Thursday, November 21, 2024
Trang chủĐiểm tinGiây phút căng thẳng mổ lấy dao khỏi đầu bé sơ sinh

Giây phút căng thẳng mổ lấy dao khỏi đầu bé sơ sinh

Nhát dao đâm hốc mắt trái thấu đến sọ của cháu bé sơ sinh, sâu khoảng 11 cm, nếu quá trình rút dao ra khỏi não gây chảy máu thì đứa trẻ có nguy cơ tử vong ngay trên bàn mổ. 

Ca phẫu thuật rút dao ra khỏi não bé mới 11 ngày tuổi bị người phụ nữ lạ đâm, được bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), trưởng ê kip mổ, nhìn nhận là ca “lần đầu tiên gặp trong cuộc đời cầm dao mổ” của ông. Bệnh nhi còn quá nhỏ, não quá bé, chưa bao giờ giây phút rút con dao đâm vào nạn nhân được các bác sĩ tiến hành một cách chậm và thận trọng như trường hợp này. Mất đến 5 phút ê kip mổ mới rút được con dao khỏi vết thương trên đầu bé. Máu ở não bé chảy ra theo con dao được rút, may mắn là các bác sĩ đã dự liệu và kiểm soát được ngay, không gây hậu quả xấu nhất như đã tiên lượng.

Ca cứu cháu bé hôm 8/8 đã kích hoạt quy trình cấp cứu đỏ tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Trước đó bé đang được điều trị viêm phổi tại Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long thì bị một người phụ nữ lạ mặt xông vào phòng đâm dao vào đầu cháu. Bệnh nhi được chuyển từ Vĩnh Long đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng còn nguyên con dao đâm vào vị trí giữa 2 hốc mắt, vết thương sâu tới cán dao. Bé đã được băng bó sơ cứu tại bệnh viện tuyến dưới.

Băng ca bệnh nhi được đẩy vào phòng cấp cứu, chỉ trong vòng 30 phút, các bác sĩ hàng đầu ở tất cả lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, X-quang, siêu âm, khoa mắt, hồi sức sơ sinh, ngoại, gây mê hồi sức… ở Nhi đồng 1 đã khẩn cấp vào cuộc. Bác sĩ khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nhân dân 115 cũng được mời sang để hỗ trợ quá trình phẫu thuật.

Trong lúc huy động lực lượng phẫu thuật, thì nhóm y bác sĩ chuyên về chẩn đoán hình ảnh nhanh chóng đưa các phương tiện chẩn đoán hình ảnh đặc biệt đến giường bé. Kết quả CT Scan bệnh nhi cho thấy lưỡi dao đâm từ hốc mắt bên tay trái và đi chéo, chệch hướng sang bên phải, kết thúc ở vùng đỉnh đầu bên phải. Đầu nhọn lưỡi dao trổ ra ngoài da, chiều dài phần lưỡi dao ngập trong não khoảng chừng gần 11 cm, một phần đuôi dao nằm ở phía ngoài.

Căn cứ vào vết thương của đứa trẻ, bác sĩ Hiếu thảo luận cùng đồng nghiệp: “Trước mổ rất khó đánh giá được tổn thương qua đường đi của mũi dao nên không thể tiên lượng diễn biến phẫu thuật”. Nhóm bác sĩ phẫu thuật dự liệu các tình huống có thể xảy ra: Khi rút dao ra khỏi sọ não của em bé thì khả năng sẽ chảy máu. Đường đi dao chếch rất sâu nên nếu có biến chứng chảy máu sẽ ảnh hưởng tính mạng em bé.

Bé được đưa vào phòng mổ. Dựa trên kết quả siêu âm, CT Scan, các thông số cần thiết, các bác sĩ đã thảo luận cấp tốc ngay tại phòng mổ trong vòng nửa tiếng để đưa ra phương án phẫu thuật an toàn nhất. Do đầu em bé được băng kín nên không thể đánh giá được có tổn thương nhãn cầu hay không. Các phẫu thuật viên thận trọng mở vết thương kiểm tra, may mắn là đường đi của lưỡi dao không vào thẳng nhãn cầu mà chỉ đi vào thành trong của hốc mắt bên trái. Nhãn cầu bệnh nhi vẫn còn độ căng, phản xạ đồng tử vẫn còn giống như bên phải. Khi xác định nhãn cầu không bị tổn thương, các bác sĩ mới bắt đầu tiến hành phẫu thuật.

Bắt đầu mổ, ê kíp phẫu thuật đã gặp khó khăn. Đường dao đi vào não nằm ngay giữa, để đảm bảo an toàn cho em bé sau khi rút lưỡi dao ra, bác sĩ phẫu thuật phải mở xương sọ vùng trán bệnh nhi, đưa mảnh xương sọ có kích thuốc 4×6 cm ra khỏi não bé để bộc lộ phần não cần mổ. Diện tích vùng mở tương đối rộng, nhất là đối với một em bé sơ sinh. Mở được phần não, nhìn được đường dao thì kíp mổ đã nhận định được tình trạng nhu mô não bị dập, chảy máu. Các bác sĩ nhanh chóng cầm máu để tránh những tình huống bất lợi.

Cầm máu thật tốt cho bé xong, ê kip mới bắt đầu kiểm tra đường dao gây tổn thương như thế nào. Phần xương hốc mắt ở bờ trên bị nứt, xương sàn bị vỡ, phần màng cứng bao lấy não cũng bị tổn thương khá nặng. Các bác sĩ quyết định mở não, tạo một khoảng trống để khi đưa dao ra ngoài sẽ tránh làm sang thương thêm cho em bé. Khoảng hơn 2 tiếng kể từ khi bắt đầu mổ, các bác sĩ mới chuẩn bị xong cho phần cực kỳ quan trọng là đưa lưỡi dao ra. Hai tiếng đồng hồ cho 5 phút lấy con dao đâm vào não bé, với các bác sĩ là khoảng thời gian dài như vô tận, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ, máu chảy nhiều khi rút dao chắc chắn sẽ mất bé ngay trên bàn mổ. 

Các bác sĩ khéo léo đưa dao ra rất chậm. May mắn là có chảy máu nhưng mọi thứ hoàn toàn kiểm soát được, các thông số của bé trên monitor đều nằm trong giới hạn bình thường. Nhóm bác sĩ mổ thở phào nhẹ nhõm. Những việc còn lại của quá trình phẫu thuật đơn giản hơn. Ê kip đã tái tạo màng cứng bằng cách phủ màng cứng nhân tạo để bảo vệ não vì phần này tổn thương khá rộng.

Ca mổ kết thúc sau 3 tiếng đồng hồ căng thẳng. “Trong cuộc đời cầm dao mổ của tôi, mỗi ca bệnh nhi là mỗi cảm xúc khác nhau nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp phải ca tổn thương nghiêm trọng. Mong rằng đây cũng là lần cuối cùng gặp phải tình huống đau lòng như vậy”, bác sĩ Hiếu chia sẻ. 

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng cho rằng đây là ca mổ lịch sử trong hơn 60 năm qua của bệnh viện. Ban giám đốc bệnh viện đã kịp thời khen thưởng ê kip mổ. Sở Y tế TP HCM cũng đề xuất UBND thành phố khen thưởng các y bác sĩ tham gia ca phẫu thuật. 

RELATED ARTICLES

Tin mới