biển Hoa Đông. Trung Quốc đã vấp phải trở ngại rất lớn ở khu vực biển Hoa Đông bởi sự án ngữ của Nhật Bản được sự bảo trợ của Hiệp ước an ninh giữa Nhật và Mỹ. Các nước ven Biển Đông đều là những nước nhỏ, tiềm lực kinh tế và quân sự kém xa so với Trung Quốc nên thuận lợi hơn cho Bắc Kinh triển khai các hoạt động xâm lấn.

Trong những năm gần đây, nhất là từ sau khi cho lưu hành tấm bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” ở Liên hợp quốc tháng 5/2009, Trung Quốc gia tăng những hoạt động hiếu chiến đối với các nước ven Biển Đông thông qua sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để đe dọa, gây sức ép. Khi Việt Nam, Philippines, Malaysia thúc đẩy vấn đề Biển Đông tại các hội nghị của ASEAN để quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, đặc biệt sau khi Philippines sử dụng cơ chế Tòa Trọng tài quốc tế để giải quyết các tranh chấp Biển Đông thì Trung Quốc đã đẩy mạnh thực thi yêu sách chủ quyền thông qua việc tăng cường các hoạt động tuần tra của các lực lượng bán quân sự, củng cố cơ quan chấp pháp trên biển, gia tăng các hoạt động trấn áp, gây hấn với tàu thuyền các nước láng giềng, thiết lập và làm thay đổi nguyên trạng các cấu trúc tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông không chỉ gây tổn hại các quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven Biển Đông mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của các nước ngoài khu vực, bao gồm các cường quốc Mỹ, Nhật, Ấn Độ…, thách thức cả cộng đồng quốc tế. Những hành động này của Trung Quốc đã khẳng định bước chuyển đổi quan trọng trong triển khai chiến lược của Trung Quốc đối với tranh chấp ở Biển Đông.

Những hành động hiếu chiến này là hệ quả của cuộc đấu tranh nội bộ gay gắt giữa các phe phái ở Trung Quốc và nó cho thấy sự thắng thế của phe “diều hâu” trong giới lãnh đạo Trung Quốc. Để có được sự ủng hộ của giới quân sự, giới cầm quyền ở Bắc Kinh do Tập Cận Bình đứng đầu đã đẩy mạnh các hoạt động nhằm khẳng định “lợi ích cốt lõi” ở Biển Đông, nhưng giới hạn ở việc không tạo ra xung đột vũ trang. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang trỗi dậy ở Trung Quốc có thể được coi là nguyên nhân của những hành động hiếu chiến ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông.

Có hai vấn đề khiến Trung Quốc giới hạn hành động của mình và chưa sử dụng toàn bộ sức mạnh quân sự của mình ở Biển Đông: một là, Trung Quốc lo ngại xung đột vượt quá tầm kiểm soát ảnh hưởng đến môi trường hòa bình mà Trung Quốc vẫn cần duy trì để phát triển đất nước; hai là, Trung Quốc phần nào e ngại phản ứng của Mỹ, Trung Quốc tránh không tạo ra xung đột lớn để tạo cớ cho Mỹ có thể can thiệp.

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã có nhiều hoạt động liên tiếp để thử phản ứng và quyết tâm của Mỹ can dự vào khu vực. Trung Quốc cũng tích cực sử dụng con bài kinh tế và sức ép chính trị gây chia rẽ các nước ASEAN trên vấn đề Biển Đông. Với sức mạnh về tài chính, Trung Quốc đã đạt được việc tranh thủ được sự ngầm ủng hộ của một vài nước ASEAN trên vấn đề Biển Đông.

Trên vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đứng trước hai lựa chọn: một là xung đột và đối mặt với các rủi ro đi kèm; hai là thỏa hiệp. Tuy nhiên, việc thỏa hiệp sẽ khó có được sự đồng thuận từ phe hiếu chiến theo chủ nghĩa dân tộc Đại Hán trong nội bộ giới lãnh đạo ở Bắc Kinh. Những phát biểu của giới cầm quyền ở Bắc Kinh và cách hành xử của Trung Quốc thời gian qua cho thấy Trung Quốc vẫn đang âm mưu tính toán những bước leo thang mới để kiểm soát Biển Đông dựa trên phản ứng của các bên liên quan và cộng đồng quốc tế.

Những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. Những phần tử hiếu chiến trong nội bộ lãnh đạo Trung Quốc mưu toan đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động gây hấn với Việt Nam, Philippines và cả Malaysia để răn đe, buộc các nước này đi theo quỹ đạo của Trung Quốc và ngăn giải quyết tranh chấp bằng pháp lý, trước hết là ngăn cản vụ kiện Biển Đông của Philippines.

Để đối phó với Trung Quốc, các nước Việt Nam, Philippines và Malaysia cần tiếp tục chủ động thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông thông qua việc:

(i) Hình thành một liên minh những quốc gia có cùng lợi ích trong nội bộ ASEAN và ở Châu Á – Thái Bình Dương;

(ii) Tăng cường đoàn kết ASEAN, đẩy nhanh xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC);

(iii) Thúc đẩy sự can dự của các cường quốc Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…. Mỹ có vai trò quan trọng đặc biệt trong việc kiềm chế các hoạt động hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông. Việt Nam, Philippines và Malaysia cần thúc đẩy Mỹ triển khai chính sách “xoay trục” về Châu Á – Thái Bình Dương, thực hiện những cam kết đối với khu vực; kêu gọi Mỹ, Nhật, Ấn Độ… hỗ trợ mạnh mẽ cho việc tăng cường năng lực hải quân để đối phó với sự bành trướng trên biển của Trung Quốc.

(iv) Thúc đẩy vụ kiện Biển Đông của Philippines ở Tòa Trọng tài quốc tế. Là các nước nhỏ, với tiềm lực kinh tế, quốc phòng không thể so sánh với Trung Quốc, biện pháp hữu hiệu nhất đấu tranh với hành động gây hấn của Trung Quốc là sử dụng đấu tranh pháp lý. Đầu tháng 12/2014, Việt Nam đã gửi một Tuyên bố đến Tòa Trọng tài ủng hộ cho việc Tòa Trọng tài xem xét và ra phán quyết về các nội dung khởi kiện của Philippines, trong đó có việc bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”. Đây là một bước đi đúng đắn, cần tiếp tục có các bước đi mạnh mẽ hơn. Việc Tòa Trọng tài ra phán quyết “đường lưỡi bò” không phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 sẽ là một đòn đánh hiệu quả vào chính sách bành trướng cường quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Cho dù Trung Quốc không thực thi phán quyết thì nó vẫn là cơ sở pháp lý để các bên tiếp tục đấu tranh với Trung Quốc và cũng là cơ sở để các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ ủng hộ các nước ven Biển Đông trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.

(v) Đẩy mạnh sử dụng truyền thông quốc tế để vạch trần âm mưu chiến lược và các hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông để thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Dư luận quốc tế đang hết sức lo ngại về mối đe dọa và sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Công khai hóa các hành động hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông trước cộng đồng quốc tế sẽ làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc trong con mắt của quốc tế. Điều này buộc Trung Quốc phải cân nhắc về các bước leo thang mới của họ ở Biển Đông. Truyền thông quốc tế là một vũ khí lợi hại để đấu tranh với Trung Quốc ở Biển Đông./.

BDN

 

RELATED ARTICLES

Tin mới