Sunday, December 22, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTS. Hoàng Anh Tuấn: Một điệu nhảy tango phải có hai người

TS. Hoàng Anh Tuấn: Một điệu nhảy tango phải có hai người

TS. Hoàng Anh Tuấn cho rằng, ngoài việc mang tính biểu tượng khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên thăm Mỹ nhân kỷ niệm 20 năm bình thường hóa thì hiện tại hai nước đã ra tuyên bố chung.

Nhận lời mời của Chính quyền Tổng thống Barack Obama, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ (từ ngày 6 đến ngày 10/7). Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận Mỹ, Việt Nam và quốc tế vì đây là lần đầu tiên một Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức và hội đàm với Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng.

Trong chuyến thăm Mỹ vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thảo luận về nhiều vấn đề như Hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), hợp tác an ninh và biến đổi khí hậu. Tại Mỹ, Tổng Bí thư có nhiều cuộc tiếp xúc với các quan chức nội các Mỹ, thành viên Quốc hội, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ…

   TS. Hoàng Anh Tuấn: Một điệu nhảy tango phải có hai người - Ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp Tổng thống Obama. Ảnh: AP

Câu hỏi đặt ra được rất nhiều người quan tâm trong lúc này là tương lai của mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ thay đổi như thế nào để đáp ứng được mong muốn của các nhà lãnh đạo hai nước và đặc biệt là có thể đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước, làm thế nào để thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ thể hiện trong bản tuyên bố về tầm nhìn chung được công bố ngay chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong chương trình “Đối thoại chính sách” phát sóng trong buổi sáng các ngày 15 -16/7/2015 trên kênh VTV1 với chủ đề chính là “làm thế nào để thúc đẩy mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ” với sự tham gia của nhiều khách mời đã đưa ra những phân tích sâu sắc về chiến lược ngoại giao.

Để cung cấp thông tin đa chiều đến độc giả, báo điện tử Người Đưa Tin xin trích đăng một số ý kiến của Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao.

Đánh giá về thành tựu chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, TS. Hoàng Anh Tuấn cho rằng: Ngoài việc mang tính biểu tượng khi Tổng Bí thư Việt Nam lần đầu tiên thăm Mỹ nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ thì hiện tại hai nước đã ra tuyên bố chung về tầm nhìn. Đây là văn bản chính trị giúp định hướng quan hệ đối tác toàn diện của hai nước.

   TS. Hoàng Anh Tuấn: Một điệu nhảy tango phải có hai người - Ảnh 2

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao

Câu hỏi đặt ra: Lý do gì đưa đến sự thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Hoa Kỳ nhanh như vậy? Theo lý giải của TS. Hoàng Anh Tuấn, ở đây có sự hội tụ lợi ích và triển vọng quan hệ trong tương lai giữa hai nước.

Đối với Việt Nam, Mỹ là một trong số ít các nhân tốt ảnh hưởng quan trọng đối với an ninh, phát triển cũng như môi trường chiến lược.

Với Mỹ, ở góc độ song phương, Mỹ nhìn thấy Việt Nam là nước đang phát triển mạnh về kinh tế và có vị trí, vai trò ảnh trưởng trong khu vực.

Cụ thể, Việt Nam được Washington xem là 1 thành tố quan trọng trongchiến lược xoay trục sang khu vực của Mỹ. Ai cũng thấy rõ, Việt Nam là nhân tố đóng góp hòa bình, ổn định khu vực. Rõ nhất là việc Việt Nam tham gia ASEAN, có ảnh hưởng và vai trò trong việc tạo dựng, thống nhất đoàn kết trong ASEAN.

Cả Việt Nam và Mỹ cùng có mong muốn trong việc xây dựng trật tự thế giới trên cơ sở sử dụng luật pháp thế giới để giải quyết các tranh chấp căng thẳng đang diễn ra hiện nay.

Do vậy, sự hội tụ lợi ích là nhân tố quan trọng nhất trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ vừa qua.

Theo dõi dư luận quốc tế quanh chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các học giả thấy rằng, những vấn đề trước đây được xem là rất gai góc như dân chủ, nhân quyền đã được lãnh đạo đề cập rất khiêm tốn. Kể cảbáo chí và dư luận Mỹ cũng không quá ồn ào như nhiều người nghĩ. Thay vào đó là nhu cầu và triển vọng hợp tác.

Bàn luận về vấn đề này, TS. Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: “Trước đây, khi tôi làm ở Đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ, tất cả các vấn đề vừa nêu như dân chủ, nhân quyền luôn luôn tồn tại trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Đây là một thực tế khách quan. Nhưng cách thức lần này báo chí (Mỹ) không khai thác nhiều do họ thấy cả Việt Nam và Mỹ đã có những mở rộng quan hệ ra bên ngoài. Các vấn đề gai góc, nhạy cảm cũng từ đó dần dần được giải quyết.

Ví dụ như quan hệ giữa Mỹ và các nước Trung Đông cũng có các vấn đề nhân quyền, tôn giáo nhưng điều này không cản trở và thậm chí những nước này và Mỹ đã trở thành quan rất mật thiết với nhau. Chúng ta cũng thế, có những khác biệt nhưng các khác biệt này khi đề cập chỉ chứng tỏ sự trưởng thành của quan hệ chứ không lo ảnh hưởng đến hợp tác bền vững. Chính sự song trùng lợi ích chiến lược đã làm giảm các yếu tố trên”.

Cũng theo TS. Tuấn, khi có khác biệt, cả Mỹ và Việt Nam đều thống nhất chọn đối thoại là cách để xử lý khác biệt tốt nhất chứ không phải lảng tránh. Hai nước tìm các điểm tương đồng hợp tác trong các lĩnh vực khác để thu hẹp được các khác biệt trong tương lai.

Do vậy dư luận trong nước và dư luận bên ngoài đánh giá cao về mối quan hệ, hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ.

Trong những ngày qua, rất nhiều chuyên gia quốc tế đã bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đến chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kì. Trên một tờ báo Mỹ, Giáo Sư Carl Thayer- một chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về Châu Á – Thái Bình Dương đã nhìn nhận rằng:

“Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là mang dấu mốc lịch sử mà còn mang tính thực chất rất cao. Một trong những yếu tố cho thấy điều đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống B.Obama đã cùng nhau tạo dựng một khuôn khổ chung để giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông. Và điều này được nhấn mạnh trong tuyên bố về tầm nhìn chung giữa hai nước”. Từ góc độ nghiên cứu chiến lược, TS. Hoàng Anh Tuấn cho rằng đây thể hiện chiến lược của hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.

   TS. Hoàng Anh Tuấn: Một điệu nhảy tango phải có hai người - Ảnh 3

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry ở Washington, Hoa Kỳ

Người đứng đầu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao chia sẻ: Tuyên bố thể hiện thực tế mà nó đang diễn ra. Các tuyên bố trong vấn đềBiển Đông giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nhiều lần chúng ta thấy các tuyên bố ở cấp cao đều thể hiện vấn đề này.

Bây giờ, vấn đề này đã được làm rõ và sâu sắc hơn. Cấp cao nhất giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thông qua cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống B.Obama, hơn nữa điều này đã thể hiện trong Tuyên bố về tầm nhìn – một văn bản chính trị có thể nói là cam kết cao nhất giữa Việt Nam và Hoa Kỳ từ trước đến nay. Tính chất, mức độ, tầm ảnh hưởng của nó khác hơn so với các cam kết khác.

Để làm được điều này, trước tiên phải thấy hiện nay chúng ta đang ở bước ngoặt quan trọng của tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Và đây là bước ngoặt không chỉ về mặt kinh tế, bước ngoặt tạo đột phá trong phát triển, bước ngoặt tạo đột phá trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, bước ngoặt để chuyển hóa cơ cấu kinh tế, chuyển hóa cơ cấu phát triển của chúng ta.

Việt Nam đã và đang trong quá trình ký, thực hiện rất nhiều các thỏa thuận thương mại tự do quan trọng. Ít nhất là có 6 cái mà chúng ta vừa mới làm, đang làm và sẽ làm như: Hiệp định thuế quan Á – Âu, Hiệp định thương mại tự do với Châu Âu, Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc… Trong đấy, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cái quan trọng nhất. Chúng ta đã tham gia TPP từ đó tạo ra bước ngoặt đột phá lớn trong phát triển.

Nhìn lại việc Việt Nam hội nhập vào khu vực hội nhập vào quốc tế từ lúc chúng ta tham gia ASIAN, từ lúc chúng ta kí hiệp định thương mại song phương với Mỹ, lúc chúng ta vào WTO cả một quá trình đầy những khó khăn nhưng cơ bản đã tạo những cơ hội và đưa vị thế của Việt Nam lên một tầm cao mới.

Bày tỏ sự mong muốn thúc đẩy hiệu quả hơn nữa giữa Việt Nam – Hoa Kỳ sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, TS Hoàng Anh Tuấn cho hay: Như người ta thường nói, một điệu nhảy tango phải có hai người. Đây không chỉ là cam kết, mong muốn của chúng ta mà đối tác cũng mong muốn như vậy.

Hiện nay, trước tiên cái văn bản quan trọng nhất là văn bản thiết lập quan hệ đối tác toàn điện giữa Việt Nam và Mỹ, thứ hai là tuyên bố về tầm nhìn chung trong quan hệ Việt Mỹ.Giữa Mỹ và Việt Nam cần thực hiện tốt, nghiêm chỉnh các cam kết ghi trong hai văn bản thỏa thuận trên.

Về phía chúng ta, cái chúng ta đóng góp tốt nhất là phát triển kinh tế tiếp tục đóng vai trò của chúng ta trong ASEAN và các vấn đề an ninh quốc tế. Nếu vị trí và vai trò của Việt Nam tăng lên thì đối tác mới tiếp tục đầu tư, thúc đẩy quan hệ hai nước.

Phía Mỹ, theo TS. Hoàng Anh Tuấn, ngoài việc xoay trục là chiến lược riêng thì mục tiêu chiến lược của Mỹ phải phù hợp với mục tiêu chiến lược của các nước trong khu vực. Cụ thể, phải giúp các nước trong khu vực đảm bảo an ninh, đáp ứng lợi ích của Việt Nam và các nước trong khu vực.

Thứ hai, sự xoay trục này phải đảm bảo sự thịnh vượng của các nước trong khu vực. Điểm thứ ba là Mỹ phải thúc đẩy giải quyết các tranh chấp giữa các nước trong khu vực trên cơ sở tôn trọng Luật pháp quốc tế.

Đây là điểm quan trọng, cái chúng ta đã thể hiện trên các văn bản. Tuy nhiên phải thực hiện hóa điều này. Đây cũng là điều các nước trong khu vực mong chờ vai trò của Hoa Kỳ với tư cách là một cường quốc trên thế giới can dự không chỉ với Việt Nam, với các nước Đông Nam Á mà với cả các nước liên quan trong việc góp phần mang lại môi trường hòa bình, ổn định.

RELATED ARTICLES

Tin mới