Không quân Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách những mối đe dọa cho tới năm 2030.
Trung Quốc tham vọng nuốt trọn Tây Thái Bình Dương
Hãng tin Kyodo của Nhật Bản ngày 2/8 dẫn một bản báo cáo của Học viện Chỉ huy Không quân Trung Quốc về chiến lược trên không cho biết, Trung Quốc liệt kê Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ và Việt Nam vào danh sách “những mối đe dọa” với không phận quân sự Trung Quốc cho tới năm 2030.
Báo cáo được chuẩn bị hồi tháng 11/2014 viết rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có kế hoạch mở rộng quy mô giám sát trên không và năng lực tấn công tại khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có vùng lân cận Nhật Bản.
Bản báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển và nâng cấp 9 loại “trang thiết bị chiến lược”, trong đó có máy bay ném bom chiến lược mới và một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) nhằm một phần đối phó với Mỹ, nước đang chú trọng xoay trục sang châu Á.
Các thiết bị chiến lược còn lại bao gồm tên lửa hành trình tốc độ cao phóng từ trên không, máy bay vận tải cỡ lớn, khinh khí cầu bay trên tầng khí quyển cao, máy bay tiêm kích thế hệ mới, máy bay tấn công không người lái, các vệ tinh của không quân và bom có điều khiển.
Thủy phi co SH-5 của Trung Quốc |
Kyodo bình luận rằng trong khi mở rộng quy mô lực lượng Hải quân và chế tạo một tàu chở sân bay thứ 2 đang gây chú ý, bản báo cáo trên cho thấy Không quân Trung Quốc cũng đã bắt đầu phát triển một chiến lược mở rộng tương tự.
Liên quan đến Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc thành lập trên Biển Hoa Đông hồi tháng 11/2013, báo cáo đề xuất Không quân và Hải quân Trung Quốc cần hợp tác để nâng cao năng lực phòng không, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường tập trận chung.
Báo cáo cũng cho rằng Không quân Trung Quốc cần cân nhắc phát triển trong lĩnh vực không gian vũ trụ và tên lửa.
Trung Quốc đe dọa cả Mỹ
Trong khi đó, đánh giá về tham vọng quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông, giới học giả Australia đã cảnh báo về những mối đe dọa mà Bắc Kinh có thể gây ra đối với tự do hàng hải, hàng không và kể cả hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực.
Các đảo nhân tạo xây dựng trái phép trên Biển Đông sẽ được Trung Quốc quân sự hóa |
Theo tạp chí “The Interpreter” của Viện chính sách quốc tế Lowy ở Australia, Trung Quốc chắc chắn sẽ trang bị hệ thống radar và thiết bị điện tử trên các đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt nạm nhằm tăng cường năng lực tình báo, giám sát và trinh sát.
Việc Bắc Kinh mới hoàn tất việc xây dựng đường băng dài hơn 3.000 m trên Đá Chữ Thập đủ khả năng phục vụ hầu hết các loại máy bay của Trung Quốc cất và hạ cánh, gồm: máy bay giám sát, máy bay cảnh báo sớm trên không, máy bay không người lái, máy bay vận tải, máy bay tiếp dầu và máy bay chiến đấu.