Các cuộc tập trận chung giữa Nga và Trung Quốc không đồng nghĩa với việc ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tàu hải quân Trung Quốc và Nga tập trận chung ở biển Hoa Đông năm 2014
Học giả Nga lên án Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông Quan hệ Nga-Trung-Mỹ: Ai đang diễn trò với ai?
Từ ngày 20-28/8, Trung Quốc và Nga sẽ tiến hành diễn tập quân sự mang tên “Hợp tác Hàng hải 2015 (II)” tại vùng vịnh Peter Đại Đế và biển Nhật Bản. Điều này khiến một số ý kiến cho rằng Moscow tiến hành tập trận hải quân chung với Trung Quốc đồng nghĩa với sự ủng hộ tuyên bố chủ quyền của nước này ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Nga nêu rõ: “Các nhà phân tích chính trị cần hiểu rõ hơn quan điểm của Nga (trong vấn đề này), vốn không bí mật và đã công khai”.
Ông Lavrov lưu ý Nga ủng hộ việc “bất cứ kỳ tranh chấp nào ở Biển Đông, hay bất kỳ nơi nào khác cần được giải quyết trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, trong đó trước tiên dựa trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa Trung Quốc và ASEAN. Theo các văn kiện này, các quốc gia trực tiếp tham gia vào bất kỳ tranh chấp nào cần tìm ra giải pháp mà tất cả các bên cùng chấp nhận, không cần bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài”.
Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh: “Chúng tôi không coi nỗ lực quốc tế hóa các tranh chấp này là hữu ích. Những nỗ lực như vậy thường không giúp các nước (liên quan tới tranh chấp) xích lại gần nhau, mà là nhằm ghi điểm chính trị trên trường quốc tế. Tôi cho rằng cách tiếp cận như vậy không nghiêm túc và trung thực”.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Nga một lần nữa cho thấy quan điểm nhất quán, rõ ràng của Nga trong vấn đề Biển Đông, đồng thời xóa tan những hy vọng của Trung Quốc, nếu có, về sự ủng hộ của Moscow đối với quan điểm của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Giới chức Nga cũng nhiều lần thể hiện quan điểm trung lập của Moscow đối với vấn đề Biển Đông. Trước đây, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov tuyên bố, Moscow cho rằng sự can thiệp của nước thứ ba vào việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ trong khu vực quan trọng này là phản xây dựng.
Ông Aleksandr Lukin, Phó Giám đốc Học viện ngoại giao Nga chỉ ra rằng, trong vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa các nước châu Á, Nga cần phải có “quan hệ bình đẳng, thái độ không thiên lệch” đối với tất cả các nước, bởi “tất cả các nước đó đều là đối tác của Moscow”.
Giải pháp hòa bình của Nga có lợi cho tất cả các bên xung đột, đơn giản vì Moscow duy trì liên hệ thương mại-kinh tế và chính trị với tất cả các nước, và không để mình sa vào tình huống phải thực hiện sự lựa chọn duy nhất, thí dụ, giữa Trung Quốc – Nhật Bản, giữa Trung Quốc và Việt Nam, hay là giữa Trung Quốc với Ấn Độ.
Để thực hiện chính sách này, Nga cương quyết không tham gia vào những cuộc xung đột chủ quyền và không thiên về hỗ trợ bất kỳ bên nào – đây là luận điểm được Moscow cho là đúng đắn nhưng vấn đề quan trọng là Nga không tham gia và cũng không hề đưa ra chính kiến về vấn đề đúng-sai trong những tranh chấp đó.