Trong vài ba tháng gần đây, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc xem ra đã có những đổi thay.
Hoạt động ở Biển Đông của Trung Quốc tại một số khu vực đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam xem ra có vẻ bớt hung hăng hơn. Điều này cũng có thể hiểu là Trung Quốc đã cơ bản hoàn tất các công trình tôn tạo xây dựng đảo trái phép và bây giờ họ cứ lẳng lặng làm. Cũng không cần tuyên bố đao to búa lớn làm gì.
Điều thứ hai là trước sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông bằng cách đưa tàu chiến vào tham gia tuần tra ở đây và sự nhích lại giữa Việt Nam – Hoa Kỳ qua chuyến đi của ông Trọng thì Trung Quốc không dại gì mà đẩy Việt Nam ra quá xa, trở thành đối đầu với mình.
Trung Quốc sẽ chẳng được lợi gì khi mà phía Đông Bắc có một nước Nhật Bản đang trỗi dậy về quân sự, còn ở phía Nam thì có một nước Việt Nam mà chưa bao giờ chịu khuất phục trước Trung Quốc. Trung Quốc sẽ chẳng được lợi gì nếu như dồn Việt Nam vào bước đường cùng bởi vì khi đó “Trạng chết Chúa cũng băng hà”. Một khi đã đẩy Việt Nam vào tình trạng “bát gạo cũng phải nấu” thì thảm họa đến với nền kinh tê Trung Quốc còn khủng khiếp hơn đối với Việt Nam.
Chính vì vậy mà Trung Quốc sẽ có những thay đổi về sách lược với Việt Nam mà cách thay đổi khôn ngoan nhất là “lạt mềm buộc chặt”.
Thật ra Trung Quốc sẽ chỉ có lợi nếu như Trung Quốc cư xử với Việt Nam một cách nước lớn nhưng chân thành, và đừng có giở “võ bẩn”.
Người Trung Quốc muốn làm “anh” người Việt Nam cũng đơn giản thôi bởi từ xưa đến nay nước Việt Nam luôn luôn coi Trung Quốc là một nước lớn. Và ngay kể cả khi đánh thắng Trung Quốc trong những cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tàu xưa kia, thì sau khi thắng lợi bao giờ Việt Nam cũng nhún nhường và lại tỏ ra “thuần phục quý quốc”.
Nhưng người Á Đông có câu “Làm anh khó lắm ai ơi’. Muốn làm anh người ta thì phải cư xử cho đàng hoàng, chứ đừng có lợi dụng thế mạnh mà ức hiếp thằng em và rồi còn chành chọe đủ thứ. Một khi mà thằng em đã không tâm phục khẩu phục thằng anh, thì thằng anh chỉ có hại chứ chẳng bao giờ là có lợi cả.
Còn về vấn đề Biển Đông, mặc dù Trung Quốc đã chiếm đảo Việt Nam bất chấp công ước quốc tế, bất chấp Thỏa thuận về Quy tắc ứng xử ở Biển Đông nhưng Trung Quốc cũng đã cảm nhận rằng mình đi hơi quá đà và không khéo “già néo đứt dây”.
Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ đến nay, Trung Quốc đã lừa Việt Nam bằng những mỹ từ: Bốn tốt, Phương châm 16 chữ; nhưng bên cạnh đóthì luôn luôn tìm cách xỉa dao vào lưng Việt Nam.
Và bây giờ thì chắc chắn Việt Nam sẽ cảnh giác cao độ.
Ông Nguyễn Tấn Dũng đã từng phải tuyên bố: “Việt Nam không cần một thứ hòa bình giả tạo”.
Cho nên phải có một nước Việt Nam ổn định, là bè bạn chân thành với Trung Quốc thì điều đó chỉ có lợi cho Trung Quốc mà thôi.
Chính vì vậy, mà sau chuyến đi của Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ, sẽ là chuyến đi sang Việt Nam của ông Tập Cận Bình.
Quan hệ Việt –Trung có thể sẽ “nồng ấm”hơn trong thời gian tới. Và đó cũng là điều mà người dân hai nước mong muốn.