Tuesday, November 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTrung Quốc lợi gì khi thắt chặt quan hệ quốc phòng với...

Trung Quốc lợi gì khi thắt chặt quan hệ quốc phòng với Campuchia

Trung Quốc tăng cường tranh thủ sự ủng hộ của Campuchia để củng cố vị thế ở Đông Nam Á, và đối trọng với sức ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2011. Ảnh: Xinhua

Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh hồi đầu tháng thực hiện một chuyến công du đến Trung Quốc. Phát ngôn viên quân đội Campuchia cho biết đây chỉ là một chuyến thăm thường niên. Bộ trưởng Tea Banh cũng nói rằng chuyến thăm này “không lớn”. Về phía Trung Quốc, truyền thông đưa tin rất ít về chương trình nghị sự, ngoại trừ việc cuộc gặp được thiết kế để “tăng cường hơn nữa quan hệ và hợp tác song phương”, khi ông Tea Banh gặp các lãnh đạo quân sự và thăm một số cơ quan chủ chốt của Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng sự kiện này mang tầm vóc khá lớn. Phái đoàn do ông Banh dẫn đầu có 23 thành viên, gồm các chỉ huy của ba nhánh lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia là lục quân, hải quân và không quân, và cả chỉ huy quân cảnh Campuchia. 

Trong một cuộc phỏng vấn với VOA, ông Tea Banh cho biết chuyến thăm đã thành công trong việc tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước. Ông so sánh mối quan hệ này còn gần gũi hơn quan hệ quân sự giữa Campuchia với Mỹ.

Trung Quốc là nguồn hỗ trợ lớn nhất cho lực lượng vũ trang của Campuchia. Tháng 5/ 2012, Campuchia và Trung Quốc ký một thỏa thuận hợp tác quân sự, trong đó Trung Quốc đồng ý cung cấp 17 triệu USD cho Campuchia để xây dựng bệnh viện, trường huấn luyện quân sự cho lực lượng vũ trang Campuchia, và cam kết sẽ tiếp tục đào tạo nhân viên quân sự tại Campuchia. Bộ trưởng Tea Banh gọi việc này là “đóng góp tuyệt vời để nâng cao năng lực của quân đội Campuchia”. 

Năm 2012, Campuchia, nước chủ nhà của hội nghị ASEAN tuyên bố rằng các nước đã đạt được sự nhất trí không “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông, tương tự như lập trường của Trung Quốc là việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông chỉ nên diễn ra giữa các bên đòi chủ quyền. Tuy nhiên, Philippines bác bỏ điều đó. Điều này khiến ASEAN không thể đạt được đồng thuận và lần đầu tiên không đưa ra được tuyên bố chung trong 45 năm.

Năm 2013, Bắc Kinh cấp cho Phnom Penh khoản vay 195 triệu USD để mua 12 máy bay trực thăng quân đội Z-9 của Trung Quốc. Trung Quốc hồi tháng 5 cam kết cung cấp xe tải quân sự, phụ tùng, thiết bị và hóa chất cho Campuchia.

Mỹ tuy đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và thúc đẩy hòa bình và ổn định ở châu Á, vẫn tồn tại khoảng cách và nghi kỵ trong quan hệ Mỹ – Campuchia. Washington năm 2010 hủy việc chuyển giao 200 xe quân sự cho Phnom Penh, sau khi Campuchia trục xuất một nhóm người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc cuối năm 2009. Campuchia năm 2013 đình chỉ một số hợp tác quân sự với Mỹ, sau một vài bình luận của các nhà lập pháp Mỹ về việc bầu cử của Campuchia.

Washington năm 2014 cung cấp hỗ trợ và đào tạo một triệu USD cho Phnom Penh, 12 nhân viên quân sự Campuchia được đào tạo tại Mỹ về nhân quyền và “nâng cao năng lực hàng hải”. Trong khi đó, Trung Quốc đã đi trước Mỹ trong việc gia tăng tầm ảnh hưởng ở Campuchia. Gần một nửa số học viên quân sự của Campuchia đã được huấn luyện tại viện quân sự do Trung Quốc tài trợ.

Cạnh tranh ảnh hưởng

Chheang Vannarith, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Leeds, Anh, cho rằng Trung Quốc cần Campuchia là một đối tác trong Đông Nam Á, khu vực ngày càng có nhiều sự cạnh tranh.

“Khu vực này đang đầy cạnh tranh phức tạp” giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Trung Quốc với Mỹ, ông nói. “Trung Quốc tranh thủ sự ủng hộ của Campuchia ở Đông Dương và khu vực sông Mekong để củng cố tầm ảnh hưởng của họ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Paul Chambers, giáo sư tại Đại học Chiang Mai, Thái Lan, gọi Trung Quốc là “một cường quốc đang lên”, sử dụng Campuchia để gây ảnh hưởng trong khối ASEAN, trong bối cảnh có “một cuộc chiến tranh lạnh đang phát triển” giữa Bắc Kinh và Washington.

“Tôi tin rằng Thủ tướng Hun Sen đã và đang thể hiện mình là một người có thể cân bằng rất tốt giữa các đồng minh”, ông nói. “Ông Hun Sen sẽ ngày càng chào đón sự hỗ trợ của Trung Quốc trong lĩnh vực quốc phòng”.

Hugh White, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia ở Canberra, nói rằng hợp tác quân sự ngày càng tăng giữa Campuchia và Trung Quốc có thể nhằm đối trọng với sức ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Mỹ hồi tháng 6 công bố dự kiến chi gần nửa tỷ USD cho Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á, hỗ trợ các quốc gia đối tác phát triển năng lực trên biển, trong đó có các quốc gia đảo và ven biển. 

Ông White cho rằng việc Trung Quốc sẵn sàng gần gũi hơn với Campuchia là một phần trong quá trình đối trọng với sức ảnh hưởng này của Mỹ. “Tuy nhiên, tôi cho rằng việc này ít có khả năng tiến xa đến mức có thể cơ bản biến đổi tình hình hoặc lĩnh vực quốc phòng của Campuchia”, White nói.

Trong khi đó, thư ký của thứ trưởng ngoại giao Campuchia, Chem Vidhya nois, nói rằng quan hệ thân thiết giữa Phnom Penh và Bắc Kinh sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ của nước này với các cường quốc khác trong khu vực.

“Chúng tôi muốn có quan hệ tốt nhất với tất cả các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh, và nền kinh tế của chúng tôi mở cửa với tất cả các nước”, Vidhya nói.

Các nhà phân tích nhận định rằng Trung Quốc sẽ được lợi nhiều hơn Campuchia trong việc tăng cường quan hệ quốc phòng song phương. Cây bút Veasna Var của The Diplomat cho rằng Campuchia đang chơi một trò chơi mạo hiểm hơn so với Trung Quốc. “Một khi chúng ta dựa vào Trung Quốc quá nhiều, thì chúng ta sẽ mất đi thứ gọi là sự tự quyết trong chính sách đối ngoại”, ông nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới