Monday, November 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTrung Quốc đang “chiếm sân sau” của Mỹ (Kì I)

Trung Quốc đang “chiếm sân sau” của Mỹ (Kì I)

Chuyến công du 8 ngày (từ 18-5) tới Brazil, Peru, Chile và Colombia của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường được dư luận coi là hành động tiếp theo trong chiến lược “chiếm sân sau” của Mỹ mà Bắc Kinh đang tiến hành.

 

Kỳ I: Bài học của Venezuela

Sau khi xác định “xoay trục” sang Nam Mỹ và khu vực Mỹ Latinh nhằm đáp lại chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Mỹ, Trung Quốc đã muốn áp dụng chiến lược “tấn công quyến rũ” để tăng cường hợp tác, từ đó gia tăng ảnh hưởng, rồi “chiếm sân sau” của Mỹ. Giới chuyên gia dự đoán, Bắc Kinh sẽ thay thế Liên minh châu Âu (EU) để trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ Latinh vào năm tới. Trước chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình từng tuyên bố (tháng 1-2015), các công ty Trung Quốc đặt mục tiêu đầu tư 250 tỷ USD vào Mỹ Latinh trong 10 năm tới với các lĩnh vực như dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản, chế biến thực phẩm, sản xuất nông nghiệp, và đặc biệt là xây dựng hạ tầng.
Ngày 16-6, Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) cho biết, Trung Quốc sẽ cung cấp một khoản tín dụng trị giá 5 tỷ USD cho nước này để triển khai các dự án thăm dò và khai thác dầu khí trong những tháng tới. Vì đang lâm vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản trầm trọng do giá dầu mỏ suy giảm, nên gói tín dụng này sẽ giúp Venezuela không phải vay nợ trên thị trường quốc tế. Trước đó (5-1), Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã tới Bắc Kinh để tìm sự hỗ trợ tài chính cho Caracas khi nước này đang gặp khó khăn do giá dầu giảm. Đang gặp khó khăn, Venezuela được Trung Quốc tài trợ 5 tỷ USD, nhưng Caracas hiện phụ thuộc quá nhiều vào các khoản vay của Bắc Kinh.
Trước đó (tháng 4-2015), Trung Quốc cũng tài trợ cho Venezuela 5 tỷ USD (theo hình thức rót vào các dự án Bắc Kinh đang tài trợ cho Caracas). Theo thống kê của tổ chức Đối thoại liên Mỹ, trong tổng số gần 97 tỷ USD tín dụng Bắc Kinh cấp cho khu vực Mỹ Latinh trong giai đoạn 2005-2014, thì có tới 47,9 tỷ USD dành cho Caracas. Còn theo thống kê của Đại học Boston, từ 2005 đến 2014, Trung Quốc đã cho khu vực Mỹ Latinh vay trên 119 tỷ USD và Venezuela là quốc gia nhận nhiều nhất (56,3 tỷ USD).
Và vàng đen là lĩnh vực Trung Quốc quan tâm nhất tại quốc gia có trữ lượng dầu vào hàng lớn nhất thế giới. Gần 2 năm trước (22-9-2013), Venezuela và Trung Quốc đã ký 24 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực nhà ở, công nghệ, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, khai mỏ, dầu khí và viễn thông… Theo đó, Trung Quốc sẽ đầu tư 14 tỷ USD để khai thác 200.000 thùng/ngày tại vành đai dầu khí Orinoco. Ngoài ra, Trung Quốc còn cho Venezuela vay 5 tỷ USD để phát triển nhà ở, cơ sở hạ tầng và các chủ thể công nghiệp khác. Trước đó (19-9-2013), Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã hợp tác với Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) trong dự án phát triển lô Junin 10 ở vành đai dầu nặng Orinoco của quốc gia Nam Mỹ này.

Một dự án khai thác dầu mỏ liên doanh giữa Trung Quốc và Venezuela tại vành đai Orinoco

Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Rafael Ramirez cho biết, đã thỏa thuận với CNPC về việc phát triển một dự án mới ở lô Junin 10, nhằm khai thác 220.000 thùng dầu/ngày với số vốn đầu tư 14 tỷ USD. Ông Rafael Ramirez từng thông báo, Venezuela đang tìm cách tăng lượng dầu xuất tới Trung Quốc từ 500.000 thùng/ngày lên 1 triệu thùng/ngày vào năm 2015 và hy vọng trở thành một trong những nhà cung cấp dầu chính cho Trung Quốc. Đây cũng là một phần trong kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng từ 3 triệu thùng/ngày hiện nay lên 6 triệu thùng/ngày vào năm 2019 của Venezuela. Gần 6 năm trước (17-9-2009), Venezuela từng công bố bản hợp đồng đầu tư trị giá 16 tỷ USD của Trung Quốc để triển khai dự án khai thác dầu tại vành đai dầu khí Orinoco. Trong khoảng 10 năm (2001-2011), Trung Quốc đã chi 350 triệu USD xây dựng cơ sở hạ tầng của 15 giếng dầu và hơn 60 triệu USD trong các dự án nâng cấp nhà máy lọc dầu và sản xuất gas tại Venezuela.
Theo giới kinh tế, cơn khát tài nguyên thiên nhiên của Bắc Kinh đã khiến các công ty dầu lửa Trung Quốc đưa ra cam kết cho vay ít nhất 100 tỷ USD trong các khoản vay liên quan tới vàng đen. Các công ty dầu lửa của Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát khối lượng dầu ngày càng lớn từ Venezuela, nơi Trung Quốc đã đàm phán cho vay ít nhất 43 tỷ USD. Các công ty dầu lửa của Trung Quốc từ lâu đã cạnh tranh với những tập đoàn dầu lửa đa quốc gia khổng lồ như Exxon. Những dòng dầu mới cho phép Trung Quốc tự vệ trước sự biến động giá dầu hay gián đoạn nguồn cung từ những nhà cung cấp lớn như Arab Saudi, Iran và Iraq.
Ông Riordan Roett, giáo sư thuộc trường nghiên cứu cao cấp các vấn đề quốc tế John Hopkins ở Washington cho rằng, nếu sự kiểm soát của Trung Quốc đối với ngành dầu lửa Nam Mỹ ngày càng lớn, sẽ trở thành mối lo đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Bộ Dầu mỏ và khai khoáng Venezuela vừa tuyên bố trữ lượng dầu thô đã được kiểm chứng của nước này tương đương 298,35 tỷ thùng, điều này đồng nghĩa với việc quốc gia Nam Mỹ này có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Theo tờ Gazette, Bộ Dầu mỏ và khai khoáng đang bổ sung thêm 1,673 tỷ thùng tại vành đai Orinoco và các khu vực khác vào tổng trữ lượng dầu của  Venezuela. Trong khi giới kinh tế lo lắng: làm sao Venezuela khai thác được nguồn dầu với kinh phí lớn trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, thì giới phân tích lại không nghĩ như vậy.

*** Tính đến tháng 4-2012, Venezuela là nước cung cấp dầu lớn thứ 4 cho Trung Quốc, sau Arab Saudi, Angola và Nga. Quan hệ Venezuela-Trung Quốc được đẩy mạnh kể từ khi cố Tổng thống Hugo Chavez lên cầm quyền năm 1999. Cho đến nay song phương đã ký khoảng 400 văn kiện hợp tác, trong đó có hợp đồng trị giá hàng tỷ USD đầu tư vào dầu mỏ, năng lượng, xây dựng và các ngành công nghiệp công nghệ cao. Venezuela là nước nhận được đầu tư lớn nhất của Trung Quốc tại Mỹ Latinh và Caribe. Còn Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Venezuela (nhập hơn 620.000 thùng dầu thô/ngày). Từ năm 2008, Venezuela đã nhận khoản vay hơn 40 tỷ USD từ Trung Quốc, đổi lại, quốc gia Nam Mỹ này hoàn trả bằng dầu khí. Nhiều người nói rằng, Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất của Venezuela.

(Còn tiếp)

Tính đến tháng 4-2012, Venezuela là nước cung cấp dầu lớn thứ 4 cho Trung Quốc, sau Arab Saudi, Angola và Nga. Quan hệ Venezuela-Trung Quốc được đẩy mạnh kể từ khi cố Tổng thống Hugo Chavez lên cầm quyền năm 1999. Cho đến nay song phương đã ký khoảng 400 văn kiện hợp tác, trong đó có hợp đồng trị giá hàng tỷ USD đầu tư vào dầu mỏ, năng lượng, xây dựng và các ngành công nghiệp công nghệ cao. Venezuela là nước nhận được đầu tư lớn nhất của Trung Quốc tại Mỹ Latinh và Caribe. Còn Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Venezuela (nhập hơn 620.000 thùng dầu thô/ngày). Từ năm 2008, Venezuela đã nhận khoản vay hơn 40 tỷ USD từ Trung Quốc, đổi lại, quốc gia Nam Mỹ này hoàn trả bằng dầu khí. Nhiều người nói rằng, Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất của Venezuela.

RELATED ARTICLES

Tin mới