Saturday, April 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ muốn tìm kiếm một căn cứ thường trực cho tàu chiến...

Mỹ muốn tìm kiếm một căn cứ thường trực cho tàu chiến tại Australia

can cu My tai AustraliaBienDong.Net: Trong động thái được cho là nằm trong chủ trương xoay trục sang Châu Á – TBD, Washington đã đàm phán với Canberra về hợp tác Hải quân, trong đó có việc đặt một căn cứ hải quân cho chiến hạm Mỹ đồn trú thường xuyên tại Australia, đồng minh chủ chốt của Mỹ ở Nam Thái Bình Dương.

can cu My tai Australia

Một đơn vị đồn trú hải quân Mỹ tới nhận nhiệm vụ tại cảng Darwin (ảnh AP)

RFI dẫn lời Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert xác nhận: Chúng tôi (Mỹ) đang cùng với Quân đội Austraila nghiên cứu các phương án khả thi cho hoạt động hợp tác Hải quân ngay tại Australia và xung quanh Australia, trong đó có cả việc cho tàu đồn trú (tại Australia).

Trong bài phát biểu tại một trường đại học ở Canberra mới đây, Tư lệnh Hải quân Mỹ tiết lộ: Các căn cứ hải quân ở Australia sẽ là nơi tiếp nhận chiến hạm thuộc các Hải đội Sẵn sàng Đổ bộ (Amphibious Ready Group), có nhiệm vụ hỗ trợ cho lực lượng Đặc nhiệm Thủy quân lục chiến có trang bị một tàu đổ bộ tấn công lớn và hai tàu chở trực thăng.

Mặc dù Tư lệnh Hải quân Mỹ không nói rõ việc đồn trú này được hình thành trên cơ sở thường trực hay luân phiên, và cũng không nói rõ địa điểm đồn trú của lực lượng Mỹ, nhưng theo hãng tin Mỹ Bloomberg, nhân chuyến thăm này, Đô đốc Greenert đã đi thị sát một số cảng quân sự của Australia, và ông đặc biệt chú ý tới một quân cảng ở Darwin, miền Bắc Australia.

Australia không có căn cứ hải quân chính thức của Mỹ, nhưng với việc Mỹ thực thi chiến lược xoay trục, cảng Darwin nhìn ra Biển Đông giữ một vai trò quan trọng đặc biệt. Từ năm 2012, thành phố này đã tiếp nhận hàng trăm lính thủy đánh bộ Mỹ luân phiên đồn trú. Từ con số 200 binh sĩ lúc ban đầu, lực lượng Mỹ tại Darwin đã lên đến 1.100 người vào năm ngoái, và sắp tới sẽ lên đến 2500 người.

Trước đó, trong cuộc hội đàm an ninh 2+2 tháng 8/2014 tại Sydney giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel với hai người đồng cấp Australia – Ngoại trưởng Julie Bishop và Bộ trưởng Quốc phòng David Johnston – hai bên nhất trí kế hoạch cho phép Mỹ triển khai máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tại căn cứ không quân Darwin.

Ngoài việc thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận chung, hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác quân sự, trong đó có đề xuất thiết lập hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa đạn đạo rộng lớn hơn để bảo vệ các đồng minh của Mỹ tại khu vực Châu Á.

Chiến lược xoay trục qua Châu Á của Mỹ đã bị Bắc Kinh cực lực chỉ trích, coi đó là là âm mưu kìm hãm, không cho quân đội Trung Quốc mở rộng hoạt động ở Biển Đông và Ấn Độ Dương. Bắc Kinh chắc chắn sẽ theo dõi sát sao các cuộc đàm phán Mỹ – Australia về việc tăng cường hợp tác Hải quân, và sẽ tìm cách gây sức ép, đặc biệt là đối với Australia, để hạn chế quy mô sự hợp tác này.

Trong các tuyên bố công khai, Đô đốc Greenert vẫn khẳng định Mỹ sẽ không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng cũng không chấp nhận các hành xử hiếu chiến vượt ngoài khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Về phần mình, Đài VOA nhận định: Việc Hoa kì tìm kiếm một căn cứ thường trực cho lực lượng hải quân tại Australia diễn ra trong bối cảnh vùng Ấn Độ Dương đang dần trở thành một điểm nóng về địa – chiến lược.

Năm ngoái, Trung Quốc đã gửi tàu ngầm đến Ấn Độ Dương, trong đó một chiếc cập cảng của Sri Lanka gần bờ biển của Ấn Độ trong một động thái phô trương sức mạnh khiến các nhà lãnh đạo Ấn Độ lo lắng.

Trung Quốc cũng đang xúc tiến kế hoạch xây dựng “Con đường Tơ lụa trên biển” với tham vọng thiết lập những hải cảng và cơ sở hạ tầng ở các nước Ấn Độ Dương, bao gồm Sri Lanka, Bangladesh, Maldives và Pakistan.

BDN

 

RELATED ARTICLES

Tin mới