Friday, April 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giới'Bạn tốt' Trung Quốc đi đêm với Ukraine sau lưng Nga

‘Bạn tốt’ Trung Quốc đi đêm với Ukraine sau lưng Nga

Bất chấp tình thân với Nga, những căng thẳng giữa Nga-Ukraine, Trung Quốc đang lặng lẽ đưa tay cứu nền kinh tế đang khủng hoảng của Ukraine.

Hai mặt

Trong bài báo xuất bản ngày 26/7, tờ Tin kinh tế Đức (Deutsche Wirtschafts Nachrichten-DWN) cho biết, Trung Quốc đã lặng lẽ có mặt ở Ukraine và cảnh báo Trung Quốc có thể trở thành kẻ chiến thắng trong cuộc “chiến tranh lạnh” giữa Mỹ và Nga, và sẽ “loại bỏ những người châu Âu ra khỏi Ukraine”.

Theo bài báo này, Trung Quốc những năm gần đây đã tăng cường các quan hệ kinh tế với Ukraine, còn hiện tại thì đang tích cực kiếm tìm lợi nhuận trong bối cảnh khủng hoảng.

Năm 2014, Bắc Kinh đã có thể mua các công ty, xí nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp Ukraine với giá chỉ bằng một nửa, thậm chí còn rẻ hơn vì chiến sự.

Ở Ukraine, Trung Quốc quan tâm hàng đầu đến lĩnh vực nông nghiệp. Đầu 2013, Bắc Kinh đã muốn thuê 5% đất nông nghiệp của Ukraine.

Financial Times cho biết. cho đến đầu tháng 7/2015, Ukraine đã trở thành nhà xuất khẩu lương thực lớn nhất cho Trung Quốc. Kể từ sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea, thương mại nông nghiệp giữa Ukraina và Trung Quốc đã tăng 56%.

Song song với nông nghiệp, Trung Quốc đầu tư mạnh vào kinh doanh xây dựng tại Ukraine, với số tiền lên đến 15 tỷ USD. Xét về danh nghĩa, đây là số tiền Trung Quốc cho Ukraine vay, nhưng với điều kiện là các nhà thầu đại lục sẽ tham gia vào quá trình xây dựng các công trình dân sinh tại đất nước này.

Điều đáng nói là sự gần gũi của Trung Quốc đối với Ukraine diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và Ukraine đang ngày càng căng thẳng. Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn “im hơi lặng tiếng” về vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Bắc Kinh thậm chí còn ngầm ủng hộ Moscow bằng cách không phản đối việc Nga sáp nhập Crimea, “giúp đỡ” Moscow thách thức phương Tây khi thúc đẩy một loạt hợp đồng lớn mua dầu mỏ và khí đốt của Nga.

Trong bài bình luận về mối quan hệ giữa Nga-Ukraine-Trung Quốc, Samuel Ramani, chuyên gia nghiên cứu về Nga và Đông Âu tại trường Cao đẳng St. Antony, thuộc Đại học Oxford chỉ ra rằng, chiến lược của Bắc Kinh là duy trì mối quan hệ thực dụng không liên kết trong không gian hậu Xô Viết. Nước này nhận ra lợi ích của việc cân bằng các mối liên kết thương mại với cả Nga và Ukraine, đặc biệt là muốn chiếm giữ lợi thế nhập khẩu giá rẻ từ nền kinh tế khủng hoảng ở Kiev.

Thường người ta sẽ cho rằng cuộc xung đột Ukraine sẽ giúp Nga – Trung bắt tay nhau chống lại phương Tây. Thực tế, Ukraine lại trở thành một khu vực cạnh tranh kinh tế giữa hai cường quốc thay vì một cơ sở cho việc hợp tác lâu dài.

Rõ ràng, Trung Quốc đang chơi trò hai mặt tại Ukraine và nhờ đó Bắc Kinh được hưởng lợi nhất từ cuộc khủng hoảng ở quốc gia này.

Về phía Nga, dù chẳng mấy dễ chịu nhưng chắc chắn không vì thế mà quay lưng lại với Trung Quốc bởi bản thân nước này đang rất cần Trung Quốc trong bối cảnh bị Mỹ và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Ukraine hoan nghênh Trung Quốc

Với nền kinh tế đang khủng hoảng và được dự báo sắp vỡ nợ, Ukraine đón nhận sự đầu tư của Trung Quốc như kẻ chết đuối vớ được cọc.

Tuy nhiên, kinh tế có lẽ chỉ là một phần lý do thúc đẩy Ukraine gắn bó với Trung Quốc. Vào thời điểm này,  giới quan sát đồn đoán nhiều về khả năng Mỹ và châu Âu sẽ bỏ rơi Ukraine để đổi lấy sự hỗ trợ từ điện Kremlin trong vấn đề thỏa thuận hạt nhân với Iran, đồng thời tìm kiếm sự đồng thuận của Nga trong việc lật đổ lãnh đạo Syria Bashar al-Assad.

Phóng viên chính trị Mỹ Brian Whitmore dẫn chứng, trong nhiều tuần qua, Mỹ và châu Âu đang bận rộn trong việc tìm kiếm một thỏa thuận chính trị với Tổng thống Vladimir Putin.

Whitmore phỏng đoán rằng cuộc thương lượng bí mật giữa các cường quốc đã bắt đầu diễn ra từ khi chính phủ Mỹ ca ngợi vai trò của Moscow trong thỏa thuận hạt nhân Iran.

Sau đó, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland đã đến Kiev và thuyết phục các nghị sĩ Ukraine thay đổi hiến pháp để chứng nhận vị thế đặc biệt của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk. Đây là điều mà Kiev từ lâu đã phản đối.

Có vẻ như Ukraine cũng đang cố gắng tính đường lùi cho mình trong trường hợp bị Mỹ và EU bỏ rơi bằng cách gần gũi với Trung Quốc. Tình cảm Ukraine-Trung Quốc ngày càng nồng thắm khi hồi đầu năm nay, khi dự Diễn đàn kinh tế thế giới Davos (Thụy Sĩ), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã gặp Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Ông Lý nói Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Ukraine.

Gần đây, ông Poroshenko cũng nhận lời mời dự lễ duyệt binh ở Bắc Kinh vào tháng 9 tới, để kỷ niệm việc quân phiệt Nhật đầu hàng vô điều kiện, kết thúc Thế chiến 2 ở Thái Bình Dương, vài tháng sau khi phát xít Đức thua trận ở châu Âu.

RELATED ARTICLES

Tin mới