Mô hình đảo nổi di động có thể sẽ được Trung Quốc triển khai xây dựng, lắp đặt ở Biển Đông nhằm khống chế vùng biển này và đẩy hải quân Mỹ ra xa.
Tại Triển lãm thành tựu công nghệ và khoa học quốc phòng tổ chức ở Bắc Kinh cuối tháng 7 vừa qua, Tập đoàn phát triển Ký Đông của Trung Quốc đã trình bày mô hình thiết kế cấu trúc đảo nổi nhân tạo khổng lồ.
Theo đó, cấu trúc của loại đảo này là do nhiều “module nổi độc lập nhỏ hơn có thể ghép lại trên một vùng biển nào đó để tạo thành một hòn đảo lớn”, có thể được sử dụng như một căn cứ hay sân bay quân sự.
Các kỹ sư Trung Quốc cho rằng loại đảo nổi này rất khó bị đánh chìm vì phải phá hủy từng “khoang” một, đồng thời cơ động và nhiều tiện ích hơn so với một tàu sân bay truyền thống.
Tạp chí chuyên đề tình báo hải quân Navy Recognition Online (Anh) cho biết, đến nay, Trung Quốc chưa bắt đầu thực hiện một “đảo nổi” nào, nhưng sự ra mắt của mô hình thiết kế này là một trong những động thái phản ánh tham vọng không che giấu của Bắc Kinh trong việc sử dụng các phương tiện quân sự mới, để củng cố sức mạnh quân sự tại các vùng biển tranh chấp với láng giềng.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng phạm vi ảnh hưởng trên toàn châu Á, đặc biệt là tại Biển Đông, thì đảo nổi di động là một vũ khí chiến lược hiển nhiên.
Trên tạp chí Nhà ngoại giao (The Dipmomat), chuyên gia Jack Detsch nhận định: “Trung Quốc đang chứng tỏ họ có khả năng đặc biệt để biến các đảo đá ngầm ở Biển Đông thành các tiền đồn quân sự. Những đảo nổi tăng cường có thể sẽ có lợi thêm cho kế hoạch đẩy lùi hải quân Mỹ ra xa. Các tiền đồn này cũng có thể bù đắp phần nào cho thế yếu của quân đội Trung Quốc so với sức mạnh vượt trội của Mỹ tại Thái Bình Dương”.
Từ khi xây dựng vào cuối năm 2013 cho đến nay, Trung Quốc đã bồi đắp, cải tạo hơn 8km2 đảo nhân tạo trên các bãi san hô và đá ngầm ở Biển Đông. Theo Reuters, Bắc Kinh đã hoàn tất giai đoạn bồi đắp, xây dựng (phi pháp) trên 6 đảo nhân tạo và đã bắt đầu công việc trên đảo thứ 7.
Mỹ đã cảnh báo hành động của Trung Quốc ở Biển Đông có nguy cơ đẩy căng thẳng tranh chấp lãnh thổ ở khu vực này leo thang thành xung đột, đồng thời tố cáo Trung Quốc “quân sự hóa” vùng Biển Đông và đe dọa tự do hàng hải.
Comments are closed.