Tuesday, December 24, 2024
Trang chủBiển nóngTướng Quách Bá Hùng dám... vuốt râu hùm

Tướng Quách Bá Hùng dám… vuốt râu hùm

Trong bước đường hoạn lộ thăng tiến không ngừng, tướng Quách Bá Hùng từng rất được lòng nguyên Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân. Vậy nhưng vị nguyên phó chủ tịch Quân ủy trung ương cùng đồng nghiệp Từ Tài Hậu lại “chọc giận” ông Tập Cận Bình.

Tướng Quách Bá Hùng, người vừa bị Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc khai trừ đảng và điều tra tham nhũng, được tin là đứng đầu “nhóm Tây Bắc” trong quân đội nước này.

Tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng của Hồng Kông dẫn lời các nguồn tin trong quân đội Trung Quốc cho biết, Quách Bá Hùng đã thăng tiến rất nhanh chóng sau khi công khai tuyên bố trung thành với nguyên Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân.

Mối quan hệ mật thiết này giúp cả hai hưởng lợi. Ông Quách đã tranh thủ vị trí của mình để tạo dựng một mạng lưới các doanh nghiệp của riêng mình để “làm kinh tế”, còn ông Giang nhận được sử ủng hộ từ các tướng lĩnh hàng đầu quân đội, giúp ông vẫn đầy ảnh hưởng ngay cả khi đã rời nhiệm sở.

Khoảng giữa những năm 1990, trong một bài phát biểu tại bộ chỉ huy quân khu Bắc Kinh, ông Quách – với vai trò phó tư lệnh, đã tuyên bố sẽ trung thành với ông Giang, người “tình cờ” có chuyến thăm bộ chỉ huy quân khu Bắc Kinh đúng vào thời điểm này và đã nghe được, hai nguồn tin cho biết.

“Tôi được biết ông Giang đã tình cờ nghe được phát biểu của ông Quách với các sỹ quan quân đội, nói rằng ông nguyện trung thành với “sự lãnh đạo then chốt của ông Giang”. Và điều này khiến ông Giang rất hài lòng”, một nguồn tin trong Học viện khoa học quân sự Trung Quốc tiết lộ.

Không lâu sau đó, Quách Bá Hùng được cất nhắc vào vị trí tư lệnh quân khu Lan Châu, một trong những quân khu then chốt của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Và cho đến khi về hưu năm 2012, Quách đã ngồi vào ghế phó chủ tịch Quân ủy trung ương (CMC), cao nhất trong quân đội.

Trên chiếc ghế này, Quách có quyền được quyết việc chi tiêu ngân sách quốc phòng cũng như quyết định các công ty nào được tham gia dự án của quân đội. Năm 2012, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là hơn 100 tỷ USD.

Hiện vị cựu phó chủ tịch CMC đang phải đối mặt một loạt cáo buộc, gồm nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực. Một cựu thượng tá quân đội tại Thượng Hải nhận định, cuộc điều tra nhắm vào ông Quách dự kiến sẽ gây chấn động lớn hơn nhiều trường hợp của Từ Tài Hậu – một phó chủ tịch CMC khác – người đã chết vì ung thư.

Tướng Từ cũng được cất nhắc vào CMC khi ông Giang Trạch Dân đang nắm quyền, nhưng sau ông Quách tới 2 năm. Về cơ bản, ông Từ chỉ là một cộng sự cấp dưới cho Quách.

“Vụ của Quách nghiêm trọng hơn Từ Tài Hậu rất nhiều, bởi bất kỳ ai được Từ cất nhắc đều cần phải được Quách phê chuẩn. Ông ta được Từ chia lại tiền hối lộ”, vị thượng tá giấu tên khẳng định.

“Quách là người phụ trách huấn luyện và mua sắm vũ khí trong suốt 10 năm là phó chủ tịch CMC, giúp ông ta có cơ hội biển thủ ngân sách huấn luyện, nhận lại quả trong các thương vụ mua sắm vũ khí”, nguồn tin này cho biết thêm.

Zhang Musheng, một cố vấn của tướng Liu Yuan, chính ủy tổng cục hậu cần PLA – người đang phụ trách chiến dịch chống tham nhũng, khẳng định: “Riêng Từ Tài Hậu nhận hối lộ ít nhất 1 tỷ nhân dân tệ (161 triệu USD), nhưng còn một người khác tồi tệ hơn ông ta. Người đó không chỉ liên quan tới hoạt động mua bán cấp bậc, mà còn bị phát hiện biển thủ ngân sách quốc phòng”, Zhang nói.

Một thượng tá quân đội về hưu tại Bắc Kinh tiết lộ, Quách chính là đầu sỏ trong “nhóm Tây Bắc”, riêng biệt nhưng có liên hệ chặt chẽ với một nhóm do ông Từ từng kiểm soát trước khi bị bắt ngay trên giường bệnh, tại viện quân y 301 ở Bắc Kinh tháng 3/2014.

Chủ tịch Tập Cận Bình và truyền thông nhà nước Trung Quốc những tháng qua không ngừng nhấn mạnh tình trạng bè phái là mối đe dọa nghiêm trọng với đảng Cộng sản và không thể dung thứ. Những chỉ trích này hoàn toàn khác những phát biểu trước đây của lãnh đạo Trung Quốc, rằng nội bộ hàng ngũ lãnh đạo đều đoàn kết.

“Cả Từ và Quách đều hình thành phe cánh cho riêng mình, nhưng Từ bị “đả” trước bởi ông ta đã cố ý sắp xếp để tay chân của mình ngồi vào các vị trí trong CMC trước khi ông Tập kế nhiệm ông Giang tại cương vị Chủ tịch CMC cuối năm 2012. Điều này khiến ông Tập rất tức giận”, vị thượng tá khẳng định.

Theo số cựu lãnh đạo PLA, các phe cánh trong PLA, vốn bị cáo buộc biển thủ ngân sách quốc phòng, đã biến quân đội thành một hệ thống, mà trong đó các sỹ quan được thăng tiến không phải nhờ kỹ năng hoặc thành tích, mà nhờ sức mạnh tài chính. Hệ quả là những người trình độ kém vẫn luồn lách lên được vị trí cao.

Bản thân Quách Bá Hùng đã leo lên ghế lãnh đạo CMC mà chưa hề có kinh nghiệm chiến đấu như những người tiền nhiệm. Năm 1961, ông Quách gia nhập quân đội tại sư đoàn số 55, quân khu Lan Châu.

Đến những năm 1990, Quách đã là tư lệnh quân đoàn bộ binh số 47, tại quân khu Lan Châu, tỉnh Giang Tô. Năm 1993, Quách được điều về bộ chỉ huy quân khu Bắc Kinh, giữ chức phó tư lệnh.

Sau tuyên bố trung thành với Giang Trạch Dân, Quách được điều về lại Lan Châu làm tư lệnh quân khu này cho tới năm 1997. Người tiền nhiệm của ông Quách tại quân khu Lan Châu bị buộc phải từ chức.

“Liu Jingsong khi đó chỉ cần thêm một năm nữa là đủ tuổi về hưu, 65 tuổi. Vậy nhưng ông đã phải nhường ghế cho Quách theo lệnh của ông Giang”, một nguồn tin trọng Học viện khoa học quân sự tiết lộ. Hai năm sau đó, ông Quách tiếp tục thăng tiến lên phó chủ nhiệm Bộ tổng tham mưu PLA, một trong 4 cơ quan đầu não của PLA, phụ trách mua sắm vũ khí, huấn luyện và chiến lược.

Năm 2002, khi ông Hồ Cẩm Đảo đắc cử Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Giang Trạch Dân vẫn còn tiếp tục ngồi ghế chủ tịch CMC thêm 2 năm nữa. Ngay cả khi về hưu, ông Giang vẫn tiếp tục có ảnh hưởng lớn tới PLA, thông qua Quách và Từ, các nguồn tin nội bộ cho biết. Năm 2002, Quách được cất nhắc lên phó chủ tịch CMC, còn Từ cũng ngồi vào ghế này 2 năm sau đó.

Phải đến năm 2010, thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo cao nhất của quân đội mới diễn ra, khi thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc bầu ông Tập Cận Bình làm phó chủ tịch thứ ba của CMC.

Có những đồn đoán trong hàng ngũ sỹ quan cấp cao PLA rằng, ông Hồ Cẩm Đào đã “bỏ nhỏ” ông Tập về việc mình bị phe cánh của Giang Trạch Dân “bó buộc tay chân” mỗi khi đụng đến các lợi ích trong PLA. Nhưng ông Tập có thể thành công, nhờ uy tín chính trị của gia đình và bản thân ông Tập từng là thư ký của cựu bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Geng Biao.

Ngay khi ông Hồ Cẩm Đào trao quyền chủ tịch nước cho ông Tập, ông đồng thời trao lại vị trí trong CMC, điều chưa từng có tiền lệ. Suốt nhiều thập niên, các lãnh đạo Trung Quốc khi rời ghế chủ tịch vẫn thường lưu lại trong CMC. Nhờ đó, ông Tập nhanh chóng củng cố được vị thế.

Theo vị thượng tá tại Thượng Hải, các phe cánh trong PLA bị đưa vào tầm ngắm từ năm 2014, khi tờ báo chính thức của PLA là PLA Daily thường xuất bản những bài viết của các thành viên CMC cũng như tư lệnh các quân khu. Đây được tin là cơ hội ông Tập trao cho các tướng lĩnh để “nói thẳng” và bày tỏ lòng trung thành.

Khi đó, nhiều cấp dưới trước đây của ông Quách đã khẳng định sẽ trung thành với ông Tập. Và đến khi ông Từ bị “đả” tháng 3/2013, tin đồn ông Quách là “con hổ” tiếp theo bị nhắm tới lan rộng. Và đến tháng 11, những nhân vật chủ chốt trong phe “Tây Bắc” của Quách bị “sờ gáy”.

Ngày 13/11/2014, thiếu tướng Ma Faxiang, phó chính ủy hải quân tự sát. Thư ký riêng của trung tướng Lai Ceyi, cựu phó tư lệnh quân đoàn xây dựng và sản xuất Tân Cương, bị bãi nhiệm hồi tháng Giêng. Cùng khoảng thời gian này, thiếu tướng Fan Changmi, nguyên phó chính ủy quân khu Lan Châu, cũng bị bắt, PLA Daily đưa tin.

Cho đến nay, một số nhân vật chưa bị “sờ gáy” gồm phó chủ nhiệm tổng cục chính trị Du Jincai, tham mưu trưởng Fang Fenghui, và tư lệnh bộ chỉ huy quân khu Quảng Châu Xu Fenlin.

Trong khi đó, việc con trai của Quách Bá Hùng, trung tướng Quách Chính Cương bị điều  travì “phạm pháp và phạm các tội danh hình sự” bởi PLA hồi tháng 3, cũng như việc vợ Quách Chính Cương tham gia các dự án bất động sản đáng ngờ, cũng càng cho thấy rõ các thành phần trong “phe Tây Bắc” bị bóc gỡ.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới