Nhật Bản vừa mạnh mẽ lên án việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông. Các chuyên gia cho rằng cộng đồng quốc tế cần phải cùng nhau lên tiếng thì mới mong Trung Quốc ngưng những hành động bất chấp luật pháp quốc tế khi tiến hành cải tạo ồ ạt trên vùng biển tranh chấp thuộc Biển Đông.
Sau khi Bắc Kinh thông báo sắp chấm dứt các dự án bồi đắp đảo tại Trường Sa của Việt Nam, hôm 17/6, cùng với những phản ứng gay gắt của Mỹ, chính quyền Tokyo đã lên tiếng đả kích mạnh mẽ. Phát ngôn viên chính phủ Nhật, Yoshihide Suga nói với báo chí rằng Tokyo không công nhận cái mà Trung quốc đang làm với ý định hoàn tất một việc đã rồi trước mắt cộng đồng quốc tế. Ông nói thêm là Nhật bản rất quan ngại đến những hành động đơn phương của Trung Quốc làm leo thang căng thẳng trong khu vực biển Đông. Nhật cho rằng việc xây cất các hòn đảo đó không có nghĩa là Trung quốc được công nhận chủ quyền của mình ở đó.
Thực tế, thời gian gần đây nhiều nước đã lên án hành động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc nhằm nghiễm nhiên khẳng định chủ quyền ở những khu vực có tranh chấp tại Biền Đông và “quân sự hóa” các vị trí đảo họ chiếm giữ.
Mỹ tố cáo, trong 18 tháng qua, Trung Quốc đã mở rộng thêm các đảo họ chiếm đóng 800 hécta. Trong khi đó theo Manila, Bắc Kinh đã hoàn thành 75% công trình xây dựng một đường băng dài 3 km trên một hòn đảo đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines. Công trình này có thể được sử dụng làm căn cứ tiếp liệu cho hải quân và không quân Trung Quốc.
Philippines khẳng định, bằng việc bồi đắp xây đảo nhân tạo, Bắc Kinh đang xây dựng các “căn cứ quân sự”. Những cơ sở như vậy có thể gây cản trở lưu thông hàng hải cũng như hàng không trong vùng Biển Đông, nơi có tuyến đường hàng hải huyết mạch của thương mại thế giới.
Trước đó, 7 cường quốc công nghiệp thế giới vừa mạnh mẽ phản đối Trung Quốc cải tạo ở Biển Đông nhân hội nghị thượng đỉnh của nhóm này tại Đức hồi đầu tháng 6. Như vậy là ngày càng có nhiều nước và tổ chức quốc tế không đồng tình với những hành động coi thường luật pháp quốc tế của chính quyền Bắc Kinh tại vùng biển đang tranh chấp.
Trong tuyên bố chung của Thượng đỉnh các nước G7 (gồm Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý), lãnh đạo các nền kinh tế phát triển nhất thế giới đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ hoạt động cải tạo ồ ạt trên vùng biển tranh chấp thuộc Biển Đông nhằm thay đổi hiện trạng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đi lại tự do trên biển. Các nhà lãnh đạo nhất trí rằng, Trung Quốc phải làm rõ những tuyên bố chủ quyền của họ dựa trên luật pháp quốc tế, chứ không phải bằng việc đe dọa hay sử dụng vũ lực và ép buộc.
Phát biểu tại hội nghị G7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng, những hoạt động cải tạo của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Thủ tướng Abe nói rằng, các lãnh đạo G7 “không được để yên cho những hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng như vậy”.
Ngoài việc tận dụng các diễn đàn quốc tế để cảnh báo tình trạng Trung Quốc muốn phá vỡ hiện trạng trên các vùng biển khu vực, Nhật còn tăng cường hợp tác với các nước để duy trì hòa bình và ổn định. Đây cũng là cách mà cả các chuyên gia lẫn giới quân sự đều cho rằng là cách khả thi nhất để ngăn chặn những hành động phi pháp của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp hiện nay.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Hải quân Mỹ, Dennis Blair nhận định phương án tối ưu để ứng phó với việc Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán ở Biển Đông, trong đó có hành vi xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn, là thông qua ngoại giao đa phương thay vì leo thang quân sự. Phát biểu bên lề một hội nghị năng lượng ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm 30/5, vị Đô đốc đã nghỉ hưu của Mỹ khuyến nghị: “Các nước ở Biển Đông và các quốc gia khác có lợi ích ở khu vực này cần tập hợp nhau lại trên nền tảng đa phương và đoàn kết đối phó với Trung Quốc”.
Theo ông Blair, việc các bên liên quan ngồi lại và xác định luật chơi – bao gồm phân định quyền sở hữu các khu vực lãnh thổ – là phương án tối ưu để giải quyết vấn đề. Ông nhấn mạnh: “Sở dĩ Trung Quốc thành công trong các hoạt động của họ là vì họ xử lý từng tranh chấp với các nước khác ở Biển Đông trên cơ sở song phương”. Do đó, vị cựu quan chức Mỹ cho rằng các bên cần mời Trung Quốc tham gia các hình thức tiếp cận đa phương, và trong trường hợp Bắc Kinh từ chối thì vẫn nên xúc tiến đàm phán.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc, cũng cho rằng để chặn đứng các bước tiến của Trung Quốc ở Biển Đông, không chỉ Mỹ mà cả các cường quốc khác tiếp giáp với Biển Đông cần vào cuộc. Một vấn đề đang được thảo luận là vì Mỹ không phải là một bên đã ký kết vào Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển cho nên một số thách thức đối với các tuyên bố chủ quyền bành trướng của Trung Quốc tại các vùng có tranh chấp ở Biển Đông có thể được thực hiện bởi các nước như Úc chẳng hạn, quốc gia đã ký Công ước này.
Ngoài ra, theo ông Thayer, phải có những hành động thách thức Trung Quốc. Thứ nhất là về vấn đề từ ngữ, nhiều người mô tả các hoạt động Trung Quốc là cải tạo đất, bị kẹt chỗ đó. Không phải vậy, những gì đang diễn ra là Bắc Kinh đang lấy đất cát từ dưới đáy biển lên, không phải là từ các vùng đất nổi mà từ các vùng đất chìm dưới mặt biển mà theo luật gọi là bãi nổi khi thủy triều xuống. Do vậy, bất kể những gì Trung Quốc xây dựng trên đó cho dù là đảo nhân tạo đi nữa, theo luật quốc tế, họ cũng không đủ tư cách pháp lý đối với một vùng phòng không mà chỉ đủ tư cách pháp lý với vùng an toàn riêng của họ mà thôi. Mà Trung Quốc thì đang tìm cách nhận chủ quyền vượt hơn những thứ đó nữa.
Kế hoạch về các cuộc tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải do Mỹ nêu lên gần đây, dù chưa thông báo, là một cách để thách thức Trung Quốc bằng việc cho tàu bè qua lại các vùng biển để khẳng định quyền tự do hàng hải và thực hiện các chuyến bay ngang qua vùng biển mà Trung Quốc không có căn cứ pháp lý nhận đó là không phận quân sự của mình. Trung Quốc hành xử vô trách nhiệm và vô luật lệ. Cho nên, một trong những cách phản ứng là phải đương đầu với họ bằng các thách thức, cho tàu bè qua lại đó và tìm cách chấm dứt các cuộc tuần tra của họ. Tương tự như đối với vùng nhận dạng phòng không-ADIZ của Trung Quốc ở Đông Bắc Á, phải điều máy bay B52 bay ngang qua đó để chứng minh cho Trung Quốc thấy rằng họ không thể thực thi vùng ADIZ ở Biển Đông.
Theo PetroTimes