Friday, March 29, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiAi trói phát triển kinh tế biển?

Ai trói phát triển kinh tế biển?

Việt Nam có lợi thế, tiềm năng rất to lớn để phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, với những “rào cản” cả khách quan và chủ quan, kinh tế biển Việt Nam nói chung và kinh tế biển Quảng Trị nói riêng vẫn chưa phát triển tương xứng. 

 

Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trao đổi với ông Hà Sỹ Đồng, đại biểu Quốc hội khóa XIII, hiện là Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, tỉnh có vai trò quan trọng trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản trên Biển Đông…

Ông Hà Sỹ Đồng.

Nên thành lập Bộ Kinh tế biển

Phóng viên (PV): Thưa ông, Việt Nam được đánh giá là nước có lợi thế, tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, kinh tế biển Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế ấy. Là Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, tỉnh đang được đánh giá là có vai trò quan trọng trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản trên Biển Đông, theo ông, đâu là vướng mắc dẫn tới điều đó?

Ông Hà Sỹ Đồng: Những năm vừa qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm, ưu tiên đầu tư cho ngư dân được vay vốn ưu đãi, nhất là gói tín dụng 16.000 tỷ đồng, giúp ngư dân đánh bắt xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển. Đó là chủ trương rất đúng đắn. Tuy nhiên, thời gian vừa rồi, việc triển khai thực hiện vẫn còn chậm, còn nhiều rào cản, chưa thực sự để ngư dân có đủ điều kiện nâng cấp, đóng mới tàu, thuyền đánh bắt xa bờ, đặc biệt là điều kiện về tài sản thế chấp và thủ tục vay vốn đang còn những tồn tại. Vì vậy, chưa có nhiều ngư dân được tiếp cận với gói tín dụng này. Chúng tôi đề nghị sửa đổi Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ để ngư dân dễ tiếp cận hơn, mở rộng đối tượng được vay vốn, ngoài đóng tàu vỏ sắt còn có thể sửa chữa, nâng cấp tàu vỏ gỗ…

Cùng với đó, nên thành lập các nghiệp đoàn nghề cá có quy mô, bài bản và có sự bảo trợ của Nhà nước hoặc hướng dẫn của các bộ, ngành để hoạt động ngày càng hiệu quả, tăng giá trị đánh bắt thủy-hải sản, giải quyết việc làm và giúp nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người lao động, đặc biệt là góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển.

Ngoài ra, cần đầu tư hơn nữa cho các lực lượng quân đội, cảnh sát biển, kiểm ngư, sớm thành lập Bộ Kinh tế biển thì mới phát huy được các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia.

PV: Ông vừa nói, tỷ lệ tiếp cận gói tín dụng 16.000 tỷ đồng còn rất thấp. Vậy, ở Quảng Trị, tỷ lệ này là bao nhiêu?

Ông Hà Sỹ Đồng: Đến nay, cả tỉnh Quảng Trị mới có 3 hộ dân được ký hợp đồng vay vốn từ gói tín dụng 16.000 tỷ đồng với các ngân hàng.

Sản xuất hải sản sạch đáp ứng nhu cầu thị trường

PV: Một số tỉnh ven biển hiện đang có những mô hình sản xuất, đánh bắt hải sản rất hay. Ở Quảng Trị thì sao, thưa ông?

Ông Hà Sỹ Đồng: Chúng tôi đang có kế hoạch đưa dân ra đảo Cồn Cỏ sinh sống, làm ăn. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Trị cũng còn gặp khó khăn và cần Chính phủ trợ giúp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, như: Điện, chống sạt lở, cầu cảng, dịch vụ nối giữa đất liền với đảo, bảo vệ nguồn lợi hải sản, hậu cần nghề cá, cơ sở chế biến hay hỗ trợ nhân dân mua sắm máy móc, trang thiết bị… để kết hợp phù hợp giữa đánh bắt và nuôi trồng nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân bám đảo.

 Tàu đánh cá của ngư dân chủ yếu vẫn là tàu vỏ gỗ. Ảnh: Thùy Lâm.

PV: Thực tế, đầu ra cho nông sản, thủy sản, hải sản nói chung đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng ở ngay thị trường nội địa lại không hề nhỏ. Theo ông, làm thế nào giúp ngư dân kết nối với người tiêu dùng dễ dàng hơn?

Ông Hà Sỹ Đồng: Tôi cho rằng, điều quan trọng là phải có chính sách ưu tiên cho vùng biển, nhất là khuyến khích doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến thủy-hải sản được tiếp cận với nguồn vốn, được hướng dẫn về kỹ thuật, được tiếp cận với thị trường, có kết hợp chặt chẽ giữa cơ sở sản xuất, chế biến, nuôi trồng với ngư dân. Cái này đòi hỏi sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp, thành lập các hiệp hội, các làng nghề. Tuy nhiên, các tổ chức này hoạt động chưa được mạnh, bởi vì chưa có bộ chủ quản, chưa có ngành dọc, nên cần sớm thành lập Bộ Kinh tế biển thì sẽ triển khai các chủ trương, chính sách cũng như điều kiện tổ chức thu hút và việc tổ chức thực hiện. Như thế sẽ có hiệu quả hơn.

PV: Hiện nay, dù rất muốn tiêu dùng các mặt hàng hải sản, nhưng không ít người tiêu dùng đang có tâm lý e ngại về vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm…

Ông Hà Sỹ Đồng: Để giải quyết vấn đề này, trước hết, chúng ta phải có sự quản lý đồng bộ của các cấp, các ngành, cần tuyên truyền rộng rãi để thực hiện tốt hơn công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Cần có sự kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa, sản phẩm một cách chặt chẽ. Cùng với đó, cần nâng cao ý thức của người sản xuất, doanh nghiệp, khuyến khích những sản phẩm chất lượng cao, chẳng hạn có giải thưởng để khuyến khích việc sản xuất các sản phẩm sạch, chất lượng cao, phục vụ tốt nhất cho đời sống và sức khỏe của người dân. Đi liền với đó là xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm.

PV: Liệu Quảng Trị có thể đi tiên phong trong việc sản xuất hải sản sạch cung cấp cho thị trường, như mô hình sản xuất rau sạch mà nhiều nơi hiện đang thực hiện rất thành công?

Ông Hà Sỹ Đồng: Chúng tôi cũng đang hướng cho các cơ sở sản xuất, nuôi trồng, ngư dân phát triển bền vững về mọi mặt, từ kinh tế, xã hội cho đến môi trường. Chúng tôi đang cố gắng tìm những giải pháp ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nâng cấp trang thiết bị để tiến tới có sản phẩm tốt hơn, phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước cũng như quốc tế.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

RELATED ARTICLES

Tin mới