Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngToan tính của Trung Quốc khi xây căn cứ tàu sân bay...

Toan tính của Trung Quốc khi xây căn cứ tàu sân bay ở Hải Nam

Xây căn cứ tàu sân bay trên đảo Hải Nam, Trung Quốc có thể tận dụng những cơ sở vốn có ở đây để tạo dựng một tổ hợp phòng thủ vững chắc đồng thời tăng cường khả năng kiểm soát trong khu vực.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy cầu tàu sân bay của Trung Quốc ở căn cứ Tam Á, đảo Hải Nam. Ảnh: SCMP

Tạp chí quốc phòngKanwa Asian Defence có trụ sở tại Canada tháng trước đưa tin Trung Quốc đã xây xong cầu tàu sân bay dài nhất thế giới tại căn cứ hải quân thành phố Tam Á, đảo Hải Nam, nhìn ra Biển Đông. Với chiều dài 700m, cầu tàu ở Tam Á có thể chứa cùng lúc hai tàu ở hai bên. Trong khi đó, cầu tàu căn cứ hàng không mẫu hạm của hải quân Mỹ tại Yokosuka, Nhật Bản và tại Norfolk, Virginia, chỉ có chiều dài lần lượt là 400m và 430m.

Bắc Kinh hiện duy trì hoạt động duy nhất tàu sân bay Liêu Ninh, chiến hạm Trung Quốc mua vỏ của Ukraine từ năm 1998 rồi tiến hành cải tạo, nâng cấp để phục vụ trong lực lượng hải quân. Sau khi khiến dư luận đồn đoán một thời gian dài, truyền thông Trung Quốc hồi tháng ba dẫn lời quan chức hải quân cấp cao nước này xác nhận Bắc Kinh đang chế tạo tàu sân bay thứ hai và là chiếc đầu tiên được sản xuất nội địa. Tạp chí Kanwa cho rằng con tàu mới này sẽ đồn trú chủ yếu tại Hải Nam.

Cầu tàu tại Hải Nam khởi công từ năm 2011, hoàn thành vào năm nay nhưng dường như sẽ tiếp tục được mở rộng. Cầu tàu sân bay mới này được kết nối với căn cứ tàu ngầm nguyên tử Ngọc Lâm. Theo Want China Times, sự kết hợp của hai cơ sở trên sẽ tạo thành một khu phức hợp hải quân lớn nhất châu Á.

Theo Ma Yao, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, vị trí địa lý của đảo Hải Nam là nguyên nhân đầu tiên khiến Trung Quốc quyết định xây căn cứ tàu sân bay tại đây. Hải Nam nằm gần ba eo biển quan trọng là Malacca, Lombok và Sunda. Nếu Nhật Bản và Mỹ phong tỏa “chuỗi đảo thứ nhất”, nối Okinawa, Đài Loan, Philippines với một trong những tuyến phòng thủ trên biển của Trung Quốc, thì tàu Bắc Kinh vẫn có thể tới Ấn Độ Dương và nam Thái Bình Dương qua Biển Đông.

Củng cố tiếp cận tới Biển Đông sẽ giúp Trung Quốc bảo vệ kênh vận chuyển dầu nhập khẩu của nước này. Ngoài ra, mở căn cứ tàu sân bay ở Hải Nam, Trung Quốc có mọi điều kiện thuận lợi để tập trung lực lượng hải quân tại một địa điểm chiến lược, nơi mà quân đội Mỹ được nhìn nhận là chưa tạo dựng được sức ảnh hưởng mạnh mẽ, ông Ma nhấn mạnh.

Ma thêm rằng Trung Quốc hiện đặt khá nhiều cứ điểm phòng thủ ở Hải Nam, chọn hòn đảo này làm nơi xây dựng căn cứ tàu sân bay, Bắc Kinh sẽ tận dụng được những cơ sở trên để bảo vệ tốt hơn chiến hạm của mình. Đặc biệt, tiêm kích thế hệ thứ 4 J-11B của Trung Quốc, chuyên nhận lệnh theo dõi, can thiệp máy bay trinh sát săn ngầm P8-A Poseidon của Mỹ hoạt động trên Biển Đông, cũng thường xuyên đóng tại đảo Hải Nam. Nếu có tình huống khẩn cấp, chiến đấu cơ J-11B luôn sẵn sàng phản ứng, hỗ trợ đắc lực cho tàu sân bay, Ma  nhận xét.

Căn cứ ở Hải Nam “với vùng nước sâu và rộng” còn là nơi lý tưởng để Trung Quốc triển khai tàu ngầm hạt nhân tại đây. Đặc điểm địa hình của đảo phục vụ tương đối tốt cho mục tiêu bảo vệ tàu ngầm Bắc Kinh trước những hệ thống tác chiến chống ngầm. Bố trí căn cứ tàu sân bay trên đảo sẽ góp phần củng cố lớp phòng vệ này.

Dù Ma không đề cập đến lý do xuất phát từ những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nhưng theo bình luận viên Shannon Tiezzi, đây mới là nguyên nhân chính mà Trung Quốc chọn xây cầu tàu sân bay ở đảo Hải Nam.

Căn cứ tàu sân bay trên đảo Hải Nam sẽ tạo điều kiện để Bắc Kinh “gia tăng khả năng kiểm soát Biển Đông”, cây bút Seong Yeon-cheol từ tờ Hankyoreh, nhật báo Hàn Quốc, đánh giá. Nhiều chuyên gia dự đoán căn cứ này sẽ phần nào nâng cao hơn nữa năng lực của hải quân Trung Quốc, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đang ngày càng phức tạp, ông Seong cho biết thêm.

132934372-21n-6548-1438343739-9654-14387

Tàu sân bay Liêu Ninh lần đầu tiên neo đậu tại khu phức hợp hải quân Tam Á, tháng 11/2013. Ảnh: SCMP

 

RELATED ARTICLES

Tin mới