Saturday, April 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiASEAN cần đoàn kết để mạnh mẽ hơn về vấn đề Biển...

ASEAN cần đoàn kết để mạnh mẽ hơn về vấn đề Biển Đông

Năm 1967, trong bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh vẫn đang diễn ra gay gắt, ASEAN được thành lập với mục đích chính là tạo lập một sân chơi của các nước nhỏ trong khu vực Đông Nam Á, tránh bị lệ thuộc vào cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Sau gần nửa thế kỷ hình thành và phát triển, ASEAN giờ đây đã bao gồm 10 quốc gia Đông Nam Á, được xem là một trong những tổ chức khu vực thành công trên thế giới, đang hướng tới việc hoàn thành xây dựng cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột là chính trị – an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội vào cuối năm nay.

Động lực chính dẫn đến sự hình thành, phát triển và thành công của ASEAN như ngày hôm nay chính là sự cố kết trong khối của các nước thành viên. Các nước nhỏ trong khối đều muốn dựa vào ASEAN, một tổ chức của chính các nước trong khu vực để củng cố nền độc lập, giúp nhau phát triển kinh tế, thoát dần sức ép từ các nước lớn ngoài khu vực, làm chủ vận mệnh của mình.

Tuy nhiên, với vị trí địa chính trị quan trọng, cùng với sự thay đổi của cục diện tình hình thế giới, khu vực Đông Nam Á luôn là đối tượng tranh chấp, tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn trong và ngoài khu vực như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… Sự can thiệp của các nước ngoài khu vực một mặt cho ASEAN thấy tầm quan trọng của khối ngày càng gia tăng, mặt khác cũng đặt ASEAN trước những lựa chọn khó khăn, nhất là trong các vấn đề an ninh của khu vực.

Những năm gần đây, tranh chấp trên Biển Đông diễn biến phức tạp, bắt nguồn từ những hoạt động khẳng định chủ quyền phi lý một cách ngang ngược của Trung Quốc như: chính thức phổ biến “đường lưỡi bò” khẳng định chủ quyền không có cơ sở pháp lý kèm theo công hàm lên Liên hợp quốc năm 2009; cắt cáp các tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2011; tranh chấp với Philippines ở bãi cạn Scarborough năm 2012; đưa giàn khoan 981 và các tàu hộ tống vào hoạt động trái phép trong vùng biển nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; đặc biệt là hoạt động tôn tạo, bồi lấp các đảo, bãi, đá mà Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông đang diễn ra gần đây. Các hoạt động của Trung Quốc đã gây quan ngại đối với tình hình khu vực, đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ, làm tổn hại tới chính hình ảnh “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc.

Rõ ràng, các hoạt động trên của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, vi phạm DOC mà Trung Quốc ký kết với ASEAN năm 2002, làm tổn hại, đe dọa môi trường hòa bình, an ninh khu vực. Mặc dù tranh chấp trên Biển Đông chỉ liên quan trực tiếp đến 5 nước 6 bên nhưng vấn đề này lại liên quan mật thiết đến hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển của cả khu vực, liên quan lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực.

Nhiều năm qua, ASEAN cũng đã tích cực, chủ động trong việc đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định của khu vực nói chung. Tuy nhiên, trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, vì nhiều lý do khác nhau, ASEAN đã chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nước thành viên liên quan. Năm 2012, ASEAN đã không ra được Tuyên bố chung của các Ngoại trưởng do không thể nhất trí việc đưa vấn đề Biển Đông vào trong văn kiện; tại một số hội nghị của ASEAN, vấn đề Biển Đông thậm chí bị lảng tránh, không được đưa vào chương trình nghị sự. Có nước thành viên của ASEAN thậm chí còn công khai cho rằng tranh chấp Biển Đông không liên quan đến ASEAN.

Rõ ràng, như trên đã nói, vấn đề tranh chấp Biển Đông liên quan mật thiết đến hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển của cả khu vực chứ không loại trừ một nước nào. Với tư cách là một tổ chức khu vực, hướng tới một cộng đồng chung vào cuối năm nay, ASEAN đã ngày càng coi Biển Đông thuộc trách nhiệm của mình, từ đó sẽ tiến tới việc đóng một vai trò tích cực hơn tìm kiếm giải pháp quản lý vấn đề tranh chấp Biển Đông, bày tỏ sự quan tâm và lo ngại lớn hơn đối với những hành động gây bất ổn định tình hình khu vực, vi phạm luật pháp quốc tế và DOC.

Gần đây, trong buổi gặp gỡ các nhà báo đến từ 9 nước ASEAN vào ngày 4/6, Thủ tướng Sinhgapore Lý Hiển Long cũng đã đưa ra nhận định rất đáng chú ý. Ông cho rằng, quá trình hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đang đi đúng hướng, song chất lượng hội nhập phụ thuộc vào nỗ lực của các nước thành viên trong việc giải quyết những vấn đề lớn hiện nay như tranh chấp trên Biển Đông. Vấn đề Biển Đông tác động trực tiếp đến bốn nước thành viên của ASEAN, song cũng gián tiếp ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực bởi đây là vấn đề an ninh ở trung tâm của Đông Nam Á. Lập trường của ASEAN là các bên cần đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ông nói rằng Singapore không phải là một bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng Singapore sẽ bị ảnh hưởng nếu như vấn đề không được giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển năm 1982.[1] Bản thân các cuộc đàm phán xây dựng COC hiện nay cũng đang được tiến hành giữa Trung Quốc với ASEAN. Nhận định của Thủ tướng Lý Hiển Long cũng như thực tế tình hình khu vực và tranh chấp Biển Đông cho thấy, những quan điểm kêu gọi ASEAN đứng ngoài việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông rõ ràng là không phù hợp, sẽ làm tổn hại đến sự đoàn kết của ASEAN, làm cho những khẩu hiệu về cùng một cộng đồng, cùng chung vận mệnh của ASEAN trở thành vô nghĩa, làm cho ASEAN suy yếu.

Dù hoàn cảnh đã thay đổi, nhưng những động lực đưa tới sự ra đời của ASEAN năm 1967 vẫn còn nguyên giá trị. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, ASEAN cần đoàn kết và đóng vai trò tích cực hơn, là chỗ dựa cho các thành viên của mình trong cuộc đấu tranh trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, vì mục tiêu chung là gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. Làm được điều đó, ASEAN sẽ trở lên vững mạnh hơn, khẳng định được vai trò và vị trí của mình trong các vấn đề an ninh của khu vực và thế giới.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới