Hơn 1 năm trước (6-5-2014), tờ Thời báo Hoàn cầu đăng bài “Trung Quốc nên có thái độ cứng rắn với Hà Nội”, cùng khẳng định Bắc Kinh sẽ không bao giờ ngừng đưa giàn khoan Hải dương 981 (HD-981) vào vùng biển Việt Nam.
Kỳ III: Ai đang dẫn dắt cuộc chơi?
Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, việc đưa HD-981 đến vị trí có tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc-111o12’06” kinh Đông, nằm gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, là nằm trong “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Đồng thời cho rằng, nếu ngừng việc đưa HD-981 vào vùng biển Việt Nam sẽ là một thất bại lớn đối với chiến lược Biển Đông của Trung Quốc. Ngoài ra, tờ Thời báo Hoàn cầu cũng cho rằng, Việt Nam “gây ồn ào” nhằm tăng thêm mặc cả để có cơ hội thắng thế trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông! Thậm chí, tờ Thời báo Hoàn cầu còn xuyên tạc, Việt Nam đã chọn thời điểm khi Trung Quốc đang có xung đột với Nhật Bản và Philippines, đồng thời Mỹ “xoay trục” sang châu Á, để gây hấn buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ… Trong khi đó mạng Quan sát (Trung Quốc) đưa tin, hiện cảnh sát biển Trung Quốc và Việt Nam đang đối đầu ở khu vực cách đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) 17 hải lý về phía Nam. Những tuyên bố ngang ngược, hung hăng của tờ Thời báo Hoàn cầu lập tức khiến dư luận trong và ngoài khu vực phản ứng. Nhiều chuyên gia coi đây là một cuộc xâm lấn không tiếng súng trên Biển Đông và Trung Quốc quyết thực hiện bằng mọi giá chiến lược độc bá Biển Đông.
Tàu Trung Quốc sử dụng pháo nước tấn công tàu Cảnh sát biển của Việt Nam
Theo hãng Reuters, ngày 5-5-2014, Cục Hải sự Trung Quốc đã quyết định mở rộng bán kính cấm tàu thuyền lai vãng xung quanh khu vực HD-981 đang khoan và tác nghiệp trái phép trên vùng biển Việt Nam lên 3 hải lý (4,8 km) so với 1 hải lý công bố hôm 3-5-2014. Ngay sau khi hãng Reuters đăng tải thông tin kể trên, hãng AP lập tức bình luận và coi đây là hành động mới nhất trong chuỗi hành động mang tính khiêu khích của Bắc Kinh trên Biển Đông, gây tình hình căng thẳng với các nước ASEAN và lôi kéo sự chú ý của Mỹ tới khu vực này. Cũng trong ngày 5-5-2014, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh (Oánh) cho rằng, giàn khoan HD-981 đang hoạt động trong vùng biển của Trung Quốc! Giới phân tích coi đây là động thái mới nhằm tiến thêm một bước để thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông, nếu như các nước hữu quan không có hành động ngăn chặn. Điều đáng nói là động thái kể trên của Trung Quốc diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc dự kiến diễn ra trong 2 ngày (10 và 11-5-2014) tại Myanmar để thương đàm về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Do đó, dư luận chung cho rằng, Bắc Kinh muốn kéo dài thời gian thương đàm về COC và chỉ ký Bộ Quy tắc này khi nào có lợi nhất cho họ.
Gần 3 năm trước (11-6-2012), tờ Thời báo Hoàn cầu từng đăng bài xã luận với tiêu đề “Cứng rắn với Trung Quốc không mang lại lợi ích gì cho Việt Nam”. Khi đó, bài xã luận này đã vu cáo “Việt Nam đe dọa và dọa dẫm Trung Quốc”, thậm chí còn suy luận rằng, sự phản ứng chính đáng của Việt Nam dường như do áp lực nội bộ, cổ vũ tinh thần trong nước, tăng cường sự chú ý của cộng đồng quốc tế… Tờ Thời báo Hoàn cầu khi đó đăng bài viết xuyên tạc nhằm bóp méo sự thật về Việt Nam khi Tập đoàn Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo mời thầu thăm dò, khai thác 9 lô dầu khí nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Tại thời điểm CNOOC đưa ra thông báo mời thầu kể trên, tờ Nhân dân nhật báo, cùng tờ Thời báo Hoàn cầu và một số tờ báo khác của Trung Quốc đã cố tình đưa tin sai sự thật rằng: có hãng dầu khí nước ngoài quan tâm tới 9 lô ở ngoài khơi sát bờ biển Việt Nam. Điều đáng nói là tờ Nhân dân nhật báo số ra ngày 28-6-2012 đã tìm cách “đánh lận trắng đen” khi dẫn lời tờ Philippines Daily Enquirer ngày 24-6-2012 để chứng minh cho hành động xuyên tạc của mình. Một số tờ báo Trung Quốc khi đó còn vu cáo Việt Nam “âm mưu giành những gì không phải của mình” khi Luật Biển Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; thậm chí còn cho đăng những bài báo nói rằng “Việt Nam làm trái Thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao 2 nước, UNCLOS, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002” và “làm phức tạp tình hình Biển Đông”… Nhiều học giả nước ngoài từng nói: Trung Quốc muốn sử dụng CNOOC để độc bá Biển Đông. Những chuyên gia này cũng đặt câu hỏi, tại sao Trung Quốc và các nước ven Biển Đông đều lần lượt thông qua các luật về biển, nhưng khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam ngày 21-6-2012 thì Bắc Kinh lại “nhảy dựng lên”.