Saturday, July 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHội nghị cấp cao ASEAN 34: Biển Đông tiếp tục là tâm...

Hội nghị cấp cao ASEAN 34: Biển Đông tiếp tục là tâm điểm đáng chú ý

Tại Hội nghị, các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại vùng biển huyết mạch này của thế giới. Các nước thống nhất, đóng góp duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là nghĩa vụ của tất cả các nước, các bên.

Kết quả nổi bật

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 diễn ra trong bối cảnh khu vực đang phải đối mặt những với thách thức lớn, nổi bật là căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu là Mỹ và Trung Quốc cùng tranh chấp trên Biển Đông, có nguy cơ tác động tới môi trường hòa bình, an ninh và ổn định mà cả hiệp hội cũng như mỗi quốc gia thành viên đều cần để duy trì hợp tác và phát triển. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0 cùng với những thách thức toàn cầu như rác thải biển, ô nhiễm, biến đổi khí hậu… là những vấn đề đặt ra với các quốc gia ASEAN.

Tại Hội nghị, các nước đã thông qua văn kiện “Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, có tầm quan trọng lớn, vừa khẳng định các nguyên tắc bất di bất dịch của ASEAN, vừa định ra các phương hướng cho ứng xử của ASEAN trong các quan hệ với các đối tác; thống nhất sẽ thúc đẩy một ASEAN không rào cản (seamless ASEAN) thông qua tăng cường kết nối, kết nối tiểu vùng, triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) 2025, Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Sáng kiến Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN (ASCN); thúc đẩy kinh tế số và một ASEAN số hóa, dự báo vào năm 2025, kinh tế số sẽ mang lại thêm cho ASEAN khoảng 1.000 tỷ USD, sớm kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…

Các nước cũng trao đổi sâuvề tình hình khu vực và quốc tế trong đó có Biển Đông, bán đảo Triều Tiên, Bang Rakhine… Các Lãnh đạo thống nhất sẽ tăng cường hơn nữa đoàn kết ASEAN, đề cao đối thoại, hợp tác vì hòa bình, ổn định, phát triển và phồn vinh của khu vực.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung, trong đó đã đề cập đến một số quan ngại về Biển Đông khi Trung Quốc đang tăng cường hoạt động quân sự tại vùng biển này. Theo tuyên bố, các lãnh đạo đề cập đến một số quan ngại về việc bồi lấp đất cũng như các hoạt động tại khu vực này, làm xói mòn lòng tin, gia tăng cẳng thẳng và có thể gây phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Đáng chú ý, phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, cho rằng ASEAN cần nhìn nhận thẳng thắn, vừa ghi nhận những tích cực bước đầu trong đàm phán Bộ quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, song cũng không bỏ qua các diễn biến trên thực địa như cải tạo đất trái phép, quân sự hóa, cản trở khai thác hợp pháp tài nguyên biển, thậm chí đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân.

Ngoài ra, tại Hội nghị lần này, các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại vùng biển huyết mạch này của thế giới. Các nước thống nhất, đóng góp duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là nghĩa vụ của tất cả các nước, các bên. Trong bối cảnh đó, các nước cần kiên trì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, đề cao kiềm chế, tránh có các hành động đơn phương, có thể làm xói mòn lòng tin như tôn tạo, bồi đắp các thực thể, quân sự hóa khu vực Biển Đông. Các nước đồng thời ghi nhận kết quả đạt được trong đàm phán COC, mong muốn sớm có Bộ Qui tắc Ứng xử trên Biển Đông hiệu lực, hiệu quả và được cộng đồng quốc tế thừa nhận, ủng hộ.

Dư luận liên quan

Theo đánh giá của báo chí Nhật Bản, các quốc gia ASEAN không đồng thuận về vấn đề Biển Đông, trong bối cảnh một số nước hy vọng vào hợp tác kinh tế với Trung Quốc.

Giới truyền thông cho rằng Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực, quan trọng tại Hội nghị lần này, góp phần thúc đẩy đoàn kết trong nội Khối, nhất là trong vấn đề Biển Đông. Dẫn đầu Đoàn cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 34, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên trong đoàn đã tham dự và có những đóng góp quan trọng vào thành công của hội nghị. Khẳng định tầm quan trọng của đoàn kết, nhất trí của ASEAN trong xây dựng Cộng đồng bền vững, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tính cấp thiết của sự chân thành, thẳng thắn trong quan hệ giữa các nước thành viên, tôn trọng sự đa dạng và khác biệt, giữ gìn đoàn kết và không làm phương hại đến tình cảm, lợi ích của nhau; đồng thời cũng cần có bản lĩnh vững vàng trong ứng xử với các đối tác lớn.

Tiến sĩ Ngeow Chow Bing, Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Malaysia nhận định việc đề ra Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) rất khó khăn bởi quan điểm giữa Trung Quốc và các nước ASEAN quá khác nhau; COC thực ra là một phiên bản nâng cấp của “Tuyên ngôn ứng xử ở Biển Đông” (DOC); nhấn mạnh COC hiện nay là một cơ chế quản lý và cơ chế kiểm soát, chứ không phải là một phương án giải quyết; cho rằng 10 – 20 năm tới đều không thể có giải pháp hoạch định, phân chia các đảo và rạn san hô ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới