Wednesday, January 15, 2025
Trang chủNhìn ra thế giới"3 nhân tố ảnh hưởng đến quan hệ Việt - Trung"

“3 nhân tố ảnh hưởng đến quan hệ Việt – Trung”

Thứ nhất là vị trí địa lý quá gần và tính bất đối xứng về sức mạnh; Thứ hai là lịch sử “vừa yêu vừa hận” giữa 2 nước cũng như nỗi lo chủ nghĩa đại Hán...

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng tham gia hội thảo tại Trung Quốc. Ảnh: Trung Bình Xã.

Tờ Tin tức Bình luận Trung Quốc (Trung Bình Xã) xuất bản tại Hồng Kông ngày 7/7 đưa tin, Bắc Kinh vừa tổ chức hội thảo “Cộng đồng học thuật về quan hệ quốc tế và chính trị học lần thứ 8”. Trong hội thảo này, các học giả đã hình thành một nhóm nhỏ trao đổi xung quanh nội dung “tranh chấp và hợp tác trên biển”, trong đó thảo luận các vấn đề nóng trên Biển Đông “từ góc độ của Việt Nam cũng như Trung Quốc”.

Đáng chú ý, mặc dù Bắc Kinh nói là phân tích vấn đề Biển Đông từ góc độ quan điểm của Việt Nam và Trung Quốc, nhưng khách mời tham dự hội thảo này không thấy Trung Bình Xã nhắc đến học giả nào từ Việt Nam khi liệt kê danh sách. Chỉ có Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, học giả gốc Việt giảng dạy tại đại học George Mason, Virginia, Hoa Kỳ được Trung Quốc mời tham dự.

Về phía Trung Quốc có sự xuất hiện của ông Tiết Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính trị thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc, Trương Phong – từ Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế Quảng Châu, ông Vương Hàn Linh – Phó Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Các sự vụ về biển và luật biển quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc.

Tại hội thảo này Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng được Trung Bình Xã dẫn lời cho biết, có 3 nhân tố ảnh hưởng đến quan hệ Việt – Trung. Thứ nhất là vị trí địa lý quá gần và tính bất đối xứng về sức mạnh; Thứ hai là lịch sử “vừa yêu vừa hận” giữa 2 nước cũng như nỗi lo chủ nghĩa đại Hán từ người Việt; Thứ ba là sự tương đồng về ý thức hệ cũng như nhu cầu ổn định chế độ chính trị.

Về biện pháp giải quyết mâu thuẫn Trung – Việt trên Biển Đông, Tiến sĩ Hùng kiến nghị 3 giải pháp quan trọng. Một là, giải quyết tranh chấp chủ quyền thông qua các biện pháp ngoại giao và cơ quan tài phán quốc tế. Trung Quốc cần làm rõ nội hàm ý nghĩa của đường đứt đoạn ở Biển Đông, giải quyết mâu thuẫn bằng trọng tài quốc tế.

Quang cảnh hội thảo tại Bắc Kinh, Trung Quốc về Biển Đông “nhìn từ hai phía”, nhưng không thấy nhắc đến học giả nào từ Việt Nam ngoài một Tiến sĩ gốc Việt tại Hoa Kỳ. Ảnh: Trung Bình Xã

Hai là để quản lý và kiểm soát nguy cơ, hai bên nên gác tranh chấp cùng hợp tác (trong khu vực chồng lấn/tranh chấp và không có điều kiện tiền đề nào đại loại như chủ quyền thuộc Trung Quốc). Ba là cùng nỗ lực xây dựng COC, giữ liên hệ đường dây nóng, xây dựng cơ chế xử lý tình huống khi máy bay, tàu quân sự giáp mặt nhau ở Biển Đông, nỗ lực xây dựng cấu trúc mới cho an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Về phía học giả Trung Quốc ông Tiết Lực khẳng định, Biển Đông là vấn đề cơ bản trong quan hệ Việt – Trung, Trung Quốc rất khó có thể nhận được sự ủng hộ của các nước khác trong vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh đang “thay đổi chính sách” đối với Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng “tư duy hai trục” tức là Biển Đông sẽ được giải quyết qua “đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan”. Nói như ông Lực thì Bắc Kinh chẳng có gì thay đổi – PV.

Trung Quốc cần phát triển từ một sức mạnh khu vực thành sức mạnh toàn cầu nên mới thúc đẩy kế hoạch “một vành đai, một con đường”, Trung Quốc cũng cần xây dựng quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Đảng Cộng sản Việt Nam để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa 2 nước phát triển.

Học giả Trương Phong thì cho rằng, phương Tây nói Trung Quốc đang xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông cho mục đích quân sự là chính xác vì như thế họ mới bảo vệ được (cái gọi là) chủ quyền và lợi ích?!

Ngoài ra học giả này khẳng định Bắc Kinh còn muốn áp đặt vùng nhận diện phòng không (bất hợp pháp) ở Biển Đông cũng là để bảo vệ (cái gọi là) chủ quyền (thực chất là dã tâm bành trướng) chứ không phải nhằm đối phó với Mỹ – Nhật. Trương Phong tuyên bố, trừ phi các nước khác động đến giới hạn cuối cùng, nếu không Trung Quốc sẽ không chủ động gây chiến?!

Có thể thấy các học giả Trung Quốc vẫn chỉ tiếp tục luận điệu tuyên truyền xuyên tạc cổ súy cho cái gọi là chủ quyền vô lý, phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông chứ không có ý kiến nào đóng góp cho việc giảm căng thẳng, duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, tôn trọng và giữ gìn luật pháp quốc tế – PV.

RELATED ARTICLES

Tin mới