Saturday, December 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTại sao học giả Trung Quốc phản đối Bắc Kinh? (Kỳ III)

Tại sao học giả Trung Quốc phản đối Bắc Kinh? (Kỳ III)

Ngoài học giả Lý Lệnh Hoa, nhiều chuyên gia, học giả khác cũng cho rằng, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) trái phép trong vùng biển Việt Nam là dấu hiệu cho thấy căng thẳng đang leo thang tại Biển Đông; đồng thời chỉ trích “đường lưỡi bò”.

Từng là biên tập viên tại Ban biên tập đối ngoại của Tân Hoa xã (từ 1989) nên đánh giá của ông Chu Phương được dư luận và giới chuyên môn quan tâm khi cho rằng, Trung Quốc cần môi trường hòa bình để phát triển, chứ không phải là chiến tranh. Ông Chu Phương còn phản đối chính sách sử dụng vũ lực ở Biển Đông cũng như việc ngang ngược thiết lập phi pháp cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Tại hội thảo “Tranh chấp Biển Đông, chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế” do Viện nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc và báo điện tử Sina.com tổ chức hôm 14-6-2013, nhiều học giả Trung Quốc đã mạnh dạn bác bỏ những luận điểm sai trái của Bắc Kinh khi đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” trên Biển Đông và chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng luật pháp quốc tế và UNCLOS. Giáo sư Triết học Hà Quang Hộ, Đại học Nhân dân Trung Quốc, Giáo sư Thường Hội Bằng, Học viện Quan hệ quốc tế Bắc Kinh, Giáo sư Trương Kỳ Phàm, Học viện Pháp luật, Đại học Bắc Kinh, Giáo sư Tống Yến Huy và Giáo sư Du Khoan Tứ của Đài Loan đều cho rằng, “đường lưỡi bò” có vấn đề – được tuỳ tiện vạch ra, chẳng có điểm xác định bằng kinh, vĩ độ chuẩn xác, điều này gây lo ngại cho các nước hữu quan và nếu không giữ được tỉnh táo, khinh suất sử dụng vũ lực, sẽ không có lợi cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. Những học giả và nhà khoa học kể trên khẳng định, mọi người phải dựa vào nhau để tồn tại trong thế giới hiện nay và phải có thái độ thượng tôn pháp luật.

Đường lưỡi bò do Trung Quốc vẽ ra

Ngày 20-7-2013, trong bài viết đăng trên tờ báo mạng Phượng Hoàng (Hongkong, Trung Quốc), học giả Tiết Lý Thái, nhà bình luận nổi tiếng của trang báo mạng Phượng Hoàng cho rằng, thời gian qua tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam có dấu hiệu ngày càng căng thẳng và việc Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo mời thầu quốc tế hồi hạ tuần tháng 6-2012 đã khiến tình hình càng thêm phức tạp. Ông Tiết Lý Thái cho rằng, nếu Trung Quốc giải thích và muốn cộng đồng quốc tế công nhận “đường lưỡi bò” là đường biên giới quốc gia thì khó khăn sẽ không hề nhỏ. Thứ nhất, Chính phủ Trung Hoa dân quốc mới đầu chỉ vẽ ra 11 đoạn trên bản đồ, nhưng không tiến hành phân định biên giới trên biển với các nước láng giềng xung quanh và chưa từng có động thái để nhận được sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Thứ hai, cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa nói rõ, “đường lưỡi bò” là đường biên giới quốc gia đứt khúc hay là đường giới tuyến trên biển truyền thống. Đến một định nghĩa cũng không có, hơn nữa cũng chưa ghi rõ kinh độ, vĩ độ trên vị trí địa lý, mà đơn thuần chỉ là vẽ ra các đường đứt đoạn trên bản đồ của mình. Thứ ba, nếu Bắc Kinh nhấn mạnh đường 11 đoạn mà Chính phủ Trung Hoa dân quốc đưa ra ban đầu là đường biên giới quốc gia thì tại sao sau khi nước CHND Trung Hoa được thành lập (1-10-1949), Bắc Kinh lại tự xóa đi 2 đoạn trên bản đồ trong khu vực vịnh Bắc Bộ, phải chăng Trung Quốc coi việc sửa đường biên giới quốc gia giống như một trò đùa? Thứ tư, nếu Bắc Kinh khẳng định “đường lưỡi bò” là đường biên giới quốc gia thì tại sao trong những lần phản đối ngoại giao lại không hề nêu vấn đề “Việt Nam đã chiếm hữu 30 hòn đảo lớn nhỏ một cách liên tục kể từ khi nước này thống nhất đất nước năm 1975?”. Đây quả là điều không bình thường…
Cách đây hơn 3 năm (cuối tháng 3-2012), ông Ngô Kiến Dân, nhà ngoại giao kỳ cựu của Trung Quốc, từng là người phiên dịch tiếng Pháp cho Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai, từng là Giám đốc Học viện Ngoại giao, Viện sĩ Viện Khoa học châu Âu, Viện sĩ Viện Khoa học Âu-Á, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thượng Hải đã có bài trả lời phỏng vấn với tờ Nam Phương Nhật báo với tiêu đề “Ngô Kiến Dân: Giải quyết vấn đề Nam Hải (Biển Đông) không thể dựa vào vũ lực, càng đánh tình thế càng loạn”, trong đó thắng thắn nêu quan điểm của mình về tranh chấp Biển Đông. Theo đó, chủ nghĩa dân tộc cực đoan là không thể được và vũ lực không giải quyết được tranh chấp ở Biển Đông. Mặc dù từng bị các phần tử quá khích chửi rủa là “Hán gian”, là “tay sai nước ngoài”, nhưng ông Ngô Kiến Dân không hề nao núng khi cho rằng, đánh nhau không thể giải quyết được vấn đề bởi Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc rằng, đã qua cái thời dùng chiến tranh làm thủ đoạn cuối cùng để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Tiếp đến là phải làm rõ lợi ích của Trung Quốc, của khu vực, của thế giới là gì và phát triển hoà bình và hợp tác là lợi ích lớn nhất. Trước đó (tháng 6-2011), ông Ngô Kiến Dân có bài viết “Tranh chấp Nam Hải (Biển Đông), Trung Quốc kiềm chế là tự tin”, chủ trương phản đối quan điểm sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp với các nước ở Biển Đông.
Cách đây gần 5 năm (tháng 12-2010), trong bài viết “Chiến lược tấn công mới ở Biển Đông: bỏ đường chín đoạn, xúc tiến khối cộng đồng chung” trên blog.sina.com.cn, công dân Trung Quốc Hoàng Quang Nhuệ cho rằng, nếu một người Trung Quốc vẫn còn xa lạ đối với cái tên “đường lưỡi bò” thì đừng nên xa lạ với tấm bản đồ này nữa, bởi đây chính là cách Trung Quốc thể hiện cụ thể chủ quyền cố hữu không thể tranh cãi về các đảo ở Biển Đông mà Bắc Kinh đã kiên trì tuyên truyền từ xưa đến nay. Song, chính phủ lại bưng nguồn gốc của “đường lưỡi bò” và đến nay không phải người Trung Quốc nào cũng biết được nguồn gốc thật của nó. Thực tế cho thấy, “đường lưỡi bò” không có chứng cứ chắc chắn cả về luật pháp lẫn lịch sử, nó cũng chưa bao giờ xuất hiện với tư cách là đường biên giới của Trung Quốc từ xưa đến nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới