Monday, December 23, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNếu TPP hoàn tất, Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất

Nếu TPP hoàn tất, Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất

12 nước tham gia đàm phán đang đếm ngược cho thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới: Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi TPP hoàn tất, Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi lớn nhất.

 

 

Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất khi TPP hoàn tất – Ảnh: Reuters

Việt Nam – quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ TPP
Theo CNBC, có 12 quốc gia đang trên bàn đàm phán cuối cùng kéo dài từ ngày 28 đến 31.7 ở Hawaii (Mỹ), giải quyết tất cả vấn đề tồn đọng, dọn đường cho hiệp định thương mại lớn nhất thế giới TPP. Sau 5 năm với nhiều mâu thuẫn quanh bàn đàm phán, triển vọng về thỏa thuận được ký kết lần này đang ở mức cao.
“Người chiến thắng lớn nhất sẽ là Việt Nam khi rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu kéo đến nước này. Nước hưởng lợi thứ hai có thể là Malaysia và tiếp theo, chiến thắng thuộc về Nhật Bản”, Giám đốc điều hành Deborah Elms của Trung tâm thương mại châu Á cho biết.
Viện kinh tế quốc tế Peterson (PIIE) cũng chứng minh đánh giá của Elms trong một báo cáo gần đây. Theo đó, với việc được miễn thuế vào thị trường giày dép và may mặc Mỹ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn so với hiện nay, khi mức thuế nằm trong khoảng 17% đến 32%.
Điều này dự kiến sẽ đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta. Thêm vào đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp chảy vào Việt Nam, quốc gia đang có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong các nước tham gia đàm phán TPP, sẽ tăng lên đáng kể.
PIIE nhấn mạnh rằng Việt Nam sẽ là nước nhìn thấy mức tăng trưởng thu nhập lớn nhất và mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong số 12 nước thành viên TPP, với tỷ lệ tăng lần lượt là 13,6% và 31,7%.
Tại Malaysia, nước này hiện chưa có hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) nào với Mỹ, Canada hay Mexico. Vì vậy, Malaysia cũng là một trong những nước hưởng lợi chính từ thỏa thuận TPP.
Đối với Nhật Bản, việc được mở cửa thị trường dịch vụ là một ưu thế lớn. TPP mở cửa thị trường dịch vụ giữa các quốc gia thành viên trong bối cảnh ngành dịch vụ của Nhật Bản hiện tương đối kém cạnh tranh. Điều này giúp ích rất nhiều cho quốc gia Đông Á. Tác động kết hợp của TTP và thỏa thuận FTA tiềm năng với Liên minh châu Âu còn có thể nâng cao đáng kể tốc độ tăng trưởng dài hạn của Nhật Bản.
Tuy nhiên, CNBC cũng cho biết khi Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất từ TPP, các quốc gia châu Á khác xuất khẩu hàng may mặc có thể sẽ chịu thiệt hại.
Bangladesh, Campuchia, Pakistan và Sri Lanka được cho sẽ là những nước chịu tác động tiêu cực từ việc thương mại và đầu tư chuyển hướng vào ngành công nghiệp dệt may các nước thành viên TPP, đặc biệt là Việt Nam. Ấn Độ cũng sẽ là nước chịu ảnh hưởng tương tự.
Thỏa thuận TPP – Tại sao phải là lúc này?
Nếu TPP hoàn tất, Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất - ảnh 2
Đại diện các nước bên bàn đàm phán TPP – Ảnh: AFP
Các vòng đàm phán trước đây của TPP đã bị trì hoãn nhiều lần bởi các vấn đề mâu thuẫn như trợ cấp nông nghiệp, xuất khẩu sữa… Song giới chuyên gia nhận định, các nhà đàm phán TPP phải đạt được hiệp định này ngay bây giờ, hoặc không bao giờ.
“So với các vòng đàm phán trước, thời hạn này là thời hạn thực sự vì nếu không đạt được, cánh cửa về cơ bản sẽ đóng lại. Nếu không có thỏa thuận nào được ký kết trong cuối tuần này, các quốc gia phải chờ cho đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tiếp theo vào năm 2016. Đến lúc đó, không ai chắc chắn được điều gì sẽ xảy ra”, Deborah Elms nói.
Dù vậy, sẽ luôn có hai chữ “khả thi” dành cho các nhà đàm phán TPP khi hướng đến các thỏa thuận cơ bản ngay bây giờ và tiếp tục giải quyết các vấn đề chi tiết sau đó. 
Diễn tiến gần đây trên thế giới chỉ ra rằng các cuộc đàm phán quốc tế giải quyết vấn đề không bao giờ là đơn giản.
Hy Lạp và các chủ nợ châu Âu phải mất đến 6 tháng trước khi đồng thuận về gói cứu trợ tài chính cho Athens, giữa lúc nước này tuyệt vọng về tài chính. Trong khi đó, Iran và nhóm các nước P5+1 – gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức – chật vật với 18 tháng đàm phán trước khi họ đồng ý trên cơ bản hồi đầu tháng này.
Các nước tham gia TPP bao gồm Việt Nam, Nhật Bản, Brunei, Malaysia, Singapore, Úc, New Zealand, Canada, Mexico, Chile, Peru và Mỹ, chiếm tổng cộng khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu.

TPP – một phần quan trọng trong chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ
Theo các nhà phân tích, mấu chốt trong vòng đàm phán lần này là những vấn đề còn chưa đồng thuận như hạn ngạch và thuế quan đối với thị trường ô tô, phụ tùng ô tô, thịt heo, lúa gạo và một số sản phẩm nông nghiệp khác giữa Mỹ và Nhật Bản, 2 nền kinh tế lớn nhất tham gia TPP. Giữa Úc, New Zealand và Mỹ là vấn đề liên quan đến các công ty dược, hệ thống y tế quốc gia và ngành mía đường. Bên cạnh đó, những vấn đề như sở hữu trí tuệ, môi trường, quyền lợi người lao động, sản phẩm nông nghiệp… cũng là vấn đề các bên tham gia sẽ thương lượng trong vòng đàm phán này.
Nhìn chung, các nhà phân tích đều cho rằng tự do thương mại sẽ có lợi cho nền kinh tế. TTP sẽ thúc đẩy xuất khẩu và tạo ra nhiều việc làm hơn cho nước Mỹ. Theo ước tính ngành xuất khẩu Mỹ sẽ đạt 123,5 tỉ USD/năm vào năm 2025 nhờ TPP. Đối với các nước thành viên kém phát triển hơn thì TPP là cơ hội để hàng hóa tràn vào các thị trường lớn như Mỹ mà không bị cản trở bởi hàng rào thuế quan. 
Bên cạnh những vấn đề thương mại, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng TPP là một phần quan trọng trong chính sách xoay trục sang châu Á của chính quyền Tổng thống Obama. Chính quyền Mỹ đang muốn kết chặt hơn nữa quan hệ thương mại giữa Mỹ với các thành viên, trước sự trỗi dậy mạnh mẽ cả về quân sự lẫn chính trị của Trung Quốc ở Đông Á. Trong khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng muốn đạt được hiệp định TPP để Tokyo cùng Washington kết hợp đương đầu với sức mạnh ngày càng lớn dần của nền kinh tế Trung Quốc.
Theo nhận định của các chuyên gia vòng đàm phán này sẽ còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, bất chấp vẫn còn đó những bất đồng, Mỹ, Nhật Bản cũng như các quốc gia thành viên khác đều rất tự tin sẽ đạt được kết quả tích cực.
Tuy nhiên, các nhà đàm phán hiện đang phải chịu nhiều áp lực về thời gian. Nếu đạt được thỏa thuận trong vòng đàm phán này, dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 31.7, về phía Mỹ, hiệp định sẽ được trình lên quốc hội xem xét trong vòng 4 tháng tới để được thông qua.
RELATED ARTICLES

Tin mới