Bên cạnh việc giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền thông qua luật pháp quốc tế, Philippines đã bắt đầu thay đổi chiến lược đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông.
Chuyên gia Philippines Richard Javad Heydarian.
Chuyên gia Richard Javad Heydarian, giảng viên môn Khoa học chính trị và Quan hệ quốc tế tại Đại học Ateneo De Manila mới đây đã có bài phân tích trên trang mạng Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) về chiến lược của Philippines ở Biển Đông.
Giống như các quốc gia khác trong khu vực, Philippines tìm cách giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ thông qua luật pháp quốc tế. Manila đã kiện Trung Quốc ra tòa án vì yêu sách và các hành động phi pháp của Bắc Kinh Biển Đông. Lo ngại những hoạt động ngày càng gia tăng của Trung Quốc, Philippines cũng đã tăng gấp đôi mức chi tiêu quân sự, nhằm hiện đại hóa lực lượng quân đội.
Hơn bao giờ hết, căng thẳng trên Biển Đông đã trở thành chủ đề chính trong các cuộc thảo luận quốc gia ở Philippines. Theo thống kê của tổ chức Pew, có tới 93% người Philippines lo ngại vì khả năng xảy ra chiến tranh ở Biển Đông, 58% cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa quốc gia.
Chính quyền Tổng thống Benigno Aquino phác họa một Philippines nhỏ bé đối đầu với một gã khổng lồ Trung Quốc ở phía bắc. Ông Aquino đã ít nhất hai lần so sánh Trung Quốc với Đức Quốc xã, phủ nhận đàm phán ngoại giao với Bắc Kinh.
Trong giai đoạn 2013-2014, hơn 60% số người Philippines ủng hộ cách tiếp cận của ông Aquino đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, con số này đã còn khoảng 46% ở thời điểm hiện tại. Không chỉ bởi Philippines đã để mất bãi cạn Scarborough vào năm 2012 mà còn xuất hiện những mối lo ngại cho rằng Manila không có một chiến lược hiệu quả để bảo vệ tuyên bố chủ quyền trong cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc.
Chiến lược của Philippines
Philippines dưới thời nhà độc tài Marcos (1965-1986) là một trong những quốc gia đầu tiên xây dựng sân bay cùng với các cơ sở quân sự ở Biển Đông. Manila khi đó né tránh yếu tố pháp lý trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa.
Tự tin với tiềm lực quân sự của mình và sự xuất hiện của binh sĩ Mỹ, Philippines đã kiểm soát được một vài hòn đảo nằm trong quần đảo Trường Sa, bao gồm đảo Thị Tứ, hòn đảo lớn thứ hai trong khu vực. Nhờ tầm nhìn chiến lược trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, Philippines đã giành được những ưu thế nhất định so với các quốc gia khác ở Biển Đông.
Tàu chiến Mỹ neo tại căn cứ quân sự ở vịnh Subic năm 1992.
Trong giai đoạn sau này, các quốc gia Đông Nam Á khác cũng đã củng cố chủ quyền ở Biển Đông bằng việc tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực. Trong khi đó, chính quyền Philippines đã không còn duy trì và nâng cấp các căn cứ quân sự.
Một thời gian ngắn sau khi lực lượng Mỹ rút khỏi căn cứ quân sự ở Philippines vào năm 1992, Trung Quốc chớp thời cơ chiếm đoạt quyền kiểm soát Đá Vành Khăn, nơi mà Philippines cũng có tuyên bố “chủ quyền”, để lộ ra những điểm yếu của Manila trong khu vực.
Ngày nay, Philippines vẫn tiếp tục bỏ qua chiến lược tăng cường vị thế của mình ở Biển Đông. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Roilo Golez từng nói rằng, các nhà lãnh đạo Philippines đã “bỏ qua giá trị chiến lược tại chuỗi các đảo, đá, rạn san hô và bãi cái ngầm để có thể xây dựng căn cứ quân sự, kiểm soát một khu vực vùng biển rộng lớn xung quanh”.
Chạy đua với thời gian
Kể từ năm 1999, Philippines đã đưa tàu đổ bộ cỡ lớn BRP Sierra Madre đến neo đậu tại bãi Cỏ Mây.
16 năm qua các binh sĩ Philippines được điều đến luân phiên canh gác rạn san hô đã phải đối mặt với không ít khó khăn, từ điều kiện sinh hoạt hạn chế cho đến áp lực từ Trung Quốc. Năm 2013, tàu tuần duyên Trung Quốc với trang thiết bị hiện đại đã bao vây Sierra Madre và chặn nguồn cung cấp hàng tiếp tế.
Philippines chỉ có thể phá vòng vây nhờ sự hỗ trợ của máy bay trinh sát P-8A Mỹ. Trước các mối đe dọa từ Trung Quốc, chính quyền của Tổng thống Aquino vẫn theo đuổi cuộc chiến pháp lý hơn là tăng cường vị thế về mặt quân sự.
Tàu Sierra Madre của Philippines ở bãi Cỏ Mây.
Cuối năm 2014, chính phủ Philippines đã quyết định hoãn việc nâng cấp các cơ sở hạ tầng trên đảo Thị Tứ. Các quan chức hàng đầu Philippines cho rằng đây là điều cần thiết để duy trì “nền tảng tinh thần” trong khi Manila theo đuổi vụ kiện Trung Quốc.
Việc bảo trì và nâng cấp các cơ sở hạ tầng có sẵn là hoạt động bình thường, phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong khi Philippines do dự , Trung Quốc đã cố tình tăng cường xây dựng đảo nhân tạo trái phép trong những năm qua.
Đài Loan hồi tháng Năm tuyên bố sẽ chi 100 triệu USD dể xây dựng trái phép một hải cảng trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hải cảng mới này cho phép neo các tàu có trọng tải 3.000 tấn. Đường băng trên đảo cũng được nâng cấp để đón máy bay vận tải quân sự C-130.
Nhận ra sự thiếu hụt trong chiến lược của mình ở khu vực, Philippines tháng trước đã quyết định sửa chữa và gia cố tàu BRP Sierra Madre để môi trường sinh sống cho các binh sĩ thủy quân lục chiến Philippines đang neo đậu tại bãi Cỏ Mây. Tuy nhiên trong bối cảnh Trung Quốc có thể thiết lập trái luật Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, Philippines đang phải chạy đua với thời gian.
Dường như Manila vẫn còn do dự với những hoạt động ở Biển Đông bởi cam kết “tiếp cận ngoại giao dựa trên luật pháp quốc tế”. Suy cho cùng, những quyết định này của Philippines có thể vấp phải những khó khăn và rủi ro khi Trung Quốc có thể đưa ra những phản ứng đáp trả.
Tình hình Biển Đông mới nhất sẽ được báo điện tử Người đưa tin liên tục cập nhật.