Lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La đã lên tiếng xung quanh đề án xây dựng tượng đài 1.400 tỷ đồng ở Sơn La xôn xao dư luận thời gian qua.
Ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.
HĐND tỉnh Sơn La vừa ra nghị quyết thông qua đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường tại thành phố Sơn La.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng Sơn La là một tỉnh nghèo, trong khi đó số tiền để xây tượng đài quá lớn gây lãng phí.
Ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La khẳng định, dư luận đang hiểu sai vấn đề. “Không có chuyện xây dựng tượng đài lên tới 1.400 tỷ đồng. Nêu như thế là không đúng”, ông Minh khẳng định.
Ông Minh cho rằng, những ý kiến nêu ra việc xây dựng tượng đài Bác Hồ hết 1.400 tỷ đồng là không hiểu sự việc. Khoản kinh phí dự toán 1.400 tỷ đồng bao gồm nhiều công việc như xây dựng trung tâm hành chính của tỉnh, xây dựng quảng trường, xây dựng khu tái định cư, phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, các hạng mục chiếu sáng, cây xanh, điện nước…
Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho rằng trong quá trình thông tin, báo chí cần liên lạc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh để có thông tin chính xác.
“Vừa qua, một số dư luận đã thông tin không chính xác khi nêu ý kiến của những người không có chuyên môn. Thông tin không chính thống sẽ khiến người dân hiểu sai về sự việc. Việc để người dân hiểu sai sẽ ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo tỉnh Sơn La” – ông Minh nói.
Ông Minh cho biết lãnh đạo tỉnh Sơn La cũng rất buồn khi có những thông tin không chính xác về sự việc này vàđề nghị dư luận khi thông tin về sự việc cần phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ. Vị Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cũng cho biết, trong ngày 5/8 sẽ gửi báo cáo về sự việc lên Thủ tướng và các Bộ ngành trung ương có liên quan. Lãnh đạo tỉnh cũng sẽ thông tin rõ ràng sự việc trên báo chí.
“Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý quy hoạch xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Dự án này gồm gồm 8 hạng mục công trình. Trong dự án có cả bảo tàng của tỉnh Sơn La, sau năm 2020 mới xây dựng. Cụm công trình này gồm 8 hạng mục: Tượng đài Bác Hồ, quảng trường, trung tâm hành chính tỉnh, đền thờ Bác Hồ, Bảo tàng tỉnh, hạng mục cây cảnh, hệ thống điện nước, chiếu sáng, kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng và khu tái định cư. Hiện nay, tỉnh chưa lập dự án và dự án chưa được duyệt nên chưa thể đưa ra kinh phí chính xác. Con số 1.400 tỷ đồng chỉ là con số khái toán” – ông Minh thông tin.
Ông Minh cũng khẳng định vừa qua HĐND tỉnh Sơn La chỉ ra nghị quyết thông qua đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường tại thành phố Sơn La. Sau khi thông qua đề án, tỉnh sẽ tiến hành xây dựng dự án.
Tháng 10/2015, tỉnh Sơn La dự kiến động thổ, công bố quy hoạch xây dựng tượng đài Bác Hồ để tất cả người dân được biết. Hiện tại, tỉnh đang xây dựng dự án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
“Riêng tượng đài phải trình Bộ Chính trị xem mẫu thiết kế ra làm sao. Dự án sẽ phải được phê duyệt theo đúng quy định. Đề án với nhiều hạng mục kéo dài đến năm 2020. Nguồn kinh phí huy động từ ngân sách trung ương hỗ trợ, ngân sách của tỉnh và nguồn ngân sách xã hội hóa. Ví dụ hạng mục đền thờ Bác Hồ sẽ xã hội hóa, các hạng mục cây xanh, điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước sẽ được xã hội hóa”, ông Minh thông tin.
Hiện tại, tỉnh chưa phân định tỷ lệ giữa các nguồn ngân sách vì đang trong quá trình xây dựng dự án. Ông Minh cho biết thêm ngân sách trung ương chủ yếu đầu tư xây dựng tượng đài Bác Hồ. Những hạng mục khác sẽ chủ yếu do tỉnh đảm nhận và từ các nguồn xã hội hóa.
Trước đó, bà Tráng Thị Xuân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, đề án xây dựng cụm tượng đài Bác Hồ đã được Bộ Chính trị phê duyệt, đồng ý cho tỉnh Sơn La xây dựng.
“Đây là tượng đài Bác Hồ với các đồng bào các dân tộc Tây Bắc chứ không chỉ với Sơn La”, bà Tráng Thị Xuân khẳng định.
Bà Xuân cũng cho biết thêm tượng đài phục vụ cho khu vực Tây Bắc bao gồm 6 tỉnh, trong đó có tỉnh Sơn La. Vị Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết trong nguồn kinh phí 1.400 tỷ đồng cho cụm công trình thì ngân sách nhà nước bỏ ra rất ít.
Số tiền để xây dựng chủ yếu được lấy từ nguồn xã hội hóa, của các doanh nghiệp hảo tâm trên địa bàn đóng góp để xây dựng.
“Ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ một phần chứ không phải tất cả”, bà Xuân thông tin thêm.