Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐừng để Trung Quốc thu tô ở Biển Đông

Đừng để Trung Quốc thu tô ở Biển Đông

Cách duy nhất để bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông là các bên yêu sách khác tìm kiếm công lý thông qua các thiết chế tài phán quốc tế…

Tham dự Hội thảo quốc tế “Xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại của khu vực” do Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh và Hội Luật gia Việt Nam đồng tổ chức ngày 26/7 tại Hội trường Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh, Đô đốc Anup Singh, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Miền Đông của Hải quân Ấn Độ đã có bài tham luận quan trọng.

Ông khẳng định hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông kể từ năm 2014 là đáng báo động. Việc đòi hỏi các vùng biển xung quanh những đảo nhân tạo mà họ vừa bồi lấp là bất hợp pháp và hầu hết các đảo nhân tạo này được Trung Quốc thiết kế làm căn cứ quân sự.

Hoạt động của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam – PV) đã dẫn đến hiện tượng “quân sự hóa” một khu vực vốn đã sôi sục căng thẳng. Hoạt động hàng hải, hàng không quốc tế ở Biển Đông nơi giá trị thương mại toàn cầu vận chuyển qua đây lên tới 5,3 tỉ USD mỗi năm, 11 triệu thùng dầu mỗi ngày và 6 triệu khối khí đốt mỗi năm có thể bị ảnh hưởng.

Bất kỳ hành động nào của Trung Quốc dẫn đến một cuộc khủng hoảng ở Biển Đông sẽ gây ra tác động kinh tế to lớn với toàn thế giới. Giá bảo hiểm vận tải và lương cho thủy thủ sẽ gia tăng. Nếu Bắc Kinh đơn phương áp đặt vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông như đã làm ở Hoa Đông sẽ dẫn đến những áp lực cho các phương tiện hàng không thương mại, quna sự bay qua đây.

Trong bối cảnh này, cách duy nhất để bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông là các bên yêu sách khác tìm kiếm công lý thông qua các thiết chế tài phán quốc tế, trong khi tiếp tục tìm kiếm sự phục hồi cân bằng quyền lực ở Tây Thái Bình Dương, Đô đốc Anup Singh bình luận.

Thủ đoạn hiện thực hóa đường lưỡi bò (bất hợp pháp) và các căn cứ pháp lý quốc tế bác bỏ

Khu vực đã bắt đầu rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi Trung Quốc chính thức tuyên bố đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò yêu sách gần như 90% của 3,5 triệu km vuông diện tích Biển Đông. Đường lưỡi bò không chỉ đè lên vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng, mà còn tìm cách gặm luôn cả yêu sách của các quốc gia này, trong đó bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), bãi cạn Scarborough và các thực thể khác ở Biển Đông.

Thủ đoạn đầu tiên Trung Quốc hiện thực hóa đường lưỡi bò (bất hợp pháp) ban đầu là tấn công các tàu thăm dò của Việt Nam và Philippines ngay trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của hai nước. Trung Quốc kéo giàn khoan 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam năm ngoái là một ví dụ điển hình.

Lực lượng chức năng Việt Nam kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam bị tàu vỏ trắng Trung Quốc ngăn cản.

Cái cớ Trung Quốc đưa ra ngụy biện cho động thái này là khu vực hạ đặt giàn khoan 981 nằm trong “vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của (cái gọi là) quần đảo Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp sau khi xâm lược năm 1956, 1974) do họ tự tuyên bố.

Đô đốc Anup Singh khẳng định, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) chỉ cho phép một quốc gia có quyền tài phán đối với 200 hải lý tính từ đất liền cho các mục đích thăm dò như trên. 

Trung Quốc đã ký UNCLOS năm 1982 và phê chuẩn năm 1996, do đó không có căn cứ pháp lý nào để thăm dò ngoài vùng đặc quyền kinh tế của họ. Thủ đoạn thứ hai là những gì Trung Quốc đã và đang làm (bất hợp pháp) ở Trường Sa – bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa đảo nhân tạo. Và chắc chắn không có quy định nào cho phép Trung Quốc bồi đắp, xây dựng ngoài phạm vi khu vực này.

Công ước Geneva năm 1958 về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp lãnh hải đã quy định: “Đảo là vùng đất hình thành tự nhiên, bao bọc bởi nước và nằm cao hơn nước khi thủy triều lên”. Điều 121 UNCLOS giữ nguyên định nghĩa trên về đảo.

Tuy nhiên UNCLOS đã có sự phân biệt rõ ràng giữa đảo và đá, đặc biệt là hiệu lực pháp lý của hai loại thực thể này. Trong đó các bãi đá ở đó con người không thể duy trì sự sống hay đời sống kinh tế riêng sẽ không được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, thềm lục địa và thềm lục địa mở rộng.

Mặt khác, UNCLOS không có bất kỳ quy định nào về việc xác định quyền chiếm hữu hoặc chủ quyền đối với lãnh thổ. Yêu sách của Trung Quốc là mơ hồ, khó hiểu nhất và không thể biện hộ.

Về khả năng áp dụng các vùng biển đối với các cấu tạo trên biển, Phần III UNCLOS có những nội dung đáng lưu ý:

– Các đảo nhân tạo không được hưởng bất kỳ vùng biển nào, ngoại trừ khu vực an toàn bán kính 500 mét.

– Các bãi đá, rặng san hô nửa nổi nửa chìm không được hưởng bất kỳ vùng biển nào mà chỉ có thể được sử dụng như một điểm cơ sở trong việc đo đạc lãnh hải.

– Đá chỉ được hưởng lãnh hải 12 hải lý.

– Đảo được hưởng lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa 200 – 350 hải lý.

– Theo Điều 121 UNCLOS, sự khác biệt giữa đảo và đá là, đảo có khả năng duy trì sự sống của con người hay đời sống kinh tế riêng, đá thì không.

Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc diễn tập giễu võ giương oai ở Biển Đông.

Trung Quốc đang kích động chạy đua vũ trang

Trước khi công bố chính thức đường lưỡi bò năm 2009, Trung Quốc đã thúc đẩy phát triển lực lượng quân sự của mình, đặc biệt là hải quân. Ngoài ra khu vực cũng thường xuyên chứng kiến các cuộc tập trận hải quân Trung Quốc trên Biển Đông mang tính công kích, độc đoán, nếu không muốn nói là khiêu khích.

Máy bay giám sát P8-A của hải quân Hoa Kỳ khi quan sát hoạt động bồi lấp, xây dựng Trung Quốc tiến hành (bất hợp pháp) trên 7 bãi đá ở Trường Sa đã phát hiện các cơ sở hạ tầng, thiết bị phục vụ cho mục đích quân sự. Điều này hoàn toàn chắc chắn. Do đó tuyên bố của Trung Quốc rằng các đảo nhân tạo được xây dựng vì mục đích nghiên cứu biển, thủy văn, hỗ trợ nhân đạo hay cứu nạn đã được chứng minh là không đúng sự thật.

Đáng chú ý là chiếc P8-A chở các phóng viên CNN khi thị sát các đảo nhân tạo này đã ít nhất 8 lần bởi trạm quân sự mặt đất của hải quân Trung Quốc đặt (phi pháp) trên các đảo nhân tạo và yêu cầu máy bay Mỹ ra khỏi cái gọi là “vùng cảnh báo quân sự”. Không có gì nghi ngờ, tất cả hoạt động của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo đều có chủ đích, chủ yếu là mục đích quân sự.

Hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, Trường Sa đã có những tác động bất lợi, gây ra cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, làm tăng chi tiêu quốc phòng của các nước. Hệ quả của điều này có thể thấy rõ là sự cạnh tranh để có khả năng sẵn sàng chiến đấu tốt hơn có thể đẫn đến đối đầu.

Hậu quả của hoạt động xây dựng, bồi lấp, quân sự hóa đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành (bất hợp pháp) sẽ gây rối loạn cân bằng mọi mặt trong khu vực, từ hòa bình, an ninh đến kinh tế, tự do hàng hải, hàng không, gia tăng rủi ro phát triển bền vững. Thế giới cần nhận thức được tình hình hiện nay và có giải pháp ngăn chặn.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới