Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc đổi giọng với Philippine

Trung Quốc đổi giọng với Philippine

Trung Quốc ngày 14/7 lên tiếng kêu gọi Philippines từ bỏ vụ kiện tại tòa quốc tế về biển Đông và mời đàm phán trực tiếp để giải quyết tranh chấp.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm qua 14/7 tái khẳng định lập trường phản đối phiên toà quốc tế và cho biết nước này “sẽ không bao giờ chấp nhận những cố gắng đơn phương nhằm dựa vào bên thứ ba để giải quyết tranh chấp”.

Bà Hoa tuyên bố thay bằng việc tranh tụng tại toà Trọng tài thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc ở The Hague (La Haye), Hà Lan thì “Trung Quốc đề nghị Philippines quay lại đúng lộ trình giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại”.

Trước đó, Tòa án quốc tế đã yêu cầu Trung Quốc phải đưa ra phần tranh luận của họ về phiên tranh tụng với Philippines liên quan đến vụ tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông hạn chót vào ngày 17/8 và sau đó sẽ đưa ra phán quyết vào cuối năm nay.

Tòa trọng tài thường trực hoạt động theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) tiến hành phiên tranh tụng kéo dài suốt tuần qua, bắt đầu từ ngày 7/7 và kết thúc vào ngày 13/7.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã cho rằng Tòa trọng tài thường trực không có quyền tài phán và từ chối tham gia phiên phân xử.

Ngoài ra, Trung Quốc đã từ chối tham gia vào vụ kiện và tuyên bố mình không bị ràng buộc bởi các phán quyết do tòa này đưa ra, kể cả khi Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose khẳng định sự vắng mặt của Trung Quốc không ảnh hưởng tới quá trình tố tụng và cho biết: “Chúng tôi lạc quan một cách cẩn trọng và chắc chắn tin rằng toà có thẩm quyền đối với vụ việc”.

Chính phủ Philippines hoan nghênh nỗ lực của Tòa trọng tài thường trực giải quyết đơn kiện của nước này chống lại “đường lưỡi bò” của Trung Quốc một cách công bằng và minh bạch.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói rõ trước tòa: “Vụ kiện trước mặt các quý vị có tầm quan trọng vô cùng lớn đối với Philippines, khu vực và cả thế giới… Trong quan điểm của chúng tôi, vụ kiện này cũng có ý nghĩa lớn lao đối với sự toàn vẹn của Công ước, và đối với cấu trúc trật tự pháp lý của các biển và đại dương”.

RELATED ARTICLES

Tin mới