Việt Nam thừa hiểu ý đồ Trung Quốc không chỉ qua cuộc tập trận này.
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền với khoảng 90% Biển Đông và đang thực thi tuyên bố bằng cách xây dựng trái phép một chuỗi đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm chiếm giữ trái phép của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và nhiều nước trong khu vực.
Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đã đụng đến lợi ích an ninh hàng hải quốc tế nên Mỹ, Nhật Bản…đã phải thay đổi “tư thế quân sự”, thách thức tuyên bố chủ quyền trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông bằng việc điều lực lượng máy bay, tàu chiến tiến hành tuần tra giám sát “an toàn, an ninh hàng hải” trên Biển Đông khiến sự đối đầu Trung Quốc và Mỹ trở nên căng thẳng.
Sau khi căng thẳng dịu xuống bằng tuyên bố “ngừng bồi lấp” của Trung Quốc thì cũng là lúc Tổng bí thư Đảng CSVN có chuyến thăm lịch sử Hoa Kỳ theo lời mời của chính quyền Mỹ bởi Tổng thống Obama. Việt Nam-Hoa Kỳ thực sự “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”.
Điều đặc biệt sau chuyến thăm Mỹ của lãnh đạo cao nhất Việt Nam là Nhật Bản đã thông qua Dự luật an ninh mới mà theo đó cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản có thể tác chiến bất kỳ đâu, với ai nếu kẻ đó tấn công, đe dọa an ninh Nhật Bản, đồng minh, bạn bè của Nhật Bản, đồng thời công bố Sách trắng quốc phòng năm 2015 cho rằng “môi trường an ninh xung quanh xấu đi” mà nguyên nhân, dù không chỉ đích danh nhưng ai cũng hiểu không ai ngoài Trung Quốc.
Việc tuyên bố của Nhật Bản sẵn sàng tham gia tuần tra trên Biển Đông với Mỹ và chuyến tuần tra, thị sát của vị Tư lệnh Hạm đội TBD Mỹ suốt 7 giờ trên Biển Đông đã khiến Trung Quốc cay cú, phản đối quyết liệt.
Trên đây là bối cảnh gần nhất trước khi Trung Quốc tuyên bố tập trận trên Biển Đông bắn đạn thật 10 ngày tại khu vực TN đảo Hải Nam và ĐB quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bắt đầu từ ngày 22/7.
Cuộc tập trận lần này của Trung Quốc với nội dung là đổ bộ đánh chiếm đảo với rất nhiều vũ khí trang bị hiện đại theo phương thức “3 chiều lập thể”, là phương thức độ bộ đánh chiếm hiện đại nhất hiện nay.
Với phương tiện, và mục tiêu giả định của cuộc tập trận như đã biết thì rõ ràng thông điệp của cuộc tập trận không phải là dành cho Mỹ, Nhật Bản hay ai đó có thể tham gia “tuần tra” với Mỹ trên Biển Đông thách thức chủ quyền phi lý, phi pháp của Trung Quốc. Bởi vì để đương đầu, đối phó với cuộc tập trận rải thảm của 2 chiếc máy bay B-52 Mỹ xuất phát từ Úc thì lực lượng phòng không Trung Quốc chưa có kinh nghiệm, còn để đánh đuổi hạm đội 7 Mỹ, chưa kể Hải quân Nhật Bản tham chiến, ra khỏi vùng “chủ quyền Biển Đông” như đã tham lam tuyên bố, thì không dám.
Cho nên, cuộc tập trận là chỉ để diễu võ dương trước các nước đang có tranh chấp chủ quyền biển với Trung Quốc và “nâng cao kỹ chiến thuật” để khi có thời cơ là ra tay đánh chiếm.
Có thể thấy, cuộc tập trận này có 2 mục tiêu rõ ràng.
Thứ nhất là dọa nạt các nước nhỏ đang bị Trung Quốc chiếm biển, đảo trái phép. Kiểu hăm dọa này Việt Nam đã quen và không bao giờ ngăn cản được con đường Việt Nam đã chọn, sẽ đi. Dân tộc Việt Nam thừa hiểu Trung Quốc muốn gì đâu phải chỉ qua cuộc tập trận này.
Thứ hai, sau khi kết thúc cuộc tập trận là Trung Quốc tiến hành bàn bạc, thảo luận với ASEAN về COC vào ngày 29/7 tại Thiên Tân-Trung Quốc.
Trong hoạt động quân sự bảo vệ chủ quyền của Việt Nam không có từ “sợ”. Tập trận, kiểu “ngoại giao pháo hạm” đã lỗi thời.