Xin bạn đọc chớ hiểu rằng chữ “bão” ở đây là do thời tiết, khí hậu. “Bão” ở đây là do Trung Quốc gây ra. Sở dĩ chúng tôi dám “tiên đoán” như vậy là vì Trung Quốc sẽ tìm cách thể hiện thái độ của mình trong chuyến đi của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ.
Tàu Trung Quốc sẵn sàng đâm va tàu chấp pháp của Việt Nam ở khoảng cách gần.
Trung Quốc thừa hiểu rằng, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Hoa Kỳ ngoài những lý do và kế hoạch đã công bố công khai, sẽ có vấn đề bàn luận về tình hình Biển Đông trước sự bành trướng ngày càng quyết liệt, thô bạo, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Chính vì thế, Trung Quốc sẽ phải thể hiện cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ thấy rằng, dù các vị bàn gì với nhau, Biển Đông vẫn là “của Trung Quốc” !?.
Trung Quốc sẽ thể hiện sức mạnh để Hoa Kỳ cũng phải thấy rằng tàu sân bay, các loại vũ khí siêu hạng của Hoa Kỳ “chẳng là cái đinh gì” đối với Trung Quốc. Bởi lẽ Trung Quốc biết hơn ai hết, chính Hoa Kỳ đang sợ Trung Quốc, không phải vì sức mạnh quân sự, mà là vì sự thâm hiểm, cũng như máu liều. Còn với Việt Nam, Trung Quốc cũng sẽ phải thể hiện thái độ rất cứng rắn. Có thể thấy rằng, lời phát biểu của ông Vương Nghị rằng nếu từ bỏ chủ quyền ở Biển Đông là có tội với tổ tiên và con cháu là thông điệp rất rõ ràng đối với Việt Nam. Nôm na là lãnh đạo Đảng, Nhà nước hai bên bàn gì thì bàn, thỏa thuận gì thì thỏa thuận, Biển Đông vẫn là “của Trung Quốc”.
Vậy kịch bản của cơn bão tới đây sẽ như thế nào?
Rất có thể Trung Quốc sẽ đưa tên lính xung kích là giàn khoan HD981 vào vùng chồng lấn ở Vịnh Bắc bộ và lấn sâu vào hơn một chút ở phía Việt Nam.
Song song với đó, Trung Quốc sẽ đưa một số lượng lớn tàu chiến và máy bay xuống khu vực quần đảo Trường Sa để giễu võ, giương oai và khiêu khích. Thậm chí, sẽ có những hành động khiêu khích trắng trợn hơn như cho máy bay bay sát vùng các đảo của Việt Nam. Bên cạnh đó, lực lượng dân binh ngư phủ Trung Quốc được vũ trang sẽ xâm nhập sâu hơn vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tìm cách gây sự với tàu cá Việt Nam, từ đó lu loa rằng bị “tấn công”.
Với những tình huống giả định như vậy, để ứng phó không hề đơn giản.
Chúng ta hãy chờ xem “cơn bão” trên Biển Đông này có xảy ra hay không? Và nếu xảy ra thì sẽ theo kịch bản nào.