Thursday, April 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTập Cận Bình nói Biển Đông là "lợi ích cốt lõi" của...

Tập Cận Bình nói Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc

tranh chap bien dong 1 260213
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa qua đã thăm chính thức Pakistan trong hai ngày 20 và 21/4/2015. Hai nước nhất trí nâng cấp từ “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” thành “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong mọi điều kiện”. Hai nước bày tỏ sẽ ủng hộ lẫn nhau trong bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chung.

Trong chuyến thăm, hợp tác giữa Bắc Kinh và Islamabad đã tăng lên đáng kể với việc hai bên ký hơn 50 thỏa thuận hợp tác về năng lượng, an ninh, quốc phòng, thương mại, tài chính, khoa học hải dương, y tế, giáo dục… trị giá lên đến 46 tỷ đô la Mỹ, trong đó có các thỏa thuận xây dựng “Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan” dài khoảng 3000 km nối giữa Tân Cương (Trung Quốc) và cảng Gwadar của Pakistan, coi đây là dự án trọng điểm trong sáng kiến của Bắc Kinh về “Một Vành đai, Một Con đường”.

Điều đáng nói là, lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc đã công khai nói vấn đề Biển Đông là “lợi ích cốt lõi quốc gia”, ngang hàng với các vấn đề khác là Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng, và là phát biểu của Tập trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trong năm 2015. Pakistan, được coi là “đồng minh” duy nhất của Trung Quốc, cũng là nước đầu tiên tuyên bố ủng hộ lập trường này của Bắc Kinh.

Giới phân tích chính trị quốc tế đánh giá, bằng chính sách sử dụng con bài kinh tế để đạt được những mục đích chính trị, Trung Quốc đã đạt được mục tiêu củng cố quan hệ “đồng minh” với Pakistan, triển khai sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường”, mở đường sang Ấn Độ Dương và xa hơn nữa trong âm mưu của mình là kiềm chế Ấn Độ, lợi dụng quan hệ giữa Pakistan và Mỹ đang ở thời điểm không thuận lợi, kéo Pakistan gần Trung Quốc hơn trong chiến lược kiềm chế ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này. Như vậy là, đồng hành với những chính sách và hành động cứng rắn liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ, Bắc Kinh đang tiến hành dồn dập các đợt tấn công “quyến rũ”, nhằm ràng buộc lợi ích và lôi kéo các nước ra khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Mỹ, mà Pakistan là một ví dụ.

Kể từ khi lên nắm quyền (2013) đến nay, Tập Cận Bình luôn tuyên bố sẽ “tiếp tục kiên định đi trên con đường phát triển hoà bình”. Tuy nhiên, thế giới đã chứng kiến Trung Quốc tiến hành những bước đi thể hiện đường lối đối ngoại cứng rắn của Tập Cận Bình. Đó là vào cuối năm 2013, Bắc Kinh đơn phương thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao trùm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang có tranh chấp với Nhật Bản. Và từ tháng 5 đến tháng 7/2014, Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Và những tháng đầu năm 2015, cả thế giới bất ngờ trước những hình ảnh chụp từ vệ tinh về các hòn đảo nhân tạo được ồ ạt xây dựng lên trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với diện tích rộng hàng trăm lần so với ban đầu, đủ khả năng hạ cất cánh cho tất cả các loại máy bay chiến đấu của Trung Quốc, và là nơi neo đậu cho các tàu quân sự, kể cả tàu ngầm của Trung Quốc.

Phát biểu của Tập Cận Bình tại Pakistan liên quan đến Biển Đông là tín hiệu nguy hiểm, cho thấy Bắc Kinh ngày càng tỏ ra quyết liệt hơn trong thực hiện những mưu đồ của mình, là tiền đề cho những bước leo thang căng thẳng mới của Trung Quốc ở Biển Đông, và tất yếu sẽ nguy hại đến những lợi ích hợp pháp của các nước khác có chung vùng biển này như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia… Phát biểu của Tập Cận Bình coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi quốc gia” đặt các nước trong và ngoài khu vực phải có những đối sách, chiến lược, hành động tập thể và thực tế hơn trong cố gắng buộc Trung Quốc phải tham gia giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Các nước trên thế giới không thể chỉ chờ xem Bắc Kinh có động thái gì nguy hiểm thì mới lên tiếng phản đối.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây dành cho báo South China Morning Post, khi được hỏi muốn gửi thông điệp gì tới Tập Cận Bình, Tổng thống Philippines Aquino nói: “Vào lúc tĩnh lặng của ông ấy, khi ông ấy đang nghỉ ngơi, có thể tôi sẽ hỏi ông ấy rằng: “Hãy đặt ông vào vị trí của chúng tôi, mà có thể là cả vị trí của Việt Nam, ông sẽ phản ứng thế nào trước những thách thức đang diễn ra ở Biển Đông? Làm ơn hãy đặt mình vào vị trí chúng tôi””.

Philippines cũng như Việt Nam đang là những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì tham vọng biến Biển Đông thành “vùng lãnh thổ chủ quyền” của Bắc Kinh. Cùng là thành viên trong khối ASEAN, Hà Nội và Manila cần tiếp tục tham vấn, trao đổi tin cậy và phối hợp hành động hơn nữa để cùng kêu gọi ASEAN đồng thuận thành một khối, có tiếng nói hiệu quả để điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc, không để Trung Quốc tiếp tục chia rẽ và làm suy yếu ASEAN bởi những “củ cà rốt” kinh tế, mà rốt cuộc là sự lệ thuộc vào ảnh hưởng của Trung Quốc, để Bắc Kinh dễ bề thực hiện những âm mưu đen tối của mình ở Biển Đông.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới