BienDong.Net: An ninh biển đang là mối quan tâm của cả cộng đồng quốc tế. Dư luận quốc tế đang hết sức lo ngại những hành động hiếu chiến ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa hòa bình, ổn định khu vực và an ninh an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông.
Sau những hành động đơn phương lấn biển mở rộng quy mô lớn các cấu trúc ở Biển Đông của Trung Quốc trong hơn một năm qua thì các nước đang đứng trước một mối lo ngại mới còn lớn hơn cả đối với yêu sách “đường lưỡi bò”, đó là việc Trung Quốc củng cố, xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông tạo thành “tam giác chiến lược” ở Biển Đông. Trung Quốc chiếm bãi Scarborough của Philippines năm 2013; củng cố căn cứ quân sự ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa; và từ đầu năm 2014, ra sức lấp biển xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa.
Ba vị trí trên sẽ tạo thành thế “kiềng ba chân” để Trung Quốc thực hiện những âm mưu của mình ở Biển Đông. Sau khi hoàn thành, Trung Quốc sẽ đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa đầy đủ đối với các cấu trúc này và tạo thành vùng biển còn lớn hơn cả yêu sách “đường lưỡi bò” hiện nay. Điều này càng thể hiện rõ mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Có một loạt nguyên nhân được các nhà nghiên cứu, phân tích quốc tế nêu ra về việc tại sao Trung Quốc lại thể hiện quyết tâm cưỡng chiếm, khống chế bằng được Biển Đông. Thời gian qua, mức độ thể hiện của Trung Quốc có thể khác nhau ở từng thời điểm nhưng mục tiêu lâu dài độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là không thay đổi. Và có một điều rất dễ nhận thấy là các hành vi của Trung Quốc ngày càng leo thang hiếu chiến hơn.
Thứ nhất, về mặt chiến lược, Biển Đông là một khu vực nước sâu, có không gian chiến lược để Trung Quốc thực hiện chiến lược biển xa; khống chế Biển Đông để từng bước vươn ra biển xa, xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc biển như Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra.
Thứ hai, khống chế được con đường hàng hải, hàng không huyết mạch về thương mại, năng lượng phục vụ nhu cầu phát triển của Trung Quốc và tham vọng vươn lên thành cường quốc toàn cầu.
Thứ ba, độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc sẽ khống chế được an ninh và “yết hầu” phát triển kinh tế của các cường quốc Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc….
Thứ tư, đây là khu vực có tính địa bàn chiến lược trong khu vực. Khống chế Biển Đông có thể khống chế toàn bộ khu vực Đông Nam Á và con đường nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông thì Trung Quốc sẽ thực hiện được mục tiêu trong việc chống lại chính sách “xoay trục” về Châu Á của Mỹ. Ý tưởng về “chia đôi” khu vực ảnh hưởng ở Thái Bình Dương với Mỹ sẽ trở thành hiện thực.
Thứ năm, Biển Đông có nguồn tài nguyên hải sản, dầu lửa, khí đốt… phong phú. Độc chiếm được Biển Đông, Trung Quốc sẽ có được nguồn tài nguyên lớn phục vụ cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Các nhà phân tích an ninh, quốc phòng có chung nhận định rằng Trung Quốc chỉ có thể vươn lên thành cường quốc thế giới nếu như khống chế được Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc khó có thể thực hiện được ý đồ của mình vì vấp phải sự ngăn cản của Mỹ do những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông ảnh hưởng đến “lợi ích quốc gia” của Mỹ ở Biển Đông nói riêng và chính sách “xoay trục” về Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ nói chung.
Một số ý kiến cho rằng thực ra Trung Quốc đang “tính quẩn” vì rơi vào thế bị kẹt về hình thể chiến lược mà không thoát ra được vì một khi chiến tranh xảy ra, hải quân Mỹ, Nhật và đồng minh có thể sử dụng “các điểm thoát duy nhất” để chốt chặn và “nhốt” hải quân Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, ngăn không cho hải quân Trung Quốc vươn ra biển lớn. Việc Trung Quốc chỉ tìm cách bảo vệ an toàn cho tàu bè Trung Quốc ở Biển Đông thôi chưa đủ vì toàn bộ các tàu hàng, tàu chở dầu của Trung Quốc đi trên Ấn Độ Dương hoàn toàn bị “hở sườn” mà không có bất kỳ lực lượng nào bảo vệ. Trong khi đó, khả năng săn ngầm và diệt tàu nổi của Mỹ ở Biển Đông rất mạnh.
Tính toán của Trung Quốc là tìm cách tạo ra sự thay đổi chiến lược dần dần nhưng không tạo cớ để Mỹ có thể can thiệp. Trung Quốc không sử dụng vũ lực ồ ạt mà dùng chiến lược “vết dầu loang” gặm nhấm từng bước để đạt được mục tiêu của mình ở Biển Đông. Rất nhiều ý kiến cho rằng cần phải buộc Trung Quốc trả giá về các hành động của mình chứ không thể để tình trạng Trung Quốc luôn “được”, trong khi đó các nước khác lại “mất” cả về vị thế chiến lược lẫn các lợi ích kinh tế, an ninh, quốc phòng. Các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế cũng đã đưa ra nhiều đề xuất để ngăn chặn sự hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông như: (i) Mỹ cần phối hợp với các cường quốc khác như Nhật, Ấn Độ… hỗ trợ các nước ven Biển Đông tăng cường năng lực phòng thủ trên biển, trước hết là tăng cường lực lượng cảnh sát biển; (ii) chia sẻ thông tin hải quân và tình báo giữa Mỹ, Nhật với các nước Philippines, Malaysia và Việt Nam; (iii) tăng cường phối hợp, tập trận đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống; (iv) tăng cường phản đối và cập nhật liên tục các thông tin về việc Trung Quốc mở rộng các đảo nhân tạo; (v) không chấp nhận việc các đảo được mở rộng, tôn tạo có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; (vi) thúc đẩy ASEAN đi đầu trong việc phản đối hành vi lấn biển, mở rộng quy mô lớn các cấu trúc làm thay đổi nguyên trạng của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng DOC và sớm đàm phán xây dựng COC; (vii) Mỹ và Nhật cần đi đầu trong các nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn chính sách cứng rắn, quyết đoán gây hấn của Trung Quốc.
Tóm lại, Trung Quốc đang thực hiện chính sách bành trướng để kiểm soát Biển Đông, các cường quốc lớn Mỹ, Nhật, Ấn Độ… cần hỗ trợ các nước ven Biển Đông đối phó với Trung Quốc./.
BDN