Saturday, January 18, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTs Trần Công Trục: Nên ủng hộ Thủ tướng Hun Sen làm...

Ts Trần Công Trục: Nên ủng hộ Thủ tướng Hun Sen làm rõ bản đồ biên giới

Công khai giải thích rõ quá trình đàm phán, hoạch định biên giới cho người dân hai nước hiểu mới tránh được những mưu đồ chính trị đen tối lợi dụng vấn đề …

Ngày 8/8 truyền thông Campuchia đưa tin, Thủ tướng Hun Sen đã ban hành chỉ thị vào Thứ Năm tuần trước thành lập một ủy ban 11 thành viên do Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Hor Namhong đứng đầu để xem xét đối chiếu bản đồ Liên Hợp Quốc cho mượn để đối chiếu với (26) mảnh bản đồ bonne do Sở Địa dư Đông Dương, Pháp xuất bản trong giai đoạn 1933 – 1953 mà hai nước Campuchia – Việt Nam đã bàn bạc, thống nhất lấy làm căn cứ đàm phán, phân định biên giới giữa hai nước.

Liên Hợp Quốc cho Campuchia mượn bản đồ nhưng nhấn mạnh không xác nhận bất cứ nội dung gì ghi trên đó

The Phnom Penh Post ngày 8/8 cho biết, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đồng ý cho Campuchia mượn một số bản đồ bằng giấy và bản điện tử lưu tại thư viên Dag Hammerskjold của Liên Hợp Quốc để Campuchia đối chiếu.

Tuy nhiên ông lưu ý, Liên Hợp Quốc không tìm thấy bản đồ mà Thủ tướng Hun Sen hỏi, tức 26 mảnh bản đồ bonne Campuchia đã sử dụng để đàm phán phân giới với Việt Nam và được Hoàng thân Norodom Sihanouk nộp lưu chiểu cho Liên Hợp Quốc năm 1964. Nhưng những bản đồ Liên Hợp Quốc có, có thể Campuchia cũng quan tâm.

Việc cho Campuchia mượn bản đồ là một ngoại lệ vì đây là vấn đề chính trị và nó chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định tùy vào điều kiện thỏa thuận giữa chính phủ nước này với Liên Hợp Quốc. Trong thư Tổng thư ký Ban Ki-moon gửi Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 5/8, ông Ban Ki-moon lưu ý:

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, không được hiểu là (bằng việc cho Campuchia mượn bản đồ) Liên Hợp Quốc chính thức xác nhận hoặc chấp nhận các ranh giới, các tên gọi địa danh hiển thị trên các mảnh bản đồ này”. Theo thư của ông Ban Ki-moon, những mảnh bản đồ này được Liên Hợp Quốc trao cho Ry Tuy, đại diện Campuchia tại tổ chức này hôm 27/7.

The Cambodia Daily ngày 8/8 dẫn lời người phát ngôn chính phủ Campuchia ông Phay Siphan nói hôm Thứ Sáu tuần qua, những bản đồ được Liên Hợp Quốc vừa cho Campuchia mượn lại để đối chiếu là do Hoàng thân Norodom Sihanouk nộp cho Liên Hợp Quốc để khiếu nại việc Mỹ ném bom vào lãnh thổ Campuchia trong Chiến tranh Việt Nam.

Trong thư cảm ơn Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói những bản đồ mà Liên Hợp Quốc cho mượn sẽ hữu ích trong việc kết thúc sự kích động của chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại quốc gia này.

Thứ Năm tuần trước, chính phủ Campuchia cũng đưa ra bản đồ đã dùng để đàm phán, phân định biên giới với Việt Nam để Tiến sĩ Sok Touch, một nhà phân tích chính trị nổi tiếng và là người đứng đầu Viện Quan hệ quốc tế thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia để nghiên cứu, đối chiếu.

Chính Tiến sĩ Sok Touch là người đề xuất thành lập một nhóm nghiên cứu biên giới Việt Nam – Campuchia tại Học viện Hoàng gia nhằm làm rõ vấn đề biên giới từ lâu phe đối lập CNRP đã sử dụng như một cái cớ để công kích chính phủ. Lãnh đạo CNRP Sam Rainsy hôm Thứ Hai tuần trước đã đồng ý giao cho Sok Touch bản soa những bản đồ mà đảng này có.

“Vấn đề chính là có rất nhiều ý kiến khác nhau từ các tổ chức NGO, đảng CNRP và đảng CPP về vấn đề biên giới. Điều này tạo ra một vết nứt trong xã hội Campuchia. Đó là lý do tại sao nhóm chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu để cho ra một bản ghi kết quả dựa theo luật pháp.

Chúng tôi hy vọng các chính trị gia sẽ ngừng sử dụng cuộc sống của đất nước vì lợi ích chính trị, bởi vì họ cần làm việc để phát triển đất nước chứ không phải lợi dụng vấn đề biên giới phục vụ lợi ích cá nhân hay một đảng phái nào”. Ông Sok Touch cho biết, nhóm nghiên cứu của ông đã có các bản đồ liên quan thu thập được từ Liên Hợp Quốc, các thư viện ở Paris và thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. 

Tiến sĩ Sok Touch, Học viện Hoàng gia Campuchia.

Nên ủng hộ Thủ tướng Hun Sen làm rõ vấn đề đàm phán, phân giới Việt Nam – Campuchia

Trao đổi với chúng tôi về những diễn biến mới đây liên quan đến biên giới Tây Nam, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho biết:

“Cá nhân tôi thấy rằng việc Thủ tướng Campuchia Hun Sen mượn các bản đồ liên quan đến biên giới Việt Nam – Campuchia từ bên thứ ba như Liên Hợp Quốc hay các nước Anh, Pháp, Hoa Kỳ để công khai đối chiếu với 26 mảnh bản đồ bonne do Sở Địa dư Đông Dương của Pháp phát hành trong giai đoạn 1933 – 1953 mà hai nước đàm phán thống nhất sử dụng để phân định biên giới sau một quá trình làm việc hết sức khoa học và khách quan là công việc nội bộ của Campuchia.

Động thái này của ông Hun Sen nhằm dẹp bỏ những luận điệu của phe đối lập CNRP đang đầu độc xã hội Campuchia bằng những thông tin xuyên tạc rằng chính phủ của họ đã “nhượng bộ vô nguyên tắc” trong đàm phán, phân giới cắm mốc với Việt Nam.

Nó cũng thể hiện sự tự tin của Thủ tướng Hun Sen vào những gì chính phủ của ông cùng các đối tác Việt Nam đã nỗ lực suốt một thời gian dài phấn đấu phân định một đường biên giới ổn định, hòa bình và hữu nghị là hoàn toàn khách quan, đúng đắn. Là người trực tiếp tham gia hoạch định, đàm phán phân giới cắm mốc với Campuchia, tôi cho rằng việc làm này của Thủ tướng Hun Sen là cần thiết và chúng ta nên ủng hộ.

Biên giới lãnh thổ đối với bất kỳ quốc gia, dân tộc nào đều là một vấn đề thiêng liêng, hệ trọng, khoa học đòi hỏi một thái độ khách quan, cầu thị và cũng chính vấn đề này dễ bị các thế lực chính trị lợi dụng để kích động dư luận, tìm kiếm ủng hộ của cử tri bởi không phải ai cũng hiểu được căn cứ pháp lý, nguyên tắc, quá trình đàm phán, phân giới cắm mốc giữa 2 quốc gia diễn ra như thế nào, trong đó có việc xác định và sử dụng bản đồ.

Hiện tại đường biên giới Việt Nam – Campuchia đã phân giới cắm mốc thành công khoảng gần 80%, đó là một thành quả lớn lao, sự nỗ lực cố gắng không mệt mỏi của đội ngũ chuyên gia và người làm công tác phân giới cắm mốc của hai nước với tinh thần hết sức khoa học, khách quan và cầu thị bởi đây là công việc hết sức khó khăn phức tạp và lâu dài.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

Về nguyên tắc, khi đường biên giới chưa được phân định xong thì nếu một trong hai bên phát hiện các tài liệu pháp lý nào mới, đúng với các thỏa thuận nguyên tắc hai bên thống nhất trước đó mà xuất hiện những căn cứ mới về các khu vực còn tranh chấp, hai bên hoàn toàn có thể đàm phán và điều chỉnh lại để thúc đẩy hoàn tất công việc phân giới cắm mốc.

Do đó, nếu phía Campuchia tìm được những tài liệu pháp lý nào mới theo đúng những nguyên tắc chung hai bên đã thỏa thuận mà có giá trị giúp ích cho công tác phân giới cắm mốc, có nhiều thông tin cụ thể hơn về những khu vực còn tranh chấp hiện nay thiết nghĩ chúng ta, những người Việt Nam sẵn sàng cầu thị, lắng nghe, thậm chí đàm phán và điều chỉnh lại những khu vực còn tranh chấp trước đó mà cả hai bên thiếu tài liệu pháp lý đủ sức thuyết phục để chứng minh cho luận điểm của mình.

Thái độ này mới là thực sự khách quan, khoa học, cầu thị và cần thiết để hai quốc gia bất kỳ nào có thể phân định một đường biên giới hợp pháp, rõ ràng, minh bạch, hòa bình và ổn định, lâu dài, tránh để các thế lực chính trị lợi dụng gây rối. Chỉ xin lưu ý, mọi tài liệu căn cứ đưa ra phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về thỏa thuận nguyên tắc pháp lý giải quyết vấn đề biên giới mà hai bên thống nhất từ đầu và tiến trình diễn ra phải tuân thủ đúng luật pháp quốc tế, các Hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận hai bên đã ký kết chính thức. 

Chỉ bằng cách công khai giải thích rõ quá trình đàm phán, hoạch định biên giới cho người dân hai nước hiểu mới tránh được những mưu đồ chính trị đen tối lợi dụng vấn đề biên giới để kích động dư luận, chống phá biên giới Việt Nam – Campuchia.

Thậm chí chúng ta hoàn toàn có thể công bố các tài liệu liên quan đến phân giới cắm mốc để cộng đồng quốc tế, khu vực nắm rõ, tránh điều tiếng thị phi từ trong chính nội bộ cũng như dư luận bên ngoài mà không có gì đáng ngại. Bởi lẽ chúng ta đã hết sức đàng hoàng, khách quan, cầu thị, minh bạch trong hoạt động đàm phán, phân định biên giới thì không có gì phải giấu hay ngại ngần trước sự quan tâm của dư luận quốc tế như cách Trung Quốc vẫn tìm cách giấu diễm cái đường lưỡi bò mập mờ của họ ở Biển Đông.

Xung quanh phát biểu của ông Hun Sen ngày 24/7 trong phiên họp Nội các rằng:“Ở thời điểm đó, họ đã “bỏ rơi” đảo Koh Tral (tức đảo Phú Quốc của Việt Nam) và Kampuchea Krom (tức người Khmer ở Nam Bộ, ViệtNam)…cho Việt Nam. Tôi không thể đòi lại được”, xin mời độc giả theo dõi bài viết tiếp theo của tôi trên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tuần này để thấy rõ thực trạng pháp lý các đảo trong vịnh Thái Lan và quá trình phân giới giữa 2 nước Việt Nam – Campuchia trên biển diễn ra như thế nào và nên hiểu “nội hàm” phát biểu này của ông Hun Sen ra sao.”

RELATED ARTICLES

Tin mới