Trung Quốc có nhu cầu lớn về gạo nhưng không phụ thuộc vào thị trường nào. Họ biết lối mua bán của Việt Nam nên bắt thóp để mua rẻ.
Việt Nam chưa tổ chức nghiên cứu một cách bài bản thị trường tiêu thụ gạo ở Trung Quốc.
PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) bày tỏ quan điểm trước thông tin Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn từ Việt Nam.
Trung Quốc không phụ thuộc vào thị trường nào
Bộ Công thương vừa tổ chức Đoàn công tác sang Trung Quốc để xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đầu ra cho mặt hàng gạo.
Báo Đầu tư ngày 3/7 đưa tin, nhân dịp này, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu và lãnh đạo tỉnh Quảng Đông, tổ chức Hội thảo giao thương gạo, nông sản Việt Nam – Trung Quốc. Hội thảo đã thu hút được sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu, buôn bán gạo, nông sản Trung Quốc.
Phát biểu tại hội thảo, lãnh đạo tỉnh Quảng Đông đánh giá, Việt Nam là quốc gia có ưu thế về sản xuất nông nghiệp, tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn nhiều. Quảng Đông là địa phương có quy mô dân số hơn 100 triệu người và có nhu cầu rất lớn đối với các mặt hàng nông sản, đặc biệt là mặt hàng gạo. Mặt hàng gạo của Việt Nam có chất lượng tốt, hợp túi tiền người tiêu dùng.
Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Quảng Đông cũng có bài phát biểu nhấn mạnh, nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn hàng nông sản, đặc biệt là mặt hàng gạo của Quảng Đông, đồng thời bày tỏ sẵn sàng xây dựng cơ chế tăng cường hợp tác với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, phát huy vai trò cầu nối cho doanh nghiệp hai bên tăng cường giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại gạo, nông sản.
Bày tỏ quan điểm về những thông tin này, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng, một đất nước 1,3 tỷ dân như Trung Quốc, đang trong quá trình công nghiệp hoá, sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp một cách tương đối, vài năm gần đây thường xuyên bị thiên tai, từ hạn hán đến lụt lội nên Trung Quốc có nhu cầu cao về lương thực là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, Trung Quốc có cả thị trường rộng khắp thế giới, họ có thể nhập khẩu gạo, lúa mỳ và các loại lương thực khác. Do đó, Trung Quốc không bị phụ thuộc vào bất cứ thị trường nào, chưa kể nông sản thế giới đang bị dư thừa và xuống giá.
Đối với Việt Nam, ông Nam cho rằng, Trung Quốc có nhu cầu mua gạo Việt Nam là đúng bởi gần về vị trí địa lý, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của Trung Quốc, mua bán đơn giản.
“Tuy nhiên, việc mua bán giữa hai bên cho thấy điểm yếu kém của Việt Nam xưa nay chưa khắc phục được:
Thứ nhất, Việt Nam chưa tổ chức nghiên cứu một cách bài bản thị trường tiêu thụ gạo ở Trung Quốc. Cái Việt Nam cần không phải là vài đoàn cán bộ nhà nước đi nghiên cứu “làm phép” mà phải là cơ quan quản lý nhà nước có chức năng quản lý gạo xuất khẩu thật sự kết hợp với doanh nghiệp.
Việc có sự tham gia của doanh nghiệp là bắt buộc, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn có uy tín chứ không phải mấy doanh nghiệp quốc doanh. Phải nghiên cứu, khảo sát, từ đó xác định được nhu cầu, thị hiếu, mẫu mã, giá cả… rồi có quyết sách sản xuất, chế biến gạo để xuất khẩu sang TQ.
Thứ hai, thiếu sót trong mua bán gạo giữa thương nhân Việt Nam và thương nhân Trung Quốc. Đối với một thị trường lớn, ổn định thì quan hệ giao dịch phải chính ngạch, ký kết hợp đồng đàng hoàng, có thể ký trước 1 năm, thậm chí trước 2-3 năm để đảm bảo uy tín, độ tin cậy. Việt Nam chưa làm được điều này mà chỉ chăm chăm xuất khẩu gạo tiểu ngạch – ùn ùn chở gạo lên biên giới, Trung Quốc cần thì mua, không cần thì đổ đống.
Kiểu làm ăn gặp đâu bán đấy, có khách thì bán, không có khách thì thôi, ậm ừ mua bán trao tay, thanh toán rất rắc rối. Không phải phía Trung Quốc không có nhu cầu nhưng vì Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch, lại có những hàng khác hiệu quả cao hơn nên họ mua những hàng đó chứ không mua gạo Việt Nam, thậm chí chuyển sang mua gạo của Thái Lan, Campuchia…
Thứ ba, gạo Việt Nam chất lượng không đồng đều, loại độ ẩm cao, loại độ ẩm thấp, đổ đống lại chỉ một vài tháng là mốc. Với kiểu gặp gì bán nấy, thấy thị trường Trung Quốc lớn là cứ làm ào ào, sản xuất mà chưa có kế hoạch thị trường, tìm hiểu thị trường, giao dịch, hợp đồng… nên sản xuất ra mà không bán được thì chuyện bình thường, là lỗi của Việt Nam. Tất nhiên về phía Trung Quốc, họ cũng biết lối mua bán của Việt Nam nên mới bắt chẹt, bắt thóp để Việt Nam buộc phải bán rẻ”, PGS.TS Nguyễn Văn Nam phân tích.