Saturday, January 18, 2025
Trang chủQuân sựTrước một Trung Quốc ngang ngược, Malaysia cần đẩy mạnh hơn nữa...

Trước một Trung Quốc ngang ngược, Malaysia cần đẩy mạnh hơn nữa vấn đề Biển Đông

Trả lời nhật báo Phố Uôn (Mỹ) ngày 08/6/2015, Bộ trưởng An ninh Malaysia Shahidan Kassim cho biết Malaysia sẽ có phản đối ngoại giao trước việc tàu hải cảnh của Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển ngoài khơi phía bắc đảo Borneo trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia. Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak sẽ trực tiếp nêu vấn đề này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Phát biểu của Bộ trưởng An ninh Malaysia xuất phát từ việc máy bay trinh sát của Cảnh sát biển Malaysia phát hiện tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 1123 không chỉ đi qua, mà còn “thả neo” ở khu vực Bãi cạn Luconia (Malaysia gọi là Beting Patinggi Ali) nằm trong vùng EEZ mà Malaysia yêu sách, và rìa phía nam của đường lưỡi bò. Bãi cạn Luconia nằm cách bờ biển phía bắc đảo Borneo của Malaysia khoảng 150 km (84 hải lý) và cách Trung Quốc hơn 2.000 km (1.200 hải lý). Hình ảnh về sự xâm nhập của tàu hải cảnh Trung Quốc được chụp từ máy bay trinh sát của Cảnh sát biển Malaysia và được đăng trên trang Facebook cá nhân của ông Kassim ngày 02/6.

Ngay ngày hôm sau (03/6), Malaysia tổ chức cuộc họp liên bộ giữa Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh Quốc gia, Hải quân và Cảnh sát biển để thảo luận về vụ việc. Sau cuộc họp, ông Kassim cho biết Malaysia đã điều tàu hải quân KD Laksamana Hang Nadim (F134) [1]đến khu vực để giám sát các hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc và để “bảo vệ chủ quyền quốc gia”.[2]

Những động thái mới của Malaysia xung quanh vụ việc “xâm nhập” của tàu hải cảnh Trung Quốc được cho là mạnh mẽ nhất từ trước tới nay vì Malaysia vốn khá “kín tiếng” trong tranh chấp Biển Đông. Có quan hệ gần gũi về chính trị và kinh tế[3] với Trung Quốc nên Kuala Lumpur trước nay luôn theo đuổi chính sách “an toàn” – sử dụng tổng hợp các biện pháp ngoại giao, kinh tế, pháp lý và an ninh để đảm bảo lợi ích của một bên yêu sách ở Biển Đông một cách thầm lặng, đồng thời không làm phương hại đến quan hệ song phương với Bắc Kinh. Chuyên gia Prashath Parameswaran ngày 09/6 phân tích trên tờ báo Nhà ngoại giao (The Diplomat) khẳng định điều này và cho rằng lý do khiến Kuala Lumpur điều chỉnh chính sách là nước này “đang phải đứng trước tình trạng báo động từ các hành động quyết đoán của Trung Quốc”. Cụ thể, Trung Quốc tăng cường hiện diện ở khu vực này nhằm hai mục đích: (i) tài nguyên dầu khí; (ii) yêu sách “đường lưỡi bò”.

Về mặt tài nguyên dầu khí, khu vực Bãi cạn Luconia và Bãi cạn James (cách Malaysia khoảng 80 km và cách bờ biển Trung Quốc tới 1.800 km) được cho là có tiềm năng dầu khí. Năm 1989, Trung Quốc thực hiện khảo sát và ước tính Bãi cạn James có trữ lượng dầu khí khoảng 91 triệu thùng. Vì thế, Trung Quốc tăng cường hiện diện ở những khu vực khu vực nhạy cảm nơi có nguồn tài nguyên dầu khí, ví dụ như Reed Bank (Philippines yêu sách) và một số lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Về mặt an ninh, khu vực Bãi cạn Luconia cùng với Bãi cạn James nằm ở rìa nam “đường lưỡi bò” nên sự hiện diện của Trung Quốc ở đây theo thời gian dù không chiếm cứ theo danh nghĩa sẽ củng cố kiểm soát thực tế, ngăn chặn Malaysia mở rộng ra Biển Đông. Trong giai đoạn 2008 – 2012, khoảng 35 tàu thuyền các loại của hải quân và các lực lượng chấp pháp Trung Quốc đã xâm nhập vùng EEZ của Malaysia. Tháng 8/2012, hai tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 66 và 75 chạm trán tàu khảo sát của Malaysia xung quanh Bãi cạn James và phía bắc Bãi cạn Luconia. Tháng 3/2013, đội tàu chiến của Trung Quốc bao gồm tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn (Jingganshan), khu trục hạm tên lửa Lan Châu (Lanzhou) và hai tàu khu trục nhỏ Du Lâm (Yulin) và Hành Thủy (Hengshui) cùng với hai trực thăng tập trận ở Biển Đông, và tổ chức bắn súng ở Bãi cạn James. Tháng 4/2013 tàu hải cảnh Trung Quốc thả cột thép (steel marker) đánh dấu chủ quyền. Ngày 26/01/2014, Trung Quốc tiếp tục điều ba tàu hải quân, bao gồm tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn (Changbaishan), khu trục hạm Vũ Hán (Wuhan) và Hải Khẩu (Haikou) tới tập trận ở Bãi cạn James. Nội dung tập trận bao gồm “lễ tuyên thệ bảo vệ chủ quyền” được thực hiện trên Bãi cạn.

Từ thực tế trên, dù Malaysia có theo đuổi chính sách “kín tiếng” thì Trung Quốc vẫn tiến. Nhưng, điều đáng chú ý là Malaysia càng âm thầm và lặng lẽ thì Trung Quốc lại coi đó là bằng chứng để chứng minh rằng Malaysia ngầm công nhận yêu sách của Trung Quốc. Vậy, Malaysia cần phải làm gì?

Thứ nhất, Malaysia cần mạnh dạn đẩy vấn đề Biển Đông hơn nữa, nhất là trong bối cảnh Kuala Lumpur có lợi thế vì đang giữ vai trò Chủ tịch ASEAN. Malaysia cần phải cân bằng giữa một bên là lợi ích của một nước yêu sách ở Biển Đông cùng với sự đoàn kết, thống nhất trong ASEAN với một bên là quan hệ song phương với Trung Quốc. Lúc này Malaysia hoàn toàn có thể ngả về phía ASEAN, và đây cũng chính là đảm bảo lợi ích cho Malaysia.

Thứ hai, Malaysia cần phải tăng cường hiện diện ở Biển Đông và sẵn sàng chống lại sự xâm nhập của hải quân và các lực lượng chấp pháp của Trung Quốc vào các vùng biển xung quanh các thực thể mà Malaysia chiếm giữ và yêu sách.

RELATED ARTICLES

Tin mới