BienDong.Net: Trong bài phát biểu tại Australia hôm 31/3, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tố cáoTrung Quốc đang xây một “trường thành cát” trên Biển Đông.
Ông Harris nói Trung Quốc đang xây các đảo nhân đạo bằng cách bơm cát lên các rạn san hô tươi, trong đó có một số rạn san hô chìm, rồi phủ bê tông lên trên.
Bằng cách này, cho tới nay họ đã tạo ra trên 4 km vuông đảo nhân tạo trên Biển Đông, ông nói.
Theo Đô đốc Harris, chương trình xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc nhằm củng cố đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của họ là hành động “chưa từng thấy từ trước tới nay”.
Ông nói các công trình xây lấn của Trung Quốc nằm án ngữ trên một trong những tuyến hàng hải tấp nập nhất thế giới.
Khoảng 60% giao thương của Australia đi qua những tuyến hàng hải này, và theo báo chí Australia, những nhận xét trên có lẽ là quyết liệt và chi tiết nhất từ trước tới nay liên quan đến Biển Đông được phát ra bởi một chỉ huy cao cấp của quân đội Mỹ.
Trung Quốc đang xây dựng trái phép trên bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam – Ảnh: AFP
Trong những tháng qua, báo chí thế giới đã loan truyền hàng loạt bức ảnh vệ tinh mô tả việc xây đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Trường Sa.
Một trong những hòn đảo mới Trung Quốc đang xây có cả cầu cảng và đường băng cho máy bay dài hơn 3km. Các nhà phân tích nói cơ sở này sẽ tạo điều kiện cho không quân Trung Quốc mở rộng tầm hoạt động xa thêm hàng ngàn km về phía nam.
“Nếu chúng ta nhìn vào những hành động khiêu khích của Trung Quốc đối với các nước nhỏ hơn, sự mơ hồ của yêu sách đường chín đoạn… thì không có gì ngạc nhiên khi phạm vi và tốc độ xây đảo nhân tạo của Bắc Kinh khiến cho người ta hết sức nghi ngờ về ý định của họ”, ông Harris bình luận.
Việc Trung quốc hành động như thế nào sẽ là một chỉ dẫn then chốt cho thấy liệu khu vực này sẽ hướng tới đối đầu hay hợp tác, ông nói thêm.
Mỹ tuyên bố có lợi ích quốc gia trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp tại Biển Đông, khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với mậu dịch thế giới.
Trung quốc khăng khăng bám giữ yêu sách lãnh thổ vô lí của họ và phản đối điều mà họ coi là sự can thiệp của Mỹ trong vấn đề này.
Trong bài phát biểu của mình, Đô đốc Harris tuyên bố Mỹ vẫn đang trên lộ trình bố trí lại 60% lực lượng hải quân của họ cho hạm đội Thái Bình dương vào năm 2020.
Ông cũng tuyên bố rằng bằng cách duy trì một sự hiển diện mạnh mẽ và đáng tin cậy, Hoa kì sẽ tăng cường khả năng duy trì sự ổn định và an ninh trong khu vực.
“Nếu có cuộc khủng hoảng nào đó bùng nổ, Hoa kì sẽ ở vào một vị trí tốt hơn để đáp trả nhanh chóng”, ông nói.
Trước đó, hôm 17/3, chỉ huy Hạm đội 7 đặc trách khu vực Tây Thái Bình dương, phó đô đốc Robert Thomas, kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á thiết lập một lực lượng hàng hải để tuần tra chung những khu vực có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.
“Nếu các thành viên ASEAN muốn đi đầu trong hoạt động trên, Hạm đội 7 Mỹ sẽ sẵn sàng hỗ trợ”, ông Thomas nói.
Hoa kì cần có chiến lược toàn diện để ngăn chặn hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
Phát biểu của tư lệnh Hải quân Mỹ được đưa ra tiếp theo việc bốn nhân vật rất có thế lực tại Thượng viện Mỹchính thức lên tiếng đòi chính quyền Obama phải có một chiến lược toàn diện để ngăn chặn các hành vi gây mất ổn định của Trung Quốc tại Biển Đông.
Thượng Nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện
Theo BBC, trong bức thư đề ngày 19/03/2015, gửi Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter và Ngoại trưởng Hoa Kì John Kerry, bốn Thượng nghị sĩ Mỹ gồm ông John McCain, Chủ tịchỦy ban Quân vụ Thượng viện, Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, cùng với hai nghị sĩ đảng Dân chủ Jack Reed và Bob Menendez cảnh báo rằng các hoạt động thay đổi thực trạng của Trung Quốc tại Biển Đông đã lên đến mức đáng báo động, cả về qui mô lẫn tốc độ.
Các hành động đó của Bắc Kinh, theo các tác giả bức thư, cần phải được đối phó bằng« một chiến lược toàn diện », vì nếu không,« lợi ích lâu dài của Hoa Kỳ, cũng như của các đồng minh và đối tác của Mỹ sẽ gặp rủi ro đáng kể. ».
Các nhà lập pháp Mỹ chỉ rõ: Trong khi các quốc gia khác chỉ xây dựng trên cơ sở đất đai hiện tại, Trung Quốc đã tạo ra những« thay đổi về chất, mà mục tiêu có dấu hiệu là nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. »
Các Thượng nghị sĩ Mỹ xác định: Những nỗ lực quân sự hóa các đảo nhân tạo này có thể “gây ra những hậu quả nghiêm trọng” và có thể khiến Bắc Kinh thêm tham vọng cũng như đủ năng lực hậu cần để tuyên bố một khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) mới ở Biển Đông như nước này từng làm năm 2013 trong các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải với Nhật Bản.
Về các biện pháp đối phó, các Thượng nghị sĩ cho rằng trước hết hai bộ Ngoại giao và Quốc phòng phải xem xét việc công bố thông tin tình báo thường xuyên hơn về các hành vi gây mất ổn định của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, chính quyền Mỹ phải xem xét khả năng đình hoãn các hợp tác an ninh nào với Trung Quốc nếu Bắc Kinh vẫn tiếp tục các hoạt động bồi đắp đảo đá tại Biển Đông, hay khảnăng tăng cường một số lãnh vực hợp tác cụ thể nếu Trung Quốc thay đổi hành vi.
Ngoài ra, các tác giả bức thư cũng muốn được biết về cách thức giúp đỡ các đối tác trong khu vực của Mỹ sao để cho các nước này tăng cường được năng lực kháng cự lại sức ép của Bắc Kinh.
BDN