Wednesday, January 15, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiNhất bên trọng, nhất bên khinh

Nhất bên trọng, nhất bên khinh

Ngày 30-6, tờ Nhân dân nhật báo cho biết, Ủy ban Xúc tiến văn hóa chiến lược Trung Quốc đã công bố báo cáo đánh giá sức mạnh quân sự năm 2014 của Mỹ và Nhật Bản. Đây là lần thứ tư ủy ban này (thành lập năm 2011) công bố báo cáo đánh giá sức mạnh quân sự của nước khác.

Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Du Chính Thanh (phải) tiếp đoàn nghị sĩ LDP

Theo tờ Sankei, trong tháng 7, Tokyo và Bắc Kinh sẽ ký thỏa thuận về Cơ chế liên lạc trên biển và trên không tại vùng biển Hoa Đông nhằm tránh những xung đột bất ngờ có thể bùng phát giữa lực lượng quân sự hai nước. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng 2 nước sẽ ký thỏa thuận này và người phụ trách đường dây nóng của Nhật Bản là Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ trên biển và Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ trên không; trong khi đó 2 quan chức hàng đầu của Hải quân và Không quân Trung Quốc chịu trách nhiệm liên lạc qua đường dây nóng.

Trung – Nhật tìm cách dung hòa

Ngày 29-6, Hãng Kyodo News cho biết, tại cuộc gặp phái đoàn nghị sĩ Nhật Bản ở Bắc Kinh, Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Du Chính Thanh đã yêu cầu Tokyo tránh xa “vấn đề Biển Đông” bởi “không liên quan tới Nhật Bản”. Đồng thời nhấn mạnh, Tokyo và Washington đã “không công bằng” khi lên án Bắc Kinh mà không phải là các bên yêu sách khác ở Biển Đông. Tuy nhiên, ông Du Chính Thanh cũng cho rằng, quan hệ Trung – Nhật đang dần được cải thiện, và kêu gọi giải quyết hợp lý các tranh chấp. Trong khi đó Đài NBC News dẫn lời Thiếu tướng Chu Thành Hổ thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, quân đội Mỹ có thể tuần tra ở Biển Đông, nhưng “chính phủ và người dân Trung Quốc khó chấp nhận sự hiện diện quân sự của Nhật Bản” ở vùng biển này.

Phản ứng này xuất hiện sau khi Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản Katsutoshi Kawano tiết lộ (khi trả lời phỏng vấn tờ The Wall Street Journal), Tokyo đang cân nhắc thực hiện tuần tra ở Biển Đông. Theo ông Katsutoshi Kawano, hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông đã tạo ra “những quan ngại vô cùng sâu sắc” đối với Nhật Bản và đó là lý do khiến Tokyo cân nhắc tuần tra ở khu vực này. Ông Katsutoshi Kawano cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông đối với an ninh của Nhật Bản và không ngại chỉ trích các hành động “thiếu minh bạch” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngày 27-6, tờ Tin tức Trung Quốc cho rằng, mặc dù quan hệ Trung – Nhật gần đây có bớt căng thẳng, nhưng đường lối xây dựng quân đội hiện nay của Tokyo vẫn được định hướng “nguy cơ xảy ra xung đột ở hướng Tây Nam” (ám chỉ Trung Quốc). Được biết, Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định mua 17 máy bay vận tải cánh xoay nghiêng MV-22 Osprey và 4 máy bay cảnh báo sớm E-2D Hawkeye, đồng thời cân nhắc nhập khẩu 3 máy bay trinh sát không người lái Global Hawk do Mỹ chế tạo để nâng cao năng lực phòng vệ khi ở hướng Tây Nam xảy ra xung đột.

Tính kế để lừa phỉnh

Ngày 29-6, tờ The Philippine Star cho biết, quả địa cầu do Trung Quốc sản xuất có in bản đồ “đường lưỡi bò” đang được bày bán tại một số cửa hàng ở thủ đô Manila, Philippines với giá 18-500 peso/quả, tùy kích cỡ, rẻ hơn 400% – 900% so với hàng nhập từ Đài Loan và Mỹ. Bộ trưởng Giáo dục Philippines Armin Luistro cho hay, đây là lần đầu tiên ông nghe thông tin này và sẽ đề nghị các cửa hàng ngưng bán quả địa cầu có “đường lưỡi bò”. Trước đó, sau nhiều phản hồi của cư dân mạng ở Việt Nam, Google đã bỏ cách ghi địa danh Hoàng Sa thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.

Theo tin từ Cục Hải sự Trung Quốc, kể từ 0 giờ sáng 30-6 đến 24 giờ đêm 6-7, quân đội Trung Quốc sẽ tổ chức huấn luyện sử dụng vũ khí bắn đạn thật ở vùng biển Hoa Đông,  gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, yêu cầu tàu thuyền không được đi vào vùng biển liên quan trong thời gian diễn ra diễn tập quân sự. Trước đó (29-6), Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết, 2 tàu hải cảnh của Trung Quốc đã đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó, các tàu này cũng đi vào lãnh hải Nhật Bản trong các ngày 17 và 26-6 và cũng di chuyển trong vùng tiếp giáp kể trên.

Ngày 26-6, Đài Truyền hình CCTV Trung Quốc cho rằng, Lực lượng Phòng vệ bờ biển và Hải quân Philippines đã tập trận chung ở Biển Đông (cả tháng 5 và tháng 6), mặc dù trên danh nghĩa là huấn luyện cứu nạn, và đây được coi là động thái “nhúng tay vào Biển Đông” của Nhật Bản. Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long, Nhật Bản có thể điều nhiều máy bay tác chiến cùng với các loại tàu chiến để tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực quần đảo Trường Sa. Đồng thời không loại trừ khả năng Nhật Bản sẽ còn tăng cường sự hiện diện quân sự ở Trường Sa, nhất là khi Tokyo đang đàm phán với Philippines về vấn đề căn cứ ở khu vực Palawan.

Cũng trong ngày 26-6, Tân Hoa xã đưa tin, ngày 23-6, máy bay tuần tra P-3C của Nhật Bản đã bay trên bầu trời khu vực bãi Cỏ Rong trong cuộc tập trận chung với Hải quân Philippines. Cả người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng và Hồng Lỗi đều tuyên bố: Trung Quốc bày tỏ đặc biệt quan ngại và tức giận đối với động thái tiêu cực có liên quan của Nhật Bản! Bắc Kinh cho rằng, Nhật Bản không phải là đương sự trong vấn đề Biển Đông, nên động thái gần đây của Tokyo ở khu vực này “rất không bình thường”. Đô đốc Harry Harris, chỉ huy mới của Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ) cho rằng, máy bay P-3C cực kỳ thích hợp cho việc tuần tra trên Biển Đông. Và Mỹ đang tìm kiếm sự trợ giúp từ Nhật, Australia và các đồng minh khác nhằm đối mặt với các thách thức từ Trung Quốc.

Cảnh báo chiến tranh

Ngày 30-6, tờ Nhân dân nhật báo dẫn tuyên bố của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng, mặc dù Lực lượng Phòng vệ cố gắng ngăn cản các cuộc tấn công nhằm vào tàu chiến Mỹ, nhưng do thủ tục phải mất thời gian nên có thể phản ứng không kịp thời. Tokyo cho rằng, việc trợ giúp bảo vệ tàu chiến Mỹ trong trường hợp bán đảo Triều Tiên xảy ra xung đột là điển hình của việc thực hiện quyền tự vệ tập thể. Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu vừa cáo buộc Thủ tướng Shinzo Abe đang âm thầm chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh giữa Nhật Bản với Trung Quốc. Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa ra những bình luận “đáng ngạc nhiên” trong cuộc gặp lãnh đạo các công ty truyền thông của Nhật Bản tại thủ đô Tokyo mới đây. Nhất là khi cho rằng, Nhật Bản có quyền tham chiến để ủng hộ đồng minh, kể cả trong trường hợp Tokyo không bị đe dọa trực tiếp từ cuộc xung đột đó.

Cũng trong ngày 30-6, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh (Oánh) đã yêu cầu Nhật Bản cần “hành động thận trọng và hợp lý” liên quan đến vấn đề an ninh quân sự. Bà Doanh đưa phản ứng này sau khi tờ Shukan Gendai cho rằng, Thủ tướng Shinzo Abe từng tiết lộ trong một cuộc gặp gỡ riêng tư rằng, ông đang chuẩn bị kế hoạch cho một cuộc chiến tranh tiềm tàng với Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh Tokyo cần thực hiện quyền phòng vệ tập thể để cùng Mỹ “đánh Trung Quốc ở Biển Đông”.

Theo Hãng Kyodo, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đã tiến hành cuộc đối thoại 3 bên lần thứ 7 tại Hawaii để thảo luận về an ninh hàng hải và các vấn đề khác. Nhất là hợp tác nhằm đảm bảo an ninh hàng hải trước một Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán trên biển. Còn theo nhận định của chuyên gia quốc phòng Narushige Michishita đến từ Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia ở Tokyo, Nhật Bản sẽ tham gia vào các hoạt động giám sát và do thám chung trên Biển Đông trong vài năm tới với Mỹ, Australia, Philippines và các nước khác. Và hành động này sẽ làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.

Trước đó (24-6), tờ Sự thật của Nga đã liệt kê một loạt dấu hiệu của một cuộc đối đầu quân sự Trung – Mỹ khi 2 nước dành nhiều thời gian và tiền bạc để chuẩn bị cho chiến tranh. Thứ nhất, khẩu chiến xung quanh hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Thứ hai, hacker Trung Quốc đánh cắp thông tin của 14 triệu viên chức liên bang Mỹ. Thứ ba, Trung Quốc vừa tiến hành các cuộc tập trận quân sự mô phỏng tấn công Đài Loan. Thứ tư, hàng ngàn tàu dân sự được Trung Quốc yêu cầu trang bị để phục vụ hoạt động quân sự.

RELATED ARTICLES

Tin mới