Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóng10 đề xuất 'đãi bôi' của Trung Quốc với ASEAN

10 đề xuất ‘đãi bôi’ của Trung Quốc với ASEAN

Dù vẫn được Mỹ và ASEAN nhắc tới, nhưng Biển Đông vẫn là câu chuyện khá mờ nhạt và không có đột biến ở các hội nghị cấp cao của ASEAN diễn ra ở Kuala Lumpur, Malaysia vừa qua. Xem ra, Bắc Kinh đã một lần nữa thành công với chiêu trò “đánh lạc hướng” và “tạo bất ngờ” để “dìm” câu chuyện Biển Đông.

Trước thềm sự kiện này, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã “rào trước” rằng không nên thảo luận về tranh chấp Biển Đông tại các cuộc họp cấp cao của ASEAN trong tuần này. Theo ông Lưu, đây không phải là diễn đàn thích hợp để thảo luận vấn đề nhạy cảm này và các quốc gia khác ngoài ASEAN không nên can thiệp vào, nếu Mỹ nêu ra vấn đề, Bắc Kinh sẽ phản đối.

Tuy nhiên, bất chấp thái độ né tránh của Trung Quốc và không nằm ngoài dự đoán của dư luận, trong các hội nghị của ASEAN và các hội nghị của ASEAN với Mỹ, Trung Quốc, thậm chí trong cuộc gặp song phương giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, vấn đề Biển Đông và hành vi bồi đắp, xây đảo nhân tạo trái phép của Bắc Kinh đều được khơi lên.      

Ngay trong phát biểu khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48 ngày 4/8, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman không quên giành một đoạn cho vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của ASEAN: “ASEAN có thể và cần phải đóng một vai trò quan trọng trong việc tìm ra một giải pháp hòa thuận” cho vấn đề Biển Đông. Theo ông Aman: “ASEAN đã có những bước khởi đầu tích cực, tuy nhiên cần nỗ lực nhiều hơn nữa, và trước tiên hết phải cho thấy là mình giải quyết vấn đề một cách hòa bình, trong tinh thần hợp tác”.

Tiếp đến, trong cuộc gặp song phương với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhấn mạnh trở lại mối quan ngại của Mỹ về các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang tiến hành tại Biển Đông, và yêu cầu Bắc Kinh đình chỉ mọi hoạt động “có vấn đề”, trong đó có việc quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang kiểm soát (trái phép) tại khu vực quần đảo Trường Sa. 

Ngoại trưởng Mỹ cũng tái khẳng định với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị rằng Washington đã không thiên vị bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng mong muốn các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Ông Kerry “khuyến khích Trung Quốc, cùng với các bên tranh chấp khác, đình chỉ các hành động có vấn đề để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động ngoại giao”.

Trước đó, Washington đã đưa ra đề nghị “3 ngừng” với Bắc Kinh: Ngừng đòi hỏi, ngừng xây dựng và ngừng các hoạt động gây hấn làm gia tăng căng thẳng Biển Đông.

Trước sự kiên quyết của Mỹ và ASEAN khi đưa Biển Đông vào chương trình nghị sự, Trung Quốc dù khó chịu, nhưng vẫn không đến nỗi “phản đối” như họ đã “dọa” trước đó. Thái độ của Bắc Kinh lần này khá gây bất ngờ.

Bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, ngày 5/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã khẳng định rằng Bắc Kinh đã “dừng” việc cải tạo đất ở Biển Đông. Thậm chí, họ Vương còn ra vẻ “thách thức” khi tuyên bố: “Trung Quốc đã dừng lại rồi. Quý vị xem ai đang xây dựng? Hãy lấy máy bay ra xem ai đang xây dựng? Hãy lấy máy bay ra xem tận mắt đi!”.

Phát biểu ngắn gọn với các phóng viên sau cuộc hội đàm với người đồng nhiệm Mỹ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng chỉ xác nhận là vấn đề Biển Đông đã được hai bên đề cập tới khi cho biết, Bắc Kinh sẽ theo đuổi “các cuộc thảo luận hòa bình” để giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Ngoài những tuyên bố đầy hoài nghi trên, câu chuyện Biển Đông dường như bị “che khuất” khi Bắc Kinh bất ngờ đưa ra một loạt đề nghị với ASEAN.

Về Biển Đông, Trung Quốc nêu “3 sáng kiến”: Thứ nhất là các quốc gia tại Biển Đông cam kết thực thi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) một cách toàn diện, hiệu quả và đầy đủ, đẩy nhanh đàm phán về thiết lập một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), chủ động thảo luận “về các biện pháp phòng ngừa nhằm quản lý và kiểm soát nguy cơ trên biển”;  Thứ hai, các quốc gia bên ngoài khu vực cam kết ủng hộ những nỗ lực nói trên của các nước trong khu vực, đồng thời không có những hành động có thể gây căng thẳng và phức tạp trong khu vực. Thứ ba, các quốc gia cam kết thực thi và bảo vệ quyền tự do đi lại trên biển và trên không ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế.

Bên cạnh đó, để tăng cường quan hệ hợp tác Trung Quốc – ASEAN, ông Vương đưa ra 10 đề xuất:

1. Tạo đà chuẩn bị đầy đủ cho lễ kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại Trung Quốc – ASEAN vào năm 2016 và thiết lập năm 2016 là “Năm của trao đổi giáo dục Trung Quốc – ASEAN”.

2. Xây dựng Kế hoạch hành động để thực thi Tuyên bố chung Đối tác chiến lược Trung Quốc – ASEAN vì Hòa bình và Thịnh vượng 2016-2020.

3. Thành lập một nhóm công tác để đàm phán và ký “Thỏa thuận láng giềng tốt và hợp tác hữu nghị Trung Quốc – ASEAN”.

4. Khởi động chiến dịch về năng suất quốc tế và hiện thực hóa phát triển kinh tế đầy đủ Trung Quốc – ASEAN cũng như sự thịnh vượng chung.

5. Trung Quốc muốn chứng kiến bước tiến hơn nữa trong hoạt động kết nối với ASEAN.

6. Trung Quốc sẽ hợp tác với ASEAN để đảm bảo rằng “Năm của Hợp tác hàng hải Trung Quốc – ASEAN” sẽ thành công và đưa ra những ưu tiên mới trong hợp tác hàng hải giữa hai bên.

7. Hai bên sẽ cùng thúc đẩy phát triển các tiểu vùng bằng cách thành lập Cơ chế hợp tác và Đối thoại sông Lan Thương (Lancang) – MeKong.

8. Trung Quốc đề nghị ký sớm nghị định thư về Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân.

9. Trung Quốc hy vọng tăng cường hợp tác về quốc phòng và an ninh với ASEAN, và hoan nghênh các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tới Trung Quốc tham dự hội nghị lần đầu tiên giữa những người đứng đầu quân đội hai bên tổ chức vào tháng 10/2016.

10. Trung Quốc và ASEAN cần chung tay bảo vệ hòa bình và ổn định tại Biển Đông thông qua giải quyết thỏa đáng các tranh chấp, duy trì hòa bình thúc đẩy hợp tác cùng thắng.

Những sáng kiến, đề xuất của Bắc Kinh về Biển Đông xem ra rất hay, nhưng vì bản thân Trung Quốc đã có “tiếng” lâu nay là “nói chẳng đi đôi với làm” trong vấn đề nhạy cảm này, nên những gì họ đã nói với các diễn đàn đa phương và song phương vừa qua vẫn phủ một màn sương mờ ảo.

Chẳng nói đâu xa, dù đã tuyên bố với báo chí là “dừng” việc cải tạo đất ở Trường Sa, nhưng một nguồn tin ngoại giao Đông Nam Á cho biết là trong một cuộc họp với các đối tác, ông Vương Nghị đã xác nhận rằng Bắc Kinh vẫn tiếp tục thúc đẩy kế hoạch xây dựng trên các hòn đảo mới bồi đắp ở khu vực quần đảo tồn tại nhiều tuyên bố chủ quyền chồng lấn này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose còn thẳng thừng vạch trần âm mưu của Trung Quốc khi nhận định rằng sở dĩ Bắc Kinh nói đã dừng công việc bồi đắp, đó là vì họ đã “chuyển sang giai đoạn hai, tức là xây dựng cơ sở trên các đảo đã bồi đắp xong”.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới