Hàng trăm người dân huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) lùng sục khắp nơi tìm cây vằng bán cho thương lái, đưa đi nấu cao làm thuốc chữa bệnh.
Người dân tập kết dây vằng bán cho thương lái. Ảnh: Trí Tín.
Từ sáng sớm, từng nhóm phụ nữ ở khắp làng quê huyện Mộ Đức tỏa đi tìm cắt cây vằng. Họ men theo đường rừng, vạch bụi rậm trên các quả đồi, ngọn núi tìm hái loại cây này, sau đó gom thành bó chở về bán cho thương lái.
“Mấy năm trước loài cây này ở vườn đồi gần nhà mọc dày, giờ phải đi khắp nơi tìm mới có. Nhưng mỗi ngày tôi cũng cắt được khoảng 50 kg, bán được hơn 200.000 đồng”, bà Nguyễn Thị Lòng (ngụ xã Đức Chánh) cho biết.
Cây vằng mọc hoang ở khắp nơi, là loại cây bụi nhỏ, có hoa màu trắng mọc thành xim ở đầu cành, quả hình cầu. Loài cây này có hai loại vằng lá nhỏ (còn gọi là vằng sẻ) và vằng lá to (vằng trâu) có thể dùng làm thuốc.
Chè vằng sau khi được nấu, cô đặc thành cao nguyên chất dùng chữa bệnh. Ảnh:Trí Tín. |
Theo thương lái Nguyễn Thị Hiền, từ tháng 3 đến nay đã mua của người dân khoảng 15 tấn cây vằng đưa ra huyện Cam Lộ (Quảng Trị) bán cho các cơ sở nấu, chế biến cao tạo vị thuốc chữa bệnh.
Để chưng cất ra một kg cao phải mất khoảng 10 kg lá vằng tươi (tùy theo mùa). Lá vằng tươi sau khi thu hái trên rừng được rửa sạch, nấu và lọc nhiều lần liên tục hơn 10 giờ. Người chế biến phải thường xuyên trực, không để lửa quá lớn, cao sẽ trào ra ngoài và khó cô đều. Không trộn lẫn với bất kì loại lá nào khác, nếu không dù nấu bao lâu cũng không thành cao vằng được.
Trung bình mỗi tháng, mỗi hộ sản xuất được hơn 100 kg cao lá vằng, có hộ 400 kg. Cao lá vằng bán với giá hơn 200.000 đồng một ký được tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo các bác sĩ Đông y, chè vằng vị hơi đắng, có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, hoạt huyết, tiêu viêm. Cao chè vằng hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân cao huyết áp, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, tiểu đường.
Nghiên cứu dược lý chứng minh, lá chè vằng chứa alcaloid, Flavonoid có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, làm mau lành vết thương.