Thursday, January 9, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiXu hướng mua ôtô 'ngược đời' ở Việt Nam

Xu hướng mua ôtô ‘ngược đời’ ở Việt Nam

Tâm lý coi ôtô là tài sản, mong muốn giá trị bán lại cao khiến khách hàng Việt luôn ưu tiên chọn phiên bản đắt nhất ở mỗi dòng xe.

EcoSport-3-2525-1416336681-3991-14381308

Ford EcoSport.

“Thị trường Việt Nam rất khó đoán định”, một vị chuyên gia chiến lược trong ngành ôtô xe máy từng nhận định. Ở một số khía cạnh, có những kết quả khiến ngay cả các hãng xe cũng không ngờ tới. Vài năm gần đây, người Việt có nhiều lựa chọn hơn khi mua xe, và phiên bản đắt thường được ưu tiên, chứ không phải những bản giá rẻ. 

Kết thúc nửa đầu 2015, Toyota vẫn là hãng có nhiều xe con bán chạy nhất với 4 đại diện trong top 10. Trong đó, những xe phục vụ nhiều mục đích cá nhân và gia đình nhỏ, như Toyota Vios, Altis phiên bản bán chạy là phiên bản đắt, trong khi phiên bản rẻ kén khách, doanh số rất thấp.

Cụ thể, không kể taxi, Vios có 3 phiên bản là G, E và J. Trong đó bản J thấp nhất giá 548 triệu chỉ bán được 261 xe nửa đầu 2015, trong khi bản G cao nhất giá 624 triệu lại bán tới 3.019 xe, bản E ở giữa giá 572 triệu cũng bán tới 2.509 xe, cao gấp 10-11 lần so với bản J. 

Tương tự Vios, đàn anh Altis bán rất tốt ở bản 1.8 AT với 2.518 xe đến tay khách hàng, giá 815 triệu, ngược lại bản 1.8 MT lại chỉ bán 334 xe, giá 764 triệu. Riêng bản cao nhất 2.0AT cũng bán kém với chỉ 428 xe, bởi giá tiền 954 triệu đã tiệm cận sang Camry 2.0E.

Nguyên nhân dẫn tới sự phân hóa rõ rệt, có vẻ đi ngược lý thuyết tài chính nằm ở tâm lý coi ôtô là tài sản và chuộng xe hơi số tự động. Theo các đại lý, phần đông khách hàng phổ thông vẫn coi ôtô là tài sản lớn, nên mong muốn xe giữ giá khi bán lại, tìm kiếm khoản tiền để đổi xe mới hoặc đầu tư việc khác. 

Bên cạnh đó, càng mua xe ở phân khúc cao hơn, người ta càng có tâm lý muốn thể hiện tâm lý cá nhân, sự thành công trong cuộc sống cũng như địa vị xã hội. Bởi lẽ, đi xe nào, giá tiền bao nhiêu vẫn là một thước đo lớn cho vị thế của mỗi người. Vì thế, khách hàng thường chọn phiên bản cao, bởi giá trị vô hình bên cạnh sự vượt trội về trang bị, động cơ. 

Toyota Camry thể hiện sự phân hóa rõ rệt trong cách tiêu tiền của khách hàng Việt. Khoảng cách 281 triệu giữa bản 2.0E và 2.5Q khiến 2.5G ở giữa không phải lựa chọn hàng đầu. Người dư tiền mua hẳn 2.5Q, người muốn dành tiền cho việc khác chỉ chọn 2.0E. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến ở lần nâng cấp giữa thế hệ này, Toyota chú trọng vào phiên bản 2.0E.

Lựa chọn hộp số cũng là một nguyên nhân nữa. Trong khi bản thấp cấp thường tích hợp số sàn, thì bản cao lại là số tự động. Sự gia tăng của khách hàng nữ, đồng thời phần lớn người tiêu dùng di chuyển trong các thành phố lớn, muốn lựa chọn sự thảnh thơi nên số tự động trở thành ưu tiên hàng đầu, dù giá đắt hơn.

Minh chứng rõ rệt là chiếc SUV cỡ nhỏ một mình một ngựa Ford EcoSport. Hai phiên bản 1.5AT và 1.5MT phân hóa hai cực. Trong khi bản số tự động bán tới 1.512 xe thì bản số sàn vỏn vẹn 114 chiếc, khoảng cách về giá giữa các phiên bản ở mức 50 triệu.

Ngoài ra, khách hàng Việt cũng ưa chuộng những trang bị công nghệ mới, nên phiên bản thấp thường bị ngó lơ, đặc biệt với các hãng xe Hàn. Anh Hữu Khánh, một khách hàng mua Kia K3 cho biết, anh lựa chọn bản 1.6AT dù đắt hơn bản 1.6MT khoảng 70 triệu. Bù lại, anh có thêm lẫy chuyển số trên vô-lăng, hệ thống âm thanh DVD 6 loa, Bluetooth đàm thoại rảnh tay, cửa sổ trời, camera lùi, cảm biến hỗ trợ đỗ xe…

Tuy nhiên, đây không phải xu hướng ở tất cả các dòng xe con tại Việt Nam. Những xe thường được sử dụng nhiều bởi các cơ quan, tổ chức hoặc cho thuê vận tải du lịch như Fortuner hay Innova lại ngược hoàn toàn, phiên bản rẻ nhất là phiên bản bán chạy nhất. Xu hướng này được lý giải bởi vốn đầu tư thấp, đồng thời phiên bản số sàn ở những bản thấp tiết kiệm xăng hơn, giảm chi phí kinh doanh.

RELATED ARTICLES

Tin mới