Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóng“Thượng công bộc” và chuyện nói dối, vu vạ

“Thượng công bộc” và chuyện nói dối, vu vạ

Liệu đã đến lúc phải có một cuộc cách mạng trong công tác cán bộ, dù rằng đã chậm 20 năm kể từ ngày Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi tâm thư?

 Kể từ ngày Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi thư cho Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam (9/8/1995) đến nay vừa tròn 20 năm. 
 
Về công tác cán bộ, Ông viết: “Trên con đường đi lên đầy gian khổ và thử thách của đất nước, phải chăng cái khó khăn nhất hiện nay là tình trạng trình độ, phẩm chất cán bộ đảng viên chưa theo kịp sự phát triển của đất nước?… 
 
Tiếp tục công tác đào tạo và bố trí cán bộ như hiện nay còn tăng thêm nguy cơ cục bộ, địa phương chủ nghĩa và cát cứ, tăng thêm tính cơ hội, dựa dẫm hoặc nguy cơ bè phái trong Đảng”.
 
Đánh giá phẩm chất đội ngũ cán bộ Ông cho rằng: “Tình trạng làm ăn trái pháp luật, tham nhũng, tiêu cực đang trở thành “quốc nạn”, bao gồm cả những thói xấu như cục bộ, cửa quyền, tính vô chính phủ, cát cứ, tiêu xài lãng phí và ăn cắp của công…”. [1]
 
Trong thời gian 20 năm, quan hệ Việt – Mỹ từ chỗ là cựu thù đã trở thành “Đối tác toàn diện”, một sự thay đổi về chất mà người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể hình dung vào thời điểm mà Cố Thủ tướng Võ văn Kiệt gửi thư cho Bộ Chính trị.
 
Vậy 20 năm qua, những ý kiến tâm huyết của ông Võ Văn Kiệt về công tác cán bộ có được tiếp thu, có giúp làm thay đổi về chất công tác nhân sự như những gì xảy ra trong quan hệ đối ngoại Việt-Mỹ?
 
Có thể tìm câu trả lời qua hàng loạt vụ việc xảy ra gần đây, trong khuôn khổ có hạn của bài báo, chỉ xin điểm qua hai vụ việc gần nhất.
 
Người dân và truyền thông nêu nhiều câu hỏi quanh câu chuyện “máy xúc đất chèn qua người dân ở Hải Dương” và chuyện “HĐND tỉnh Sơn La thông qua nghị quyết xây dựng tượng đài Bác Hồ với kinh phí dự kiến 1.400 tỷ”.
 
Trong vụ việc ở Hải Dương, dù chưa có kết luận của cơ quan nghiệp vụ, ông Vũ Hồng Khiêm – Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng đã vội vàng khẳng định: “Tôi đã xem clip trên mạng, người ta đã cắt ghép kinh khủng quá, không đúng sự thật”? [2] 
 
Báo cáo số 15/BC-UBND của UBND tỉnh Hải Dương do Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Dương Thái gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ, ban ngành khẳng định “không có chuyện xe ủi đất đè lên người”. [3] 
 
Liên quan đến chuyện này Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: “…đối chiếu với thông tin của người dân, dư luận xã hội; thông tin của chủ đầu tư và thông tin báo cáo của UBND tỉnh thì có những tình tiết chưa rõ nên Thủ tướng tiếp tục yêu cầu lãnh đạo tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cơ quan của tỉnh điều tra, xem xét, nếu có dấu hiệu vi phạm thì xử lý nghiêm minh”. [4]
 
Thủ tướng khẳng định vụ việc “có những tình tiết chưa rõ” trong khi lãnh đạo huyện Cẩm Giàng và tỉnh Hải Dương lại khẳng định (bằng văn bản) là không có chuyện “xe ủi đất đè lên người”? 
 
Phải chăng nếu Thủ tướng không yêu cầu “lãnh đạo tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cơ quan của tỉnh điều tra, xem xét” thì sự việc sẽ kết thúc bởi UBND tỉnh đã kết luận “không có chuyện xe ủi đất đè lên người”, thế có nghĩa là người dân bị trọng thương ở đâu đó chứ không phải do ngăn cản chuyện giải tỏa đất đai thuộc dự án trên đất Cẩm Giàng? 
 
Về chuyện tỉnh Sơn La quyết định xây dựng tượng Bác Hồ, khi truyền thông và dư luận vào cuộc thì một số lãnh đạo tỉnh này vội vã  phân trần, thậm chí còn đổ lỗi cho báo chí. 
 
Xin trích dẫn bài viết của BBC tiếng Việt liên quan đến sự “vu vạ” mà lãnh đạo Sơn La dành cho truyền thông:
 
“Trong cuộc phỏng vấn cùng ngày với BBC, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La, cũng nói báo chí hiểu “chưa chính xác” về công trình. Chẳng biết nguồn thông tin ở đâu ra, cứ đưa lên báo như thế, nên tỉnh bây giờ phải làm một báo cáo”. [5]
 
Bài viết trên còn có đoạn: “Ngày 5/8, báo Dân Trí dẫn lời ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La bác bỏ tin nói tượng đài có trị giá 1.400 tỷ đồng. “Tượng đài chỉ là một hạng mục nhỏ trong đề án này, với kinh phí dự kiến khoảng 200 tỷ đồng”, ông nói. 
 
Thế nhưng văn bản Nghị quyết thông qua của Hội đồng Nhân dân tỉnh mà BBC có trong tay có dòng: “Tổng mức đầu tư: khoảng 1.400 tỷ đồng””.
 
Xin nói nhỏ với ông Phó Giám đốc Nguyễn Anh Tuấn rằng chuyện “Chẳng biết nguồn thông tin ở đâu ra, cứ đưa lên báo như thế” mà ông phát ngôn với báo nước ngoài không chỉ đơn giản là nói dối dư luận mà còn là “vu cáo” báo chí, văn bản nghị quyết của HĐND tỉnh Sơn La không phải chỉ có báo chí trong nước biết mà báo nước ngoài họ còn khẳng định là họ cũng có trong tay.
 
Còn ai cung cấp cho họ thì ông nên tìm hiểu trong nội bộ đội ngũ cán bộ tỉnh nhà chứ không nên vội vã nói như vậy!
 
Nếu Thủ tướng không yêu cầu tỉnh này tách bạch đâu là kinh phí xây tượng đài đâu là để xây trụ sở thì liệu con số 1.400 tỷ có được lãnh đạo tỉnh Sơn La giải trình?
 
Theo quy định bên quân đội, quân hàm có các bậc “Thiếu, Trung, Thượng, Đại” (úy, tá, tướng), áp dụng cho dân sự có thể gọi quan chức từ xã, đến huyện, tỉnh, trung ương là “Thiếu công bộc”, Trung công bộc”, “Thượng công bộc” và “Đại công bộc”. 
 
“Sạn” trong phát ngôn và hành động của một số “Thượng công bộc” không còn là điều hiếm gặp. Khái niệm “sạn” ở đây không chỉ gồm những thông tin chưa khách quan, không đúng thực tế mà còn có cả những thông tin đúng nhưng vẫn có “sạn”, chẳng hạn Báo Hà Tĩnh có bài với tiêu đề: “Bí thư Tỉnh ủy làm việc với Trung ương Hội Người mù Việt Nam”. [6]
 
Đành rằng tên hội là “Hội Người mù Việt Nam” nhưng đọc tít bài báo sao vẫn cảm thấy chạnh lòng, nếu báo Hà Tĩnh thay từ “mù” bằng từ “khiếm thị” như vẫn dùng “trẻ em khiếm thị” thì chắc chắn cả người “sáng” lẫn người “mù” không ai phản đối. 
 
Tuy nhiên vấn đề không nằm ở ngôn từ mà nằm ở ý nghĩa món quà tặng lại là …một bức tranh? Rồi đây liệu có nơi nào “noi gương” Hà Tĩnh tặng máy nghe nhạc cho người “điếc” hay không? 
 
Thông tin tưởng như rất có ý nghĩa nhưng lại cho người đọc thấy “sạn”…
 
Để lẫn “sạn” trong thông tin, với cư dân mạng là điều bình thường vì trình độ và nhận thức không đồng đều, song với quan chức chính quyền thì lại khác. 
 
Hầu hết công chức đều được đào tạo lý luận chính trị từ sơ cấp tới cao cấp, không ít người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, trong khi phần lớn đều tốt nghiệp đại học. Bởi thế nếu thông tin chính quyền đưa ra có “sạn” thì chỉ có thể là do một số cán bộ yếu kém cả về trình độ, năng lực lẫn ý thức trách nhiệm. 
 
Tình trạng này đã tồn tại từ 20 năm trước và nếu dựa vào các ví dụ đã nêu, không khó để thấy rằng cho đến hôm nay, sự giàu có của một số cán bộ chưa tỷ lệ thuận với học vấn của họ.
 
Nếu giả sử sau khi điều tra, cơ quan chức năng kết luận sự việc “xe ủi đất đè lên người” ở Hải Dương là có thật thì những người “đưa thông tin sai sự thật” có tự nguyện viết đơn xin nghỉ hưu sớm như một lãnh đạo TP. Hải Dương đã làm? Hay có bị xử lý hình sự như trường hợp nói xấu cảnh sát giao thông trên mạng xã hội hay lại phải chờ đích thân Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo?
 
Thủ tướng không thể làm thay công việc của lãnh đạo tỉnh, về điều này người viết đã từng đề cập trong bài “Quốc gia đội sổ và báo cáo Thủ tướng” [7], theo thống kê, bài viết đã được truy cập từ 253.209 địa chỉ IP (tạm hiểu là máy chủ), nếu mỗi máy chủ nối với vài máy cá nhân thì số người đọc có lẽ sẽ là ngót nghét nửa triệu.
 
Bài viết cũng đã nhận được 23.026 ý kiến phản hồi gửi về Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Không hiểu trong số những người đã đọc bài báo có các “Thượng công bộc” của mấy tỉnh trên? 
 
Một điều có thể gây ngạc nhiên cho bạn đọc nhưng có lẽ chỉ là chuyện “thường ngày ở tỉnh”  ấy là cường độ phát ngôn của không ít “Thượng công bộc” không chỉ là “giải trình” hoặc “nói vội” (như vụ chặt cây xanh ở Hà Nội), mà còn là “nói dối” và đang ở mức “vu vạ” như ông Phó Giám đốc sở ở Sơn La vu cho báo chí!
 
Nếu ngày càng nhiều “Thượng công bộc” xử lý công việc theo kiểu “làm cái đã”, đúng sai bàn sau miễn là không bị Thủ tướng yêu cầu xem xét lại thì có lẽ Thủ tướng sẽ cần vài chục “Đại công bộc” (tối đa là 63) chuyên trách theo dõi, uốn nắn cho những “Thượng công bộc” mắc bệnh nói mà không biết mình đang nói gì.
 
Vậy còn ai sẽ theo dõi, uốn nắn các “Đại công bộc”, chắc chắn phải là cấp dưới “Thiếu công bộc” tức là cả ngàn “Phó công bộc”.
 
Liệu đã đến lúc phải có một cuộc cách mạng trong công tác cán bộ, dù rằng đã chậm 20 năm kể từ ngày Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi tâm thư?
 
Đến bao giờ tình trạng chuyện bé, chuyện to, chuyển cho … Thủ tướng mới chấm dứt?
RELATED ARTICLES

Tin mới