Nhiều nhà kinh tế cho rằng, việc trở thành nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới (sau Mỹ) và vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang khiến Bắc Kinh phải đa dạng hóa các nguồn cung và châu Phi là một trọng điểm khi cung cấp tới 1/3 lượng dầu Trung Quốc tiêu thụ.
Kỳ IV: Cuộc thập tự chinh tại châu Phi
Với 1 tỷ dân, châu Phi là thị trường rộng lớn, mới mẻ để Trung Quốc chuyên hướng xuất khẩu bởi chục năm qua, hàng hóa Trung Quốc như đồ điện tử, linh kiện thay thế, hàng tiêu dùng, đồ may mặc… với nhiều ưu điểm như rẻ và mẫu mã đẹp, đa dạng đã tràn ngập thị trường châu Phi.
Dư luận trong và ngoài khu vực từng quan tâm tới chuyến công du 4 nước châu Phi (Ethiopia, Nigeria, Angola và Kenya, từ 4 đến 11-5-2014) của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Bởi đây là chuyến thăm châu Phi đầu tiên của ông Lý Khắc Cường kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Trung Quốc. Trước đó có người cho rằng, mục đích chuyến thăm châu Phi của ông Tập Cận Bình (từ 24-3-2013) là nhằm giảm nhẹ ý nghĩ cho rằng, Bắc Kinh chỉ tới lục địa đen để khai thác tài nguyên. Tính đến nay đã có hơn 2.500 công ty Trung Quốc đang hoạt động ở châu Phi, tạo hơn 100.000 việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, những tranh chấp phát sinh trong những dự án đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi đã khiến mối quan hệ 2 bên đang bị tổn thương.
Theo thống kê, riêng năm 2013, thương mại giữa Trung Quốc với châu Phi đạt 210 tỷ USD, tăng 2.000 lần so với năm 1960 và Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của lục địa đen trong 5 năm qua. Được biết, đã có hơn 1 triệu người Trung Quốc tới châu Phi so với vài nghìn người trước đó 10 năm, trong đó khoảng 30%-40% ở Nam Phi. Từ năm 2009, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi và đến năm 2012, kim ngạch thương mại 2 bên đạt 198,4 tỷ USD. Với 1 tỷ dân, châu Phi là thị trường rộng lớn, mới mẻ để Trung Quốc chuyên hướng xuất khẩu bởi chục năm qua, hàng hóa Trung Quốc như đồ điện tử, linh kiện thay thế, hàng tiêu dùng, đồ may mặc… với nhiều ưu điểm như rẻ và mẫu mã đẹp, đa dạng đã tràn ngập thị trường lục địa đen.
Để gây ảnh hưởng ở châu Phi, Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt biện pháp có tính hệ thống, bài bản, toàn diện và bền vững với tầm nhìn xa như công bố chính sách châu Phi (2006), ban hành “9 nguyên tắc khuyến khích và tiêu chuẩn hóa các đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài”… Việc phát triển cơ sở hạ tầng (đường sá, cảng biển,…) vừa cải thiện đời sống người dân châu Phi, vừa hỗ trợ việc vận chuyển tài nguyên về Trung Quốc thuận lợi. Cuối năm 2012, tờ nhật báo tiếng Anh của Trung Quốc China Daily đã mở thêm ấn bản châu Phi. Đầu năm 2012, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) mở trụ sở ở Kenya và phát sóng chương trình CCTV châu Phi. Tân Hoa xã đã hợp tác với hãng điện thoại di động để cung cấp dịch vụ tin tức trên điện thoại di động. Theo thống kê, từ năm 2000, Trung Quốc đã chi 74 tỉ USD để xây dựng các dự án hợp tác và viện trợ ở 50 trên tổng số 54 quốc gia châu Phi.
Giới bình luận cho rằng, không phải bây giờ Trung Quốc mới quan tâm tới châu Phi và Bắc Kinh không dừng lại ở việc “đặt cửa” tại khu vực này, mà vươn tới cả Mỹ Latinh. Ngày 27-4-2014, Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn The Economist (Anh) cho biết, Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất đồng lớn nhất ở Peru sau khi Tập đoàn MMG Limited của họ tiếp quản dự án Las Bambas với giá 6 tỷ USD từ hãng Glencore Xstrata của Thụy Sĩ. Las Bambas là dự án thứ hai do Tập đoàn Minmetals của Trung Quốc đang triển khai ở Peru, là một trong những dự án khai thác và sản xuất đồng lớn nhất thế giới, với sản lượng khoảng 315.000 tấn/năm. Và khi dự án Las Bambas đi vào hoạt động hết công suất, các công ty Trung Quốc sẽ sản xuất hơn 600.000 tấn đồng/năm, đưa Peru trở thành nước sản xuất đồng lớn thứ 2 thế giới sau Chile. Theo giới truyền thông, việc Tập đoàn Glencore Xstrata bán lại dự án mỏ đồng Las Bambas cho Trung Quốc với giá trị ít nhất 5,85 tỷ USD khiến dư luận và giới chuyên môn quan tâm. Bởi đây là thương vụ sáp nhập khai thác mỏ lớn nhất của Trung Quốc do MMG đứng đầu và sở hữu 62,5% cổ phần.
Năm 2000, lần đầu tiên thương mại song phương vượt mức 10 tỷ USD. Một thập kỷ sau (2011), con số này tăng vọt lên mức 166 tỷ USD và Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Giới truyền thông cho biết, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư và thương mại với các nước đang phát triển, trong đó ưu tiên châu Phi và Mỹ Latinh. Và các nền kinh tế Mỹ Latinh hiện tiếp nhận 13% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc (khoảng 31 tỷ USD) nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu thô để Trung Quốc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như tạo ảnh hưởng địa – chính trị lớn hơn so với Mỹ. Trung Quốc đang qua mặt Liên minh châu Âu (EU) để trở thành nơi nhập khẩu lớn thứ hai từ Mỹ Latinh.
Giới truyền thông cho rằng, việc đưa công nhân sang châu Phi làm việc phần nào giúp Trung Quốc giảm nhẹ tình trạng thất nghiệp trong nước, tăng thêm nguồn thu cho quốc gia. Bên cạnh đó, việc giao hảo với châu Phi không những giúp Trung Quốc cô lập Đài Loan về mặt ngoại giao và thực hành chính sách “một nước Trung Hoa”, mà còn tạo cơ hội lớn để quảng bá ngôn ngữ và văn hóa đến châu lục lớn thứ 2 thế giới về diện tích. Ngoài ra, Trung Quốc còn là nhà xuất khẩu vũ khí lớn (vượt Anh để đứng thứ 5 thế giới) cho nhiều nước châu Phi vì giá rẻ.
Giám đốc ngân hàng trung ương Nigeria Lamido Sanusi từng cảnh báo, người dân châu Phi nên tỉnh giấc mộng Trung Quốc khi có bài viết trên tạp chí Financial Times. Bởi theo Giám đốc Lamido Sanusi, Trung Quốc lấy đi hàng hóa thiết yếu của chúng ta, bán cho chúng ta hàng hóa hoàn thiện và đây là đặc điểm của chủ nghĩa thực dân. Châu Phi đang đối mặt với một dạng chủ nghĩa đế quốc mới. Tổng thống Botswana cũng kêu gọi giảm ký hợp đồng mới với Trung Quốc vì chất lượng công trình không đảm bảo và tiến độ trì trệ.