Sunday, November 24, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiGiữa Mỹ - Trung, Việt Nam cần ứng xử như thế nào?

Giữa Mỹ – Trung, Việt Nam cần ứng xử như thế nào?

“Với cả Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam cần có chiến lược tạo thế cân bằng. Nhất là trong hai  lĩnh vực quan trọng là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia và hội nhập để phát triển kinh tế”, ông Chu Công Phùng – cố vấn cao cấp Viện chiến lược Biển Đông (Học viện Ngoại giao) nói.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ báo giới (Ảnh Reuters).

Chuyến thăm kéo dài bốn ngày từ 6-10/7 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ đã kết thúc nhưng vẫn đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong nước và quốc tế.

Để cung cấp cho độc giả những góc nhìn khách quan về triển vọng của mối quan hệ Việt – Mỹ sau 20 năm hai nước bình thường hóa quan hệ cũng như diễn biến Biển Đông đang diễn ra phức tạp, phóng viên Năng Lượng Mới – PetroTimes đã có cuộc trao đổi với ông Chu Công Phùng – nguyên Bí thư phòng chính trị Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc (1987 – 1991); Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Myanmar.

Hiện, ông đang là cố vấn cao cấp Viện chiến lược Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao.

Ông có đánh giá như thế nào về chuyến thăm của TBT Đảng Cộng Sản VN Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ trong 4 ngày vừa qua?

Ông Chu Công Phùng: Có thể thấy đây là chuyến thăm mang tính lịch sử khi, việc một vị Tổng thống Mỹ tiếp đón một vị Tổng Bí Thư của Đảng Cộng Sản Việt Nam ngay tại Phòng Bầu dục theo nghi thức đối với nguyên thủ quốc gia là chưa từng có tiền lệ.

Cả hai bên đều chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho mối quan hệ hợp tác đối tác toàn diện này.

Việc Phó Tổng thống Joe Biden “lẩy” 2 câu Kiều “Trời còn để có hôm nay. Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” trong buổi tiệc chiêu đãi TBT Nguyễn Phú Trọng tại Bộ Ngoại giao Mỹ tối 7/7 cho thấy, Ngài Phó Tổng thống và Bộ Ngoại giao Mỹ không chỉ rất hiểu biết và tôn trọng nền văn hóa Việt Nam mà còn sử dụng văn thơ cổ điển của Việt Nam để miêu tả, gửi gắm niềm tin vào tương lai phát triển tốt đẹp của quan hệ Mỹ – Việt.

Tôi tin tưởng rằng, chuyến thăm lần này của TBT Nguyễn Phú Trọng chắc chắn sẽ thúc đẩy hơn nữa là mối quan hệ đối tác toàn diện mà hai nước đã thiết lập sau chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào năm 2013.

Nhiều người mong muốn sau chuyến thăm lịch sử này, hai nước sẽ hoàn tất cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam sẽ xuất hiện cuộc đổi mới lần thứ hai để hội nhập hơn nữa với thế giới, đưa Việt Nam phát triển nhanh hơn, xứng với tầm vóc vị trí địa chiến lược của Việt Nam.

Ông Chu Công Phùng – Nguyên Bí thư phòng Chính trị Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng gia tăng các hoạt động phi pháp hòng độc chiếm Biển Đông – hành động được cho là ứng phó với chiến lược xoay trục của Mỹ tới Châu Á – Thái Bình Dương khiến quan hệ Trung – Mỹ xuất hiện những mâu thuẫn sâu sắc liên quan đến lợi ích quốc gia của mỗi bên ở khu vực này.

Do vậy, chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ đã thu hút sự chú ý cao độ của dư luận quốc tế.

Kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia sẽ là dịp để chúng ta cùng nhìn lại chặng đường đã qua. Đồng thời xác định thêm những phương hướng phát triển cho mối quan hệ này càng đi vào chiều sâu và đi vào thực chất.

Liên quan tới mối quan hệ với Mỹ, đặc biệt là về vấn đề Biển Đông. Theo ông, liệu rằng yếu tố Trung Quốc có ảnh hưởng như thế nào tới chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc?

Ông Chu Công Phùng: Nhìn vào thực tế, quan hệ Việt Nam – Mỹ đang có những nét khởi sắc đáng mừng. Nó thể hiện ở nhiều lĩnh vực hợp tác và mang lại hiệu quả cho cả hai nước.

Với chủ trương nhất quán của Đảng ta: “Đa phương hóa, đa dạng hóa tất cả các mối quan hệ” thì VN sẵn sàng là bạn của tất cả các nước. Tuy nhiên, trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải thì cần phải hết sức thận trọng và cảnh giác.

Bản chất của Trung Quốc từ xa xưa tới giờ vẫn không hề thay đổi. Dã tâm xâm chiếm Biển Đông của họ dường như là bất biến.

Trước tình hình đó, Việt Nam cũng như các nước ASEAN cần tỉnh táo và đoàn kết hơn nữa để cùng nhau chặn đứng âm mưu thâm hiểm của Trung Quốc đối với Biển Đông cùng với “yêu sách đường 9 đoạn” phi lý.

Việc hợp tác quốc phòng, mua bán và Mỹ dỡ bỏ một phần tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam đang là những dấu hiệu tích cực cho mối quan hệ ngày càng đạt được sự tin tưởng, tin cậy lẫn nhau giữa hai nước Việt nam – Mỹ.

Bên cạnh đó, việc Tổng thống Mỹ chính thức mời TBT Nguyễn Phú Trọng đã cho thấy sự tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. Tạo thêm một điểm sáng trong niềm tin và sự tin cậy giữa hai quốc gia, hai chế độ nhằm tìm tới mục tiêu chung có lợi cho cả hai nước.

Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đang có bước chuyển biến mới.

Nhìn vào thực tế mấy năm gần đây, ông có bình luận gì về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông khi họ cố tình thực hiện yêu sách chủ quyền phi lý bằng “đường lưỡi bò” mà họ tự vẽ ra?

Ông Chu Công Phùng: Từng có hơn 10 năm công tác và nghiên cứu tại Trung Quốc, tôi có thể khẳng định rằng bản chất của Trung Quốc vẫn không hề thay đổi.

Theo nhẩm tính, trong 3000 năm lịch sử thì Trung Quốc đã phát động 20 cuộc chiến tranh xâm lược.

Tuy nhiên, tính từ thời điểm năm 1949 khi chính thể Công hòa nhân dân Trung Hoa ra đời thì họ đã gây ra tới 4 cuộc chiến, xung đột với Việt Nam vào các năm 1956, 1974, 1979 và 1988. Như vậy, tần suất là 15 năm một cuộc chiến, cao gấp 10 lần trong lịch sử.

Nói về điều này để thấy được dã tâm và âm mưu của Trung Quốc, nhất là về vấn đề biển đảo.

Còn nhớ vào tháng 5/2014, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan HD – 981 vào vùng biển của Việt Nam đã một lần nữa thức tỉnh tinh thần yêu nước và đấu tranh mạnh mẽ của người dân Việt Nam khắp năm châu nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình.

Nhưng, có một điều ta cần phải thấy rõ rằng, việc đưa giàn khoan ra Biển Đông chỉ là chiêu đánh lạc hướng của Trung Quốc để họ có thể đưa sự tập trung của dư luận vào cái giàn khoan mà quên mất rằng, họ đang cấp tập xây dựng và bồi đắp các bãi đá ngầm ở Trường Sa của Việt Nam thành các hòn đảo nhân tạo.

Chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông là “gặm nhấm dần dần” tiến tới khẳng định chủ quyền  vô lý của họ ở đây bằng “đường lưỡi bò” phi pháp mà họ tự vẽ ra.

Qua đây, chúng ta cần có cái nhìn thật khách quan và tỉnh táo để có những phương cách đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo chính đáng của mình.

Trong đó, ưu tiên các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982.

Theo ông, ở thời điểm này Việt Nam cần có chiến lược như thế nào trong mối quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc?

Ông Chu Công Phùng: Với chủ trương nhất quán của Đảng ta: “Đa phương hóa, đa dạng hóa tất cả các mối quan hệ, sẵn sàng là bạn với tất cả các nước”. Chúng ta đều mong muốn phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Trung Quốc và Mỹ. Nói cách khác, chúng ta muốn duy trì và phát triển mối quan hệ cân bằng giữa các nước lớn nhất là đối với Trung Quốc và Mỹ.

Trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước trước đây, sở dĩ chúng ta giành được thắng lợi cuối cùng là do chúng ta phát huy được sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, chúng ta đã nhận được nhiều sự ủng hộ của nhân dân toàn thế giới, trong đó có nhiều quốc gia và dân tộc có chế độ chính trị không giống với Việt Nam.

Với cả Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam cần có chiến lược tạo thế cân bằng. Nhất là trong hai  lĩnh vực quan trọng là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia và hội nhập để phát triển kinh tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

RELATED ARTICLES

Tin mới