Saturday, December 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiVụ Giang Kim Đạt có rất nhiều câu hỏi

Vụ Giang Kim Đạt có rất nhiều câu hỏi

Ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) thừa nhận, cơ chế kê khai tài sản còn nhiều lỗ hổng.

Giang Kim Đạt tham nhũng 18,6 triệu đô

Theo Cục trưởng Cục chống tham nhũng, vụ việc của Giang Kim Đạt (nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TNHH MTV vận tải Viễn Dương Vinashin, thuộc Tập đoàn Vinashin) vừa bị bắt với cáo buộc chiếm đoạt gần 19 triệu USD và chuyển rất nhiều tiền tham ô, tham nhũng ra nước ngoài đặt ra nhiều câu hỏi cho cả cơ quan quản lý cũng như dư luận trong nước.

Ông Phạm Trọng Đạt thẳng thắn thừa nhận, kê khai tài sản hiện nay có cơ chế nhưng thiếu chế tài. Chưa nói tới khối tài sản lớn bất thường của Giang Kim Đạt, ngay cả việc Đạt có thể mang tiền ra nước ngoài mua nhà, mua bất động sản một cách dễ dàng là không thể chấp nhận được. Vì sao Đạt có thể làm được như vậy, Cục trưởng Cục chống tham nhũng chỉ thẳng là do: “lỗ hổng pháp lý cùng với việc thực thi pháp luật không nghiêm chính là kẽ hở tạo tham nhũng”.

Cơ chế kê khai tài sản hiện phụ thuộc chủ yếu vào tính tự giác, tự kê, tự khai, tự chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân, lãnh đạo trong khi việc chứng minh nguồn gốc tài sản lại thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Cơ chế này không còn phù hợp nữa. Theo ông Đạt nếu kê khai tài sản nếu chỉ dựa vào tính tự giác là hoàn toàn không khả thi. Đã có rất nhiều trường hợp cán bộ, lãnh đạo không kê khai hoặc kê khai không trung thực nhằm đối phó của những quan chức có hành vi tham nhũng.

Trên thực tế không quan chức, lãnh đạo nào lại đứng tên những khối tài sản khổng lồ. Hầu hết tài sản tham nhũng bị phát hiện đều đứng tên người khác là bố mẹ, vợ hoặc chồng, anh chị em thậm chí cả bồ nhí. Đây là bất cập lớn.

Ở nước ngoài, việc giám sát kê khai tài sản được thực hiện rất chặt chẽ, công khai, minh bạch. Với tài sản lớn bất thường mà không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp đều bị thu hồi, xung công quỹ. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa làm được như vậy.

Cục trưởng Cục chống tham nhũng khẳng định, chắc chắn tài sản tham nhũng dù ở nước nào, cơ chế pháp lý ra sao cũng phải thu hồi. Ông cho biết, Việt Nam đang làm việc với cơ quan phòng chống tham nhũng Singapore để thống nhất hiệp ước kê khai tài sản giữa hai nước.

“Tài sản của Giang Kim Đạt bằng mọi giá phải thu hồi được. Tài sản tham nhũng, không được làm bằng mồ hôi, nước mắt, xương máu của mình thì phải thu hồi”, ông cho biết.

Nhưng về lâu dài, để bịt kín mọi kẽ hở nhằm đẩy lùi tình trạng tham nhũng ông Đạt cho biết sẽ phải sửa luật một cách toàn diện, thực tế hơn.

Theo quy định trước đây, những tài sản tham nhũng chỉ được xử lý khi vụ việc được khởi tố, đưa ra tòa, nhưng trong lần sửa đổi tới đây sẽ quy định việc kê khai tài sản là thuộc trách nhiệm bắt buộc của mỗi cá nhân, cán bộ, lãnh đạo.

“Không thể có chuyện tài sản mình có mà lại không biết nguồn gốc từ đâu. Không thể bắt cơ quan nhà nước đi chứng minh nguồn gốc tài sản của mỗi cá nhân lãnh đạo. Hơn nữa, việc kê khai không chỉ đối với cá nhân, quan chức, lãnh đạo mà với cả người thân thích, ruột thịt cũng bắt buộc phải kê khai”, ông Đạt nói. 

Liên quan tới vụ việc, ông Trần Quốc Thuận – Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng bày tỏ những bức xúc. Ông cho rằng, có rất nhiều câu hỏi sau vụ việc này.

Phải nhìn nhận rằng, trường hợp Giang Kim Đạt chỉ là một góc khuất rất nhỏ. Đối với một doanh nghiệp nhà nước, ngay từ khâu xây dựng ý tưởng tới phê duyệt kế hoạch mua bán… tiền ngân sách dù chi ra một đồng cũng phải thông qua nhiều cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: Làm sao Đạt có thể thực hiện trót lọt một hành vi tham nhũng tới 18,6 triệu đô (tương đương gần 400 tỷ VNĐ)? Tài sản thất thoát còn lớn tới mức nào? Đây là vấn đề sẽ cần được làm rõ, để dư luận chắc chắn chắc chắn không còn những Giang Kim Đạt khác nữa.  

TS Lê Hồng Sơn – nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) cũng cho rằng, đây cũng là dịp phải rà lại việc kê khai tài sản của những đối tượng thuộc diện kê khai đã được thực hiện nghiêm túc chưa?. Đầy đủ chưa?

Trường hợp này lại càng là căn cứ xác đáng để chứng minh rằng một cán bộ có chức có quyền, có khả năng tiếp cận tiền, tài sản để thực hiện hành vi tham nhũng, nếu chỉ kê khai tài sản của cá nhân người đó thì không thể chấp nhận được. 

RELATED ARTICLES

Tin mới