Tại Hội thảo quốc tế về hợp tác Mỹ – Trung trong các vấn đề an ninh toàn cầu, tổ chức tại Washington D.C ngày 16/4/2015 vừa qua, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đã có một bài phát biểu khá dài về quan hệ Trung – Mỹ, kết hợp nêu quan điểm, lập trường của chính phủ Trung Quốc đối với một số vấn đề nóng trên thế giới, đặc biệt là vấn đề Biển Đông.
Thôi Thiên Khải trước đây đã từng làm Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, là Thứ trưởng ngoại giao, và được bổ nhiệm làm Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ từ tháng 4/2013. Nhân vật này thuộc loại diều hâu, được đánh giá là có những phát biểu ngang ngạnh, trịch thượng, mang đậm nét ngoại giao “đặc sắc” nước lớn của Trung Quốc.
Trong hội thảo này, Thôi Thiên Khải lại tranh thủ cao giọng quảng bá cho chính sách của Trung Quốc. Khải nói: “Với Trung Quốc, sự lựa chọn rất rõ ràng, chúng tôi sẽ tiếp tục con đường phát triển hòa bình và một chính sách đối ngoại độc lập vì hòa bình… chúng tôi hoàn toàn hiểu biết về trách nhiệm quốc tế của mình và những mong muốn của cộng đồng quốc tế đối với chúng tôi. Vì sự phát triển của đất nước mình, chúng tôi sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho thế giới”.
Nghe thì rất là hay ho, rất tích cực, đầy hứa hẹn, đầy trách nhiệm!
Nhưng khi nói về vấn đề nóng hiện nay được cả thế giới quan tâm theo dõi là vấn đề Biển Đông, thì Khải nói: “Trước tiên, quan điểm của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ là rõ ràng và nhất quán từ xưa đến nay. Quan điểm này không và sẽ không bao giờ thay đổi… không ai được ảo tưởng rằng có thể áp đặt lên Trung Quốc một hiện trạng đơn phương, và không ai được ảo tưởng rằng cứ xâm phạm chủ quyền Trung Quốc mà không phải gánh chịu hậu quả”.
Vừa nói hòa bình, trách nhiệm quốc tế xong, Khải đã chuyển ngay sang giọng đe nẹt, hung hăng, mang nặng tính bá quyền nước lớn vốn có của Trung Quốc!
Về hoạt động lấn biển xây đảo phi pháp của Trung Quốc ở một số rạn san hô và đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Thôi Thiên Khải ngang nhiên cho rằng: “Điều này hoàn toàn là việc làm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc” và “việc Trung Quốc tăng cường các năng lực ở Biển Đông là nhằm cung cấp dịch vụ công cho tất cả và vì lợi ích an ninh, ổn định và tự do hàng hải ở khu vực này”.
Điều Thôi Thiên Khải nói thì ai cũng biết nó là lập trường lâu nay của Bắc Kinh, được nhai đi nhai lại, tuyên truyền ra thế giới. Nhưng Bắc Kinh càng nói thì dư luận quốc tế lại càng nhận thấy những mâu thuẫn trong lời nói và việc làm của họ.
Khi Bắc Kinh nói đến chính sách hòa bình cho khu vực Đông Nam Á thì chính Bắc Kinh lại là người khuấy đục Biển Đông, làm Biển Đông dậy sóng vì những hành động ngang nhiên, hung hăng đe dọa các nước nhỏ hơn có cùng không gian sinh tồn lâu đời tại vùng biển này, như Việt Nam, Philippines, Malaysia… bằng cái lập luận phi lịch sử và phi pháp rằng “Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi” đối với 80% diện tích Biển Đông, thể hiện qua yêu sách “đường lưỡi bò” chạy ngang qua cửa nhà của các nước khác trong khu vực. Mà khi dư luận quốc tế đòi hỏi Bắc Kinh phải đưa ra bằng chứng về cái gọi là “chủ quyền lịch sử” đó thì chẳng bao giờ Bắc Kinh công khai đưa được ra những lý lẽ, xác đáng để thế giới có thể chấp nhận.
Và tình hình Biển Đông cứ theo cái trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc mà ngày càng mất ổn định, nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang luôn treo lơ lửng vì những cái đầu Trung Quốc mang nặng tư tưởng bành trướng, mang nặng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, ôm ấp mộng “giấc mơ Trung Hoa” chỉ muốn đè đầu cưỡi cổ thiên hạ.
Từ cái yêu sách “đường lưỡi bò” quái gở ấy, năm 2012, Bắc Kinh ngang nhiên lập ra cái gọi là “thành phố Tam Sa” cấp địa khu, với diện tích đất chỉ khoảng 1,5 km2, không có dân nhưng phạm vi quản hạt lại là hơn 2 triệu km2 vùng nước trong Biển Đông. Thật là một đơn vị hành chính có một không hai trong lịch sử phát triển của nhân loại! Mà thực chất đó là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc cướp mất vào các năm 1956 và 1974. Từ đó, Bắc Kinh đã cho tôn tạo, xây dựng, mở rộng trái phép gấp nhiều lần nhiều đảo, đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, phục vụ cho mục đích khống chế Biển Đông, bắt quốc tế phải thừa nhận đó là việc làm “vì hòa bình” cho khu vực.
Cũng vì cái trách nhiệm quốc tế mà Bắc Kinh gây ra cuộc khủng hoảng bãi cạn Scarborough với Philippines, thừa cơ giành lấy quyền kiểm soát tại khu vực này từ sau tháng 4/2012.
Rồi vụ Bắc Kinh mang giàn khoan HD 981 lớn nhất của mình, có giá hơn 1 tỷ đô la Mỹ vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam để thăm dò dầu khí trái phép, từ tháng 5 đến tháng 7/2014, gây chấn động dư luận, hủy hoại những giá trị quan hệ hữu nghị truyền thống hai nước Việt – Trung, trước đây được mô tả như “môi với răng”.
Rồi vụ xây đảo nhân tạo trên các bãi cạn, đá ngầm và rạn san hộ trong quần đảo Trường Sa, cũng chính là tại những điểm Trung Quốc đánh cướp của Việt Nam từ năm 1988. Chỉ lấy một ví dụ: Tờ tuần báo chuyên về quốc phòng IHS Jane’s Defence Weekly của Anh đưa ra hai bức ảnh để so sánh, trong đó bức ảnh chụp ngày 1/2/2014 cho thấy hình dáng của bãi đá Tư Nghĩa trước khi tiến hành lấn biển, khi đó xuất hiện một khối bê tông rộng 380 m2, và bức ảnh khác chụp vào ngày 24/1/2015 cho thấy tại chính địa điểm trên đã xuất hiện một hòn đảo nhân tạo với diện tích 75.000 m2, mở rộng gấp gần 200 lần so với ban đầu.
Một ngày trước bài phát biểu của Thôi Thiên Khải ở Mỹ, ngày 15/4, Đô đốc Sammuel Locklear, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, trong một cuộc điều trần tại Ủy ban Quân lực Hạ viện, đã cảnh báo về tốc độ Trung Quốc cải tạo các cấu trúc ở Biển Đông với mục đích “tăng cường ảnh hưởng tại khu vực có tranh chấp và điều động khí tài quân sự, thiết lập vùng nhận dạng phòng không”. Theo Đô đốc Sammuel Locklear, các đảo nhân tạo đang được ráo riết xây dựng tại Biển Đông sẽ cho phép Trung Quốc có thể thiết lập các căn cứ tiền đồn, cơ sở hậu cần cho các đội tàu hải giám quy mô lớn và đang phát triển của nước này. Đô đốc Locklear cảnh báo Bắc Kinh thậm chí có thể triển khai các hệ thống tên lửa và radar làm nền tảng cho việc thiết lập một ADIZ trên Biển Đông, giống như họ từng làm với vùng biển Hoa Đông có tranh chấp với Nhật Bản.
Kết thúc phần nói về tình hình Biển Đông, Thôi Thiên Khải cho rằng: “Một sự hiểu biết rõ ràng về bức tranh lớn sẽ dẫn đến sự hiểu biết đúng về cái mà Trung Quốc muốn và cái mà Trung Quốc đang làm trong khu vực. Bất kỳ ai hiểu về các cam kết của chúng tôi nhằm xây dựng cộng đồng trong khu vực sẽ không có gì phải lo cả”.
Có thể hiểu điều Khải nói “cái mà Trung Quốc muốn và cái mà Trung Quốc đang làm” là để Trung Quốc tự do áp đặt và hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” khống chế hoàn toàn Biển Đông; thành lập hợp thức hóa về hành chính “vùng lãnh thổ chủ quyền” (“thành phố Tam Sa”) của Trung Quốc; và việc điên cuồng, ồ ạt gấp rút xây dựng, mở rộng hàng trăm lần so với thực tế, các đảo nhân tạo trên Biển Đông… để thực hiện các âm mưu, toan tính gây áp lực buộc các nước nhỏ hơn, yếu hơn Trung Quốc phải từ bỏ chủ quyền chính đáng của mình đối với Biển Đông, buộc Mỹ và các nước khác phải tránh xa, chỉ để Trung Quốc thực hiện cam kết “xây dựng cộng đồng” ở khu vực này.
Những hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông chưa hề có tiền lệ, vô cùng nguy hiểm, ngang nhiên thách thức cộng đồng quốc tế, làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột nếu không được khống chế.
Đã quá đủ bằng chứng và lý do để hiểu những tuyên bố của Bắc Kinh là giả dối, đánh lừa dư luận, che đậy những âm mưu của chủ nghĩa bành trướng và chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Trung Quốc đang “trỗi dậy hòa bình” nhưng không tạo ra hòa bình mà là đang gây sự với toàn thế giới. Vì vậy, tất cả các nước, dù có hay chưa có lợi ích trực tiếp tại khu vực Biển Đông, dù đã bị hay chưa bị ảnh hưởng bởi mối đe dọa từ Trung Quốc, hãy vì nền hòa bình theo đúng nghĩa của nó, chung tay góp sức đưa ra tiếng nói và hành động chặn đứng sự hung hăng chưa có tiền lệ này của Bắc Kinh./.
BDN