Vấn nạn “lâm tặc” chia rẽ quan hệ Trung Quốc-Myanmar, với việc Bắc Kinh phản đối chính quyền Myanmar bỏ tù 153 công dân Trung Quốc khai thác gỗ trái phép.
Vấn nạn “lâm tặc” khiến cho Myanmar mất nhiều tỷ USD.
Hôm 22/7, một tòa án ở Myanmar phạt tù chung thân 151 công dân Trung Quốc về tội khai thác gỗ bất hợp pháp tại bang Kachin. Hai trẻ vị thành niên trong số 153 công dân Trung Quốc nói trên bị kết án 10 năm tù. Vấn nạn lâm tặc đang khiến cho quan hệ Trung Quốc-Myanmar vốn đã căng thẳng trở nên xấu thêm.
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng phản đối. Phát ngôn viên Lục Khảng cho biết kể từ khi các công dân Trung Quốc bị bắt giữ ở Myanmar hồi đầu năm nay, Trung Quốc đã “gửi nhiều công hàm với cấp độ khác nhau và thông qua các kênh khác nhau” liên quan đến vụ việc này.
Bắc Kinh cũng đã cử quan chức ngoại giao đến bang Kachin trong tháng 1/2015 để điều tra vụ bắt giữ hơn 100 công dân Trung Quốc khai thác gỗ bất hợp pháp. Số “lâm tặc” Trung Quốc này đã bị quân đội Myanmar bắt giữ hồi đầu tháng 1/2015, cùng với một số công dân Myanmar.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng, Bắc Kinh muốn Myanmar “xem xét hoàn cảnh cụ thể” của các công dân Trung Quốc bị bắt giữ. Đại sứ quán Trung Quốc ở Myanmar cho rằng những người này đã bị lừa tham gia các hoạt động khai thác gỗ bất hợp pháp ở Myanmar.
Ông Lục Khảng nói thêm rằng Myanmar nên “xử lý vụ việc này một cách hợp pháp, có tình có lý” và trao trả những công dân Trung Quốc nói trên “càng sớm càng tốt”.
Án tù chung thân dành cho “lâm tặc” Trung Quốc khiến cho yêu cầu trao trả đám người này “càng sớm càng tốt” khó trở thành hiện thực. Phát ngôn viên Lục Khảng cho biết Trung Quốc “rất quan tâm” đến phán quyết nói trên của tòa án Myanmar và đã gửi công hàm khiếu nại. Ông này yêu cầu phía Myanmar “ nghiêm túc xem xét” khiếu nại của phía Trung Quốc
Chính quyền Myanmar đang phải cân bằng áp lực từ Bắc Kinh với làn sóng biểu tình cáo buộc chính quyền quá nhu nhược trước Trung Quốc. Kể từ xã hội dân sự Myanmar bắt đầu mở cửa, những người biểu tình đã công khai phản đối một số dự án của Trung Quốc ở Myanmar, trong đó có dự án khai thác đồng ở Letpadaung và dự án đập thủy điện Myitsone gây tranh cãi trên sông Irrawaddy.
Đồng thời, người dân Trung Quốc cũng đang hối thúc chính phủ ở Bắc Kinh có lập trường cứng rắn hơn đối với Myanmar, sau vụ máy bay Myanmar “ném bom nhầm” vào tỉnh Vân Nam, giết chết bốn công dân Trung Quốc hồi tháng 3/2015.
Myanmar hiện đang đối mặt với vấn đề nghiêm trọng là khai thác gỗ bất hợp pháp. Báo The Irrawaddy trích dẫn báo cáo hồi tháng 3/2014 của Cơ quan Điều tra Môi trường Myanmar (EIA) ước tính xuất khẩu gỗ bất hợp pháp từ Myanmar trong khoảng thời gian 2000-2013 trị giá khoảng 5,7 tỷ USD và Trung Quốc đã nhập khẩu một nửa số gỗ khai thác bất hợp pháp này.
Trong một báo cáo khác, EIA đã cảnh báo rằng loài gỗ hồng ở Myanmar có thể bị tuyệt chủng do quy mô khai thác gỗ bất hợp pháp được các tầng lớp giàu có ở Trung Quốc khuyến khích. Đám trọc phú mới này muốn có đồ gỗ nội thất theo phong cách của các triều đại Minh và Thanh trước đây.
“Lâm tặc” đang tàn phá nghiêm trọng môi trường ở Myanmar. Ngoài việc mất hàng tỷ USD doanh thu, khai thác gỗ bất hợp pháp quy mô lớn “đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với các cộng đồng sinh sống nhờ rừng”.
Một vấn đề khiến Chính phủ Myanmar đau đầu là số tiền buôn bán gỗ lậu lại chui vào túi các nhóm phiến quân chống chính phủ ở bang Kachin. Chính quyền Myanmar tố cáo nhóm phiến quân “Quân đội Kachin độc lập” thông đồng với các đối tác Trung Quốc tiến hành hoạt động khai thác gỗ bất hợp pháp. Khai thác gỗ bất hợp pháp không chỉ khiến cho chính phủ Myanmar mất hàng tỷ USD, mà còn mang lại cho các nhóm nổi dậy nguồn thu quan trọng để mua vũ khí. Với các cuộc nổi dậy bạo lực gần đây ở bang Kachin, chính quyền Myanmar càng có lý do để trấn áp hoạt động khai thác gỗ bất hợp pháp.
Tòa án Myanmar đã quyết định khung hình phạt tối đa đối với đám “lâm tặc” kể trên để gửi một thông điệp mạnh mẽ đến những kẻ khai thác gỗ bất hợp pháp khác.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc thắt chặt pháp luật trong nước để ngăn chặn làn sóng nhập khẩu gỗ trái phép.
Theo nhà phân tích Alison Hoare của tổ chức Chatham House, Trung Quốc đã trở thành một động lực thúc đẩy tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp trên thế giới. Nhập khẩu gỗ công nghiệp của Trung Quốc tăng gấp ba lần trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2013. Sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến cho chính sách chống nạn phá rừng và khai thác gỗ bất hợp pháp ở Mỹ và Liên minh Châu Âu ít có tác dụng trên thị trường thế giới.
Nhà phân tích Alison Hoare nhận định: “Vấn đề nghiêm trọng là Trung Quốc không có luật cấm nhập khẩu các sản phẩm gỗ bất hợp pháp và không có kế hoạch hành động quốc gia chống lại vấn nạn này”.