BienDong.Net: Tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội hôm 05/03/2015, Thủ tướng Lý Khắc Cường chính thức thông báo ngân sách quân sự của Trung Quốc năm 2015 sẽ tăng 10,1%, lên tới 886,9 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 142 tỷ đôla).
Thủ tướng Lý Khắc Cường đọc diễn văn khai mạc phiên họp Quốc hội 05/03/2015 REUTERS/Jason Lee
Ông Lý cho biết mục tiêu của Trung Quốc là gia tăng hoạt động hậu cần hiện đại, đẩy mạnh nghiên cứu quốc quốc phòng, phát triển các vũ khí thiết bị công nghệ cao mới, cũng như các công nghệ và khoa học liên quan đến quốc phòng.
Theo trang mạng Sina Military Network, có trụ sở tại Bắc Kinh, một phần quan trọng trong ngân sách quân sự của Trung Quốc sẽ được dùng để nuôi bộ máy 23 triệu binh lính và sĩ quan của Quân Giải phóng, cũng như để mua sắm các vũ khí và thiết bị quân sự mới.
Theo RFI, do Bắc Kinh vẫn giữ bí mật về các khoản chi tiêu quân sự, nên hiện chưa có thông tin thật chính xác và đầy đủ về những thiết bị quân sự mà Trung Quốc sẽ mua thêm. Tuy nhiên, có tin không quân và hải quân Trung Quốc muốn trang bị khoảng 50 chiến đấu cơ phản lực J – 10 và J – 11, cũng như từ 20 đến 30 oanh tạc cơ và máy bay lớn. Mỗi năm, hải quân Trung Quốc cũng sẽ trang bị thêm một hoặc hai chiếc khu trục hạm Type 052C/DD, hai hoặc ba chiếc hộ tống hạm Type 54A và ba hoặc bốn chiếc hộ tống hạm nhỏ Type 056, cũng như một số không xác định các tàu ngầm thông thường và tàu ngầm hạt nhân.
Trung Quốc không minh bạch trong chính sách quốc phòng
Các nhà phân tích chỉ rõ rằng mặc dù ngân sách quân sự Trung Quốc năm nay tăng thấp hơn mức 12,2% năm ngoái, song nó vẫn tiếp tục ở mức hai con số giống như cả thập kỉ qua, và vượt xa mức tăng trưởng kinh tế dự tính 7% trong kế hoạch, đưa Trung Quốc trở thành nước có mức chi tiêu quân sự lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ.
Một chuyên gia về vấn đề quân sự Trung Quốc chỉ rõ: Ngân sách quân sự của Trung Quốc về cơ bản không còn phải neo vào hoạt động của nền kinh tế nữa, và ở Trung quốc người ta đã đi đến một quyết định chính trị rằng chi tiêu quân sự là vấn đề không ai được đụng đến, là vấn đề bất khả xâm phạm.
Các chuyên gia ở bên ngoài Trung Quốc chỉ rõ rằng ngân sách quân sự của Trung Quốc, vì nhiều lí do, thường là thấp hơn đáng kể so với con số mà Bắc Kinh công bố.
Asia Times dẫn lời ông Ran Bogong, nguyên giáo sư khoa chính trị quốc tế trường Đại học Toledo cho biết ngân sách quân sự chính thức của Trung Quốc thường không bao gồm các khoản chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu quân sự do chính phủ tài trợ, cũng như các dự án phát triển trong một số lĩnh vực.
Chính vì thế, ngay sau khi Trung Quốc loan báo ngân sách quân sự mới,Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 5/3 tuyên bố nước này đang theo dõi sát các động thái gia tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu “sự minh bạch hơn nữa trong chính sách quốc phòng của Trung Quốc, trong đó có vấn đề chi tiêu quốc phòng và sức mạnh quân sự”.
Phản ứng trước chỉ trích của dư luận, hãng tin chính thức của nhà nước TQ Tân Hoa xã tố cáo Phương Tây có thái độ nước đôi liên quan tới chi phí quân sự của Trung Quốc khi họ vẫn nghĩ rằng Trung Quốc tốt nhất vẫn cứ nên là một thị trường lớn, và là một người lùn về quân sự.
Một điều thú vị là trong bình luận của mình, hãng Tân Hoa còn cho rằng do Trung Quốc không có đồng minh trên hệ thống quốc tế nên họ buộc phải chi tiêu nhiều hơn cho quân sự.
“ Không giống như Anh và Nhật Bản, những nước có liên minh trong việc chia sẻ kĩ thuật quân sự, công cuộc hiện đại hóa quốc phòng của Trung Quốc đương nhiên là khó khăn hơn vì Trung Quốc phải dựa phần lớn vào bản thân để khởi sự từ đầu, và điều này chắc chắn đòi hỏi một khoản chi tiêu tương đối lớn về quân sự”.
Lại nhấn mạnh tham vọng cường quốc biển
Cũng trong Báo cáo trước Quốc hội hôm 5/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã 2 lần nhắc tới cụm từ “cường quốc về biển” – mục tiêu mà Trung Quốc đang theo đuổi.
Khái niệm “cường quốc về biển” lần đầu tiên được đưa ra trong báo cáo đại hội 18 đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong Báo cáo trước Quốc hội năm 2014, Lý Khắc Cường cũng từng tuyên bố: “Biển là lãnh thổ màu xanh quý báu của chúng ta. Phải kiên trì quy hoạch biển, triển khai toàn diện chiến lược biển, phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển, kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích hàng hải quốc gia, nỗ lực xây dựng cường quốc về biển”.
Cần nhắc lại rằng tham vọng biển của Trung Quốc đang là nguyên nhân chủ yếu gây căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước xung quanh xuất phát từ những đỏi hỏi chủ quyền vô lí của Trung Quốc trên biển.
Tham vọng cường quốc biển của Trung Quốc không chỉ gây lo ngại đối với các nước láng giềng mà trên thực tế, ngay cả các nước nằm xa Trung Quốc cũng bắt đầu cảm nhận ra mối đe dọa. Dư luận từng chứng kiến mối lo ngại của Ấn Độ trước sự có mặt của các tàu ngầm Trung Quốc tại cảng Colombo của Sri Lanka cũng như ý đồ của Bắc Kinh xây dựng một chuỗi các cảng kết nối Sri Lanka, BanglaDesh, Maldiives trong dự án Đường tơ lụa trên biển.
Và xa hơn nữa, trước cửa ngõ Châu Âu dư luận cũng bắt đầu bồn chồn. Trong số ra mới đây, báo Pháp Le Figaro có bài phóng sự « Qua cặp ống nhòm của thuyền trưởng » phản ánh phần nào bức tranh này. Theo bài báo, tham gia chiến dịch không kích chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak, thuyền trưởng tàu sân bay Charles – de – Gaule của Pháp lần đầu tiên đã có dịp đối mặt trực tiếp với hạm đội 16 của hải quân Trung Quốc. Bài báo nhận xét:: Về số lượng, hải quân Trung Quốc với 400 chiến hạm đang trên đà vươn lên thứ hai thế giới để vượt mặt nước Nga trong những năm tới. Thỏa thuận với tiểu quốc Djibouti bên bờ vịnh Aden cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ngay tại cửa ngõ vào Địa Trung Hải tại một khu vực mà “Châu Âu đang để trống”.
BDN