Tháng 4 này trên Biển Đông vẫn chứng kiến những hoạt động ráo riết, hối hả của Trung Quốc trong việc xây dựng các đảo nhân tạo trên các vị trí mà trước đây Trung Quốc đã cướp của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa.
Trang web của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington D.C công bố các hình ảnh vệ tinh do Digital Globe chụp vào tuần đầu tháng 4 cho thấy một đường băng dài khoảng 3,1 km tại Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa đã được hoàn thành khoảng một phần ba. Các hình ảnh cũng cho thấy một đoàn tàu Trung Quốc đang đổ cát lên Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. CSIS nhận xét, trong các bức ảnh chụp cách đây chưa đầy bốn tuần, người ta mới chỉ thấy hai đoạn đường băng dài 468 m và 200 m đang được xây dở dang, chứng tỏ tốc độ xây dựng rất nhanh của Bắc Kinh. Khi hoàn thành, các đường băng này có thể “phục vụ cho hầu như tất cả các loại máy bay mà Trung Quốc muốn cho hạ cánh”.
Tờ New York Times ngày 17/4 dẫn lời Giáo sư Peter Dutton thuộc Học viện Hải quân Mỹ cho rằng đường băng với độ dài dự kiến khoảng 3000 m có đủ điều kiện để các máy bay chiến đấu và máy bay trinh sát cất, hạ cánh này sẽ khiến “trận đấu” giữa Mỹ và Tung Quốc ở Biển Đông thay đổi. Trung Quốc có thể cũng đặt ra – đa và tên lửa để đe dọa các nước cùng có tuyên bố chủ quyền ở khu vực này như Philippines và Việt Nam.
Tháng 4/2015 cũng tiếp tục chứng kiến phản ứng của các nước và cộng đồng quốc tế trước những hành động nguy hại đến hòa bình, an ninh trong khu vực mà Trung Quốc đang tiến hành.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP hôm 14/4, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã cảnh báo yêu sách lãnh thổ và hành động của Trung Quốc tại Biển Đông có thể dẫn đến xung đột quân sự, làm tăng nỗi ám ảnh của các nước về việc các tuyến hàng hải quốc tế và ngư trường sẽ gặp trở ngại. Khi được đề nghị đánh giá các động thái hung hăng gần đây của Bắc Kinh trên Biển Đông, Tổng thống Aquino nói: “Liệu điều đó có tạo ra sự lo ngại? Có, tôi nghĩ nó sẽ tạo ra sự lo ngại trên khắp thế giới”.
Tổng thống Aquino nói việc Trung Quốc xây dựng hai đường băng trên đá Chữ Thập và Xu Bi mà Trung Quốc chiếm đoạt phi pháp của Việt Nam đã làm dấy lên quan ngại về an ninh quốc phòng cho Manila. “Với những tính năng mới, một khi hai bãi đáp máy bay này được đưa vào hoạt động, theo tôi nghĩ, chúng sẽ có phạm vi hoạt động bao trùm cả Philippines”.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ANC của Philippines hôm 15/4, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết Mỹ đang xem xét việc triển khai tại Philippines nhiều loại thiết bị không quân, hải quân, thiết bị giám sát biển hiện đại, và lực lượng Mỹ tại Philippines cũng sẽ được tăng cường.
Ngày 20/4, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Philippines, Tướng Gregorio Catapang nói“Chúng tôi có đầy đủ lý do để lên tiếng nói với toàn thế giới về tác động tiêu cực đến từ các hành động hung hăng của Trung Quốc”. Vì, theo Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Philippines, Manila phản đối “không chỉ vì các hành động đó đe dọa quyền tự do hàng hải, mà còn vì các công trình đó có thể được sử dụng cho mục tiêu quân sự”. Tư lệnh lực lượng vũ trang Philippines lên án Bắc Kinh “vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, vi phạm Công ước quốc tế về Đa dạng sinh học và Công ước về Thương mại Quốc tế”.
Tối ngày 15/4, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 họp tại thành phố Lu – bếch, CHLB Đức, đã ra Tuyên bố chung về An ninh biển. Trong phần mở đầu, Tuyên bố nêu rõ “Chúng tôi tiếp tục theo dõi các động thái trên Biển Đông và quan ngại trước những hành động đơn phương như cải tạo đất trên quy mô lớn nhằm thay đổi nguyên trạng và làm gia tăng căng thẳng. Chúng tôi phản đối mạnh mẽ mọi động thái áp đặt yêu sách lãnh thổ hoặc yêu sách trên biển bằng cách đe dọa gây sức ép hoặc dùng vũ lực. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia theo đuổi việc quản lý hoặc dàn xếp hòa bình các tranh chấp trên biển theo luật pháp quốc tế, bao gồm các cơ chế pháp lý giải quyết tranh chấp được quốc tế công nhận, và thực hiện nghiêm chỉnh bất kỳ phán quyết có tính chất ràng buộc nào do tòa án và tòa trọng tài liên quan đưa ra. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các quốc gia ven biển kiếm chế những hành động đơn phương gây ra thay đổi hữu hình vĩnh viễn đối với môi trường biển tại các khu vực đang chờ sự phân định ranh giới cuối cùng”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử gần 40 năm, các Bộ trưởng Ngoại giao của G7 thông qua một Tuyên bố liên quan tới tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông. Tuyên bố còn xác nhận ý định tổ chức một cuộc gặp cấp cao của G7 về An ninh biển trong năm 2015.
Sau cuộc họp hôm 16/4 tại Washington D.C, Thứ trưởng Ngoại giao ba nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng phát biểu bày tỏ thái độ quan ngại trước các hành động của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền ở Biển Đông.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nhắc lại quan điểm của Washington là tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông phải được giải quyết theo quy định của luật pháp quốc tế. Theo ông Blinken, không một quốc gia nào có quyền “hành động đơn phương”.
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki nêu rõ “Trung Quốc, với tư cách một cường quốc hàng đầu trong khu vực và trên thế giới, phải có nghĩa vụ tôn trọng luật pháp quốc tế và giải tỏa các mối quan ngại chung của các nước trong khu vực và ở Châu Á”.
Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae – Yong kêu gọi áp dụng các khuôn khổ pháp lý hiện hành cho phép “bảo đảm quyền tự do hàng hải và ổn định” trong khu vực và mong muốn Trung Quốc và các nước Đông Nam Á nhanh chóng đúc kết các cuộc đàm phán về một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) ở Biển Đông.
Báo Japan Times số ra ngày 20/4 cho biết, Mỹ và Nhật Bản đang xem xét khả năng thực hiện các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông. Mục tiêu là nhằm đảm bảo sự an toàn của các tuyến hàng hải thiết yếu cho thương mại quốc tế và buộc Trung Quốc phải kiềm chế các hành động khiêu khích tại khu vực này.
Ngày 16/4, Australia cũng lên tiếng bày tỏ lo ngại về những hoạt động cải tạo lớn của Trung Quốc tại những rạn san hô và bãi ngầm tranh chấp ở Biển Đông. Đại sứ Australia tại Philippines Bill Tweddell nói Australia kêu gọi tất cả các bên “kiềm chế ở Biển Đông, thực hiện những bước để giảm bớt căng thẳng và tránh bất kỳ hành động khiêu khích nào làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông” và “Chúng tôi kêu gọi các chính phủ làm rõ và theo đuổi những yêu sách lãnh thổ và các quyền hàng hải của mình theo luật pháp quốc tế và trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển”.
Rõ ràng là những hành động của Bắc Kinh phớt lờ pháp luật quốc tế, ngang ngược thách thức cộng đồng quốc tế đang làm thế giới lo ngại về nguy cơ chung là mất an ninh, mất ổn định, và trên hết là nguy cơ đụng độ quân sự trên biển (mặc dù cả Trung Quốc và phần còn lại của thế giới không muốn), ảnh hưởng đến lợi ích thông thương hàng hải từ bao lâu nay trên vùng biển này. Phản ứng của thế giới bày tỏ không đồng tình trước các hoạt động ngang nhiên bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông ngày càng tăng lên.
Các nước lớn (Mỹ, Nhật Bản, EU, Ấn Độ, Australia…), các nước trong khu vực ASEAN, các nước bị ảnh hưởng trực tiếp (Việt Nam, Philippines, Malaysia…) cần phải có các hành động thống nhất, không chỉ có tiếng nói chung mà phải có chung hành động để buộc Bắc Kinh phải biết đến giới hạn đỏ trong các hành động của mình.
BDN