Monday, January 6, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc và việc nắm giữ nguồn tài nguyên ở Biển Đông

Trung Quốc và việc nắm giữ nguồn tài nguyên ở Biển Đông

BienDong.Net: Nhiều bình luận chính trị gần đây tập trung vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines tại Biển Đông. Có sự công nhận rộng rãi rằng động lực tranh chấp chính là sự cạnh tranh về các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại Biển Đông. Điều này đã khiến các nhà bình luận nổi tiếng như Robert Kaplan cảnh báo về khả năng “Phần Lan hoá”.1 Tuy nhiên, bất chấp các tranh luận pháp lý đang diễn ra, Trung Quốc hiện có thể tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng của Philippines.

Trong khi các nước trên thế giới tranh luận về tình trạng pháp lý đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và Philippines, Trung Quốc đang tiếp tục “thay đổi hiện trạng trên thực địa” trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên. Trung Quốc thực hiện điều này thông qua các tuyên bố nhằm gây áp lực thường thấy, các biện pháp quân sự tại Biển Đông và các phương thức tiếp cận nguồn tài nguyên khác, bao gồm các thỏa thuận thương mại ưu đãi và đánh bắt trộm. Trong khi sự chú ý rõ ràng cần phải dành cho các tiến triển pháp lý và áp lực quân sự ở Biển Đông, các nhà hoạch định chính sách cũng cần phải chú ý đến diễn biến các cuộc cạnh tranh đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên đang diễn ra trong các bối cảnh khác như thế nào.

Nguồn: Reuters

Tập trung về khái niệm “tiếp cận”, trái ngược với quan điểm hẹp của “tài sản”, có ý nghĩa quan trọng trong việc hiểu rõ các cuộc cạnh tranh tài nguyên thiên nhiên này. Trong bài viết chuyên đề về tiếp cận, Jesse C. Ribot và Nancy Lee Peluso tranh luận về một hiểu biết rộng hơn đối với cách con người có thể có được những lợi ích từ nguồn tài nguyên. Trong khi quyền sở hữu chính thức và hợp pháp là một phương thức tiếp cận, tiếp cận trong thực tế có thể bao gồm một loạt các cơ chế rộng hơn. Những cơ chế này không nhất thiết được coi là hợp pháp, và có thể bao gồm các tiến trình xã hội như quan hệ thương mại, quan hệ xã hội và quyền lực.

Dầu và khí đốt là nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị nhất ở Biển Đông, và do đó chúng là mối quan tâm lớn nhất. Nhưng tài nguyên thuỷ sản là một yếu tố kinh tế và biểu tượng chưa được công nhận đầy đủ trong tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines. Tài nguyên thủy sản ở khu vực này không chỉ đại diện cho giá trị kinh tế, mà còn cho thấy các ngư dân hình thành nên “tiền tuyến người” trong các tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines. Ngư dân được sử dụng như những con tốt bởi chính phủ hai nước trong nỗ lực hợp thức hoá tuyên bố chủ quyền của mình: trong tòa án của công luận quốc tế, lập luận bảo vệ ngư dân dễ dàng hơn so với lập luận bảo vệ tàu hải quân. Ngư dân tạo thành một phần cơ bản mà Robert Haddick mô tả về “chiến lược cắt lát salami” của Trung Quốc, bao gồm “sự tích tụ chậm của những hành động nhỏ, trong đó không hành động nào khai mào chiến tranh (casus belli), nhưng cộng dồn theo thời gian sẽ trở thành một thay đổi chiến lược quan trọng”.

Tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines đã diễn ra trong nhiều năm, nhưng trở nên đặc biệt căng thẳng kể từ tháng 7/2012 khi một tàu khu trục của hải quân Trung Quốc bị mắc cạn tại Bãi Trăng Khuyết. Bãi này nằm 60 hải lý ngoài khơi bờ biển tỉnh Palawan, tỉnh cực tây của Philippines nhìn ra Biển Đông. Trong tháng 5/2014, 11 ngư dân Trung Quốc bị bắt ở Bãi Trăng Khuyết; 9 người sau đó bị kết án vào tháng 11 với tiền phạt là 102.000 USD. Năm 2013, Philippines đã nộp đơn kiện lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Thông qua hành động này, Philippines đã áp dụng chiến lược kháng cáo tới các chủ thể và các tổ chức nằm ngoài tranh chấp (như Mỹ và luật pháp quốc tế) để cố gắng hợp pháp hoá các tuyên bố chủ quyền của mình.

Trung Quốc đã thẳng thừng và đe doạ trong các phản ứng của nước này. Thay vì tham gia tranh luận về tính hợp pháp đối với tuyên bố chủ quyền, nước này trên thực tế đã tiếp cận nguồn lợi thủy sản của Philippines. Trung Quốc sử dụng ba cơ chế quan trọng để có được khả năng tiếp cập này: khẳng định truyền thống về chủ quyền với sự hỗ trợ của các đe dọa quân sự ở Biển Đông; thương mại; và đánh bắt trộm.

Chủ quyền và Lực lượng

Trong suốt các tranh chấp gần đây với Philippines, Trung Quốc từ chối tham gia tranh luận về tính hợp pháp tiềm năng của các tuyên bố chủ quyền. Thay vào đó, Trung Quốc dựa trên các khẳng định lặp đi lặp lại về chủ quyền trong khu vực đường chín đoạn. Trung Quốc gọi việc bắt giữ ngư dân nước này tại Bãi Trăng Khuyết năm 2014 như một hành động “khiêu khích” và “có chủ ý” “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền lãnh hải của Trung Quốc”. Nước này từ chối tham gia vào quá trình phân xử tại toà trọng tài dưới đơn kiện của Philippines, lập luận trong một bài báo tháng 12/2014 rằng mục tiêu của quá trình này đơn giản nhằm gây áp lực chính trị đối với Trung Quốc.

Trung Quốc xây dựng khả năng quân sự trong khu vực thông qua một chương trình cải tạo đất trên một số rạn san hô. Các nhà phân tích tại IHS Janes gọi đây là “sự thay đổi đáng kể nhất về tranh chấp Biển Đông kể từ trận chiến tại bãi Gạc Ma năm 1988”. Theo hình ảnh vệ tinh, kể từ tháng 8/2014, Trung Quốc đã cải tạo Đảo Đá Chữ Thập đủ lớn cho một đường băng sân bay dài 3.000 mét. Bãi san hô này trước đây nằm dưới nước, cấu trúc duy nhất có thể ở được là nền đất được xây dựng bởi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Theo IHS Janes, “cơ sở này thể hiện mục đích xây dựng nhằm ép buộc các bên tranh chấp khác từ bỏ tuyên bố chủ quyền và quyền sở hữu của họ, hoặc ít nhất đặt Trung Quốc vào vị thế đàm phán mạnh hơn nếu cuộc đàm phán về tranh chấp được tổ chức”. Phản ứng lại phân tích này, Trung Quốc khẳng định công trình trên dành cho hoạt động “tìm kiếm và cứu hộ” và “thu thập thông tin tình báo”.

Hai sự cố gần đây ở Bãi Trăng Khuyết và cuộc tranh luận về chi tiết pháp lý của vụ tranh chấp đã thu hút sự chú ý khỏi bối cảnh lớn hơn trong đó Trung Quốc đã tiếp cận nhiều tài nguyên ở Biển Đông và của Philippines. Trong đó thương mại các nguồn lợi thủy sản có giá trị cao đặc biệt nổi bật.

Thương mại thủy sản giá trị cao

Mô hình thương mại là minh chứng quan trọng cho thấy Trung Quốc đã tiếp cận các nguồn tài nguyên thủy sản của Philippine, nhưng bằng cách không bền vững, không bị kiểm soát và cung cấp các lợi ích kinh tế hạn chế cho người dân Philippines.

Tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Philippines tới Trung Quốc và Hồng Kông tăng mạnh 5 năm qua, từ 49 triệu USD năm 2009 lên gần 129 triệu USD năm 2013 – tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 33%. Tuy nhiên, tổng kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm thuỷ sản của Philippines năm 2003 từ Trung Quốc chỉ đạt 60 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Philippines nhiều gấp hai lần so nhập khẩu. Chỉ riêng Hồng Kông đã chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch xuất khẩu cá của Philippines năm 2011 (nhiều sản phẩm thuỷ sản giá trị cao được nhập khẩu vào Trung Quốc thông qua Hồng Kông). Trong khi tổng sản lượng cá nhập khẩu từ Trung Quốc vào Philippines khá lớn, Philippines xuất khẩu các loại cá có giá trị cao hơn nhiều. Trong tất cả các nước thuộc khu vực Tam giác San hô, Philippines có chênh lệch kim ngạch lớn nhất trong xuất nhập khẩu: giá trị xuất khẩu trung bình đạt khoảng 3.000 USD/tấn, trong khi giá trị nhập khẩu trung bình đạt ít hơn 1.000 USD/tấn.

Cấu trúc thương mại thủy sản này được chứng minh bởi hoạt động xuất khẩu cá rạn san hô nhiệt đới sống sang Trung Quốc. Hoạt động thương mại cá rạn san hô sống là một nghề cá quan trọng trong khu vực, trị giá khoảng 1 – 2 tỷ USD. Ngành này được biết đến nhiều do các tác động đến môi trường và xã hội. Các loại cá được đánh bắt cho mục đích thương mại là các loài sống lâu, phát triển chậm, nằm trên đỉnh chuỗi thức ăn và đặc biệt dễ bị đe doạ do áp lực đánh bắt quá mức. Một số loài hiện đang nằm trong danh sách bị đe dọa hoặc nguy hiểm do hậu quả từ các hoạt động thương mại. Việc sử dụng hoá chất xyanua để đánh bắt cá không chỉ gia tăng áp lực khai thác mà còn phá hủy các rạn san hô. Như vậy, hoạt động thương mại có liên hệ chặt chẽ với việc đánh bắt cá rạn san hô nhiệt đới quá mức và sự suy thoái các rạn san hô lan rộng ở Philippines.

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tạo thành một hoạt động kinh tế quan trọng đối với người dân Philippines, nhưng các cấu trúc thương mại có lợi cho thương nhân Trung Quốc nhiều hơn so với các ngư dân Philippines. Các thương vụ mua bán cá rạn san hô nhiệt đới phần lớn được giao dịch bởi các thương lái Hồng Kông hoặc Trung Quốc. Các thương lái này đầu tư vào tất cả các điểm dọc theo chuỗi hàng hoá đến ngư dân tại các đảo xa. Một bài phân tích về chuỗi giá trị của cá mú đốm gần đây tại tỉnh Palawan của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chỉ ra rằng do mô hình đầu tư của các thương lái có trụ sở tại Hồng Kông, các ngư dân và Philippines chỉ thu được 20% giá trị của chuỗi cung ứng, giá cả phần lớn được quyết định ở Hồng Kông và Trung Quốc. Trong khi hoạt động thương mại các loại cá có giá trị cao chỉ mang lại phần lợi ích nhỏ nhất cho các ngư dân, các ngư dân lại phải chịu phần lớn các chi phí dài hạn do đánh bắt quá mức và suy thoái môi trường.

Đánh bắt trộm

Công tác quản lý nguồn lợi thủy sản ở Philippines yếu, đặc trưng bởi khả năng quản lý yếu và mức độ tham nhũng cao. Điều này cho phép Trung Quốc (và các nước khác) tận dụng một cơ chế tiếp cận trực tiếp hơn đến các nguồn lợi thuỷ sản: đánh bắt trộm.

Tình trạng các tàu cá Trung Quốc đánh bắt trộm trong vùng biển của Philippines thường xuyên diễn ra. Từ tháng 3/1995 đến tháng 5/2014, tại tỉnh Palawan có 95 tàu và 1.164 người bị bắt giữ, trong đó có 42 tàu và 640 người Trung Quốc. Trong khi đánh bắt trộm có thể được xem không quan trọng về quy mô, các hoạt động này làm nổi bật việc Trung Quốc tiếp cận các loài động vật có giá trị đặc biệt cao và đang bị đe. Ví dụ, một trong những vụ đáng chú ý là tàu Hoi Wan của Trung Quốc đánh bắt trộm hơn 300 con cá Napoleon wrasse cuối năm 2006, một con cá này được bán với giá hơn 600 USD/kg ở các nhà hàng tại Bắc Kinh. Loài cá này đang có nguy cơ bị tuyệt chủng và suy giảm nhanh chóng tại bất cứ nơi nào bị đánh bắt. Một số sản phẩm thông dụng khác bị đánh bắt trộm là rùa, san hô, vây cá mập. Buôn bán tất cả các sản phẩm này đều bị cấm ở Philippines. Các khu vực thường xảy ra tình trnagj đánh bắt trộm gồm các bãi sinh sản quan trọng của rùa và một số bãi san hồ phong phú nhất trên thế giới. Hầu hết các vụ đánh bắt trộm không xảy ra ở các vùng biển tranh chấp tại Biển Đông nhưng nằm hoàn toàn trong lãnh hải Philippines, chẳng hạn như điểm lặn nổi tiếng thế giới Công viên Tự nhiên Rạn san hô Tubbataha.

Hệ thống tư pháp yếu ở Philippines và áp lực chính trị từ Trung Quốc thường cản trở việc truy tố thành công những kẻ đánh bắt trộm. Các tổ chức môi trường từ lâu đã phản đối áp lực của chính quyền Trung Quốc trong các trường hợp này, bất chấp một số vụ truy tố thành công gần đây. Một lượng lớn các vụ đánh bắt trộm trong vùng biển xung quanh đảo Palawan và Philippines thường không bị truy tố và không được ghi lại trong các tài liệu chính thức.

Do đó, những yếu kém trong công tác quản lý của Philippine tạo điều kiện cho “những kẻ trộm lưu động” được mô tả bởi nhà kinh tế học Mancur Olson phát triển mạnh. Như nhà khoa học biển Fikret Berkes và một số nhà khoa học khác giả thuyết rằng nhu cầu ngày càng tăng đối với nguồn lợi thủy sản đã dẫn đến mô hình khai thác nguồn tài nguyên vượt quá khả năng phản ứng của các tổ chức địa phương. Mô hình thương mại thủy sản của Trung Quốc và tình trạng đánh bắt trộm là minh chứng cho quá trình này.

Xu hướng

Tài nguyên thiên nhiên là một động lực chính trong tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines tại Biển Đông. Thủy sản là một nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng trên cả giá trị kinh tế và biểu tượng.

Các nhà bình luận quốc tế đã đúng khi tập trung hầu hết sự chú ý đến các yếu tố pháp lý và quân sự trong tranh chấp trên Biển Đông. Nhưng tiếc là trọng tâm này có nghĩa rằng ít người chú ý đến tất cả các cơ chế Trung Quốc sử dụng để tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trung Quốc đang tăng cường tiếp cận các nguồn tài nguyên không chỉ thông qua các công cụ khẳng định chủ quyền truyền thống, mà còn thông qua các mô hình thương mại bất bình đẳng và đánh bắt trộm. Phương thức tiếp cận đến nguồn lợi thủy sản Philippines của Trung Quốc không được kiểm soát và không bền vững. Trong khi cuộc đối đầu pháp lý và quân sự có thể thống trị các tiêu đề thời sự, bối cảnh rộng lớn của cuộc tranh giành tài nguyên thiên nhiên lại cơ bản hơn. Sự tập trung có tính khái niệm về tiếp cận, trái ngược với chủ quyền, giúp chúng ta hiểu về những xu hướng này.

Trong lập luận thu hút sự chú ý hướng đến việc Trung Quốc tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Philippines, điều quan trọng là không được khái quát hoá. Mối quan hệ của Trung Quốc với Philippines hiện tiêu cực hơn rất nhiều so với các quốc gia khác mà Trung Quốc có hoạt động buôn bán tài nguyên thiên nhiên. Một báo cáo gần đây của Viện Lowy cũng nhấn mạnh, khái quát rằng một chiến lược chung của “Trung Quốc” ở Biển Đông bị phức tạp hoá bởi sự đa dạng của chủ thể Trung Quốc hoạt động ở vùng biển này.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu quan trọng cho thấy các xu hướng trong việc tiếp cận nguồn tài nguyên nêu trên sẽ chỉ tăng lên trong những năm tới. Thứ nhất, việc nền kinh tế Philippine ngày càng cởi mở trong hoạt động thương mại với Trung Quốc – được hỗ trợ bởi Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN có hiệu lực từ năm 2010 – cho thấy thỏa thuận thương mại bất bình đẳng sẽ tiếp tục và mở rộng sang các lĩnh vực khác. Công tác quản lý ở Philippines vẫn còn yếu và không có khả năng đối phó với “kẻ trộm lưu động”. Thứ hai, trong khi sự tập trung ở đây nhắm đến việc làm thế nào các nguồn lợi thủy sản trở thành mục tiêu của Trung Quốc, các nguồn tài nguyên dầu và khí đốt có thể trở thành mục tiêu chiếm đoạt trong tương lai và có giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với thuỷ sản. Cuối cùng, và có lẽ quan trọng nhất, như Elizabeth Economy ghi chú trong bài viết gần đây trên tạp chí Foreign Affairs, Chủ tịch Tập Cận Bình đã dấy lên chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc. Do các liên kết mạnh mẽ giữa Philippines và Mỹ, chủ nghĩa dân tộc hướng đến việc chống lại Philippines và Mỹ có tính chất đặc biệt mãnh liệt. Khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại trong những năm tới, chủ nghĩa dân tộc có khả năng sẽ phát triển khi chế độ Trung Quốc tìm cách hướng lái nỗi thất vọng của dân chúng ra các vấn đề quốc tế.

Tất cả những yếu tố này cho thấy nhu cầu quan tâm đến không chỉ các khía cạnh pháp lý và quân sự trong các tranh chấp ở Biển Đông mà còn tới bối cảnh rộng hơn trong đó Trung Quốc trên thực tế đã tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

BDN (biên dịch)



1 Phần Lan hoá (Finlandization) là quá trình một cường quốc ảnh hưởng, tác động mạnh đến chính sách của một nước láng giềng bé hơn, trong khi cho phép nước láng giềng duy trì nền độc lập và hệ thống chính trị riêng biệt. Từ này từng được dùng để ám chỉ sự ảnh hưởng của Liên bang Xô Viết đối với các chính sách của Phần Lan trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới