Wednesday, April 24, 2024
Trang chủNhìn ra thế giới‘Nga không thể phớt lờ tham vọng bành trướng của Trung Quốc’

‘Nga không thể phớt lờ tham vọng bành trướng của Trung Quốc’

Mặc dù Nga và Trung Quốc đang ngày càng xích lại gần nhau, có nhiều lý do để cho rằng hai cường quốc sẽ trở thành đối trọng của nhau trong tương lai.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Moscow Times ngày 16/8 đã đăng tải bài phân tích của Giáo sư Mark N. Katz tại Đại học George Mason, bang Vigrinia (Mỹ) về chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như mối quan hệ Nga-Trung trong tương lai.

Theo Giáo sư Mark N. Katz, chỉ có một học thuyết quan hệ quốc tế mô tả chính xác nhất chính sách đối ngoại của của ông Putin.

Đó là nội dung trong cuốn sách nổi tiếng “The Tragedy of Great Power Politics” (tạm dịch: bi kịch của chính trị cường quốc) của tác giả John J. Mearsheimer, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chicago (Mỹ).

    ‘Nga không thể phớt lờ tham vọng bành trướng của Trung Quốc’ - Ảnh 1

Ông Mark N. Katz là giáo sư chính trị tại Đại học George Mason (Mỹ).

Tác giả Mearsheimer bình luận rằng các cường quốc đều có xu hướng hành xử nhằm công kích lẫn nhau.

Ngay cả khi các nhà lãnh đạo không muốn như vậy, các cường quốc cuối cùng cũng áp dụng chính sách này nhằm đáp trả hành động công kích của đối phương.

Nếu không, uy tín của các cường quốc này sẽ bị ảnh hưởng trong nỗ lực xây dựng một trật tự thế giới tốt đẹp và hòa bình hơn.

Rõ ràng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có những hành động công kích nhằm vào phương Tây cũng như các nước thuộc Liên bang Xô Viết cũ đã và đang muốn tách rời khỏi vòng ảnh hưởng của Nga.

Ông Putin là người đã ra lệnh can thiệp quân sự vào Gruzia và Ukraine, hỗ trợ các đảng cực hữu ở châu Âu và điều các máy bay quân sự Nga tiếp cận không phận của nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ.

Đây là những hành động phù hợp với chủ nghĩa thực tiến tích cực (offensive realism) của Nga giống như trong cuốn sách của tác giả Mearsheimer.

Tuy nhiên, còn một yếu tố mà do nhiều lý do, Tổng thống Nga đã không áp dụng chính sách này. Trong một cuốn sách của xuất bản năm 2014, tác giả Mearsheimer nói về sự trỗi dậy của Trung Quốc – theo đuổi lý thuyết của chủ nghĩa thực tiễn tích cực nhằm thống trị châu Á. Trong khi đó, Mỹ vốn cùng chung quan điểm này đang cố gắng ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Theo tác giả Mearsheimer, “Các nước láng giềng Trung Quốc đã bày tỏ những mối lo ngại và đang cố gắng ngăn cản Bắc Kinh thực hiện mưu đồ bá chủ khu vực. Có những bằng chứng cho rằng Ấn Độ, Nhật Bản hay Nga và một số quốc gia khác cũng quan ngại về vị thế của Trung Quốc và tìm cách ngăn chặn điều này. Cuối cùng, các quốc gia sẽ tham gia vào liên minh do Mỹ dẫn đầu để kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc”.

Trong khi Ấn Độ, Nhật Bản và một số quốc gia châu Á khác đã bày tỏ mối lo ngại về những hành động ngày càng gia tăng của Trung Quốc, Nga lại tỏ ra không hề bận tâm đến vấn đề này.

Một trong số những cách lý giải thực tế nhất là Tổng thống Nga Putin đang tập trung vào cuộc cạnh tranh với phương Tây mà không để ý tới Trung Quốc.

Theo quan điểm của ông Putin, Washington đang tìm cách can thiệp vào vấn đề nội bộ ở Nga trong khi chính quyền Nga và Trung Quốc không tác động vào công việc nội bộ của nhau.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng Trung Quốc không có những hành động gây hấn nhằm vào các nước láng giềng, trong đó có cả Nga. Nếu như có vấn đề bất thường, ông Putin chắc chắn nhận thức rõ được điều này.

Một khả năng khác là ông Putin hiểu rõ sự trỗi dậy của Trung Quốc và lựa chọn cách đứng sang một bên trong khi Bắc Kinh đang khiến mối quan hệ giữa một số quốc gia châu Á, Mỹ trở nên xấu đi.

Vấn đề trong chiến lược này nằm ở chỗ, nếu như các quốc gia châu Á đứng về phía Mỹ để phản đối Trung Quốc trong khi Nga bày tỏ quan điểm trung lập thì Nga có thể sẽ trở thành mục tiêu dễ dàng của Bắc Kinh.

Trong bối cảnh mối quan hệ Nga và phương Tây diễn biến theo chiều hướng xấu, Trung Quốc có khả năng áp đặt quan điểm với Nga.

Một khả năng khác nữa là ông Putin không muốn phương Tây nhìn nhận căng thẳng giữa Trung-Mỹ trở thành xung đột địa chính trị nổi bật nhất của thế kỷ 21, thay vào đó là cuộc cạnh tranh giữa Nga-Mỹ.

Bởi vị thế và uy tín của ông Putin sẽ được nâng cao trước công chúng cũng như sự chú ý từ chính phủ và truyền thông phương Tây.

Nếu như Trung Quốc trở thành trung tâm của cuộc xung đột địa chính trị giữa phương Tây và Nga, điều này rõ ràng không có lợi cho Moscow cũng như Tổng thống Nga Putin.

Có một điều rõ ràng rằng ông Putin theo đuổi chủ nghĩa thực tiễn tích cực đối với phương Tây nhưng không coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh.

Học thuyết của Mearsheimer dự đoán rằng, Moscow trong tương lai sẽ buộc phải đổi chính sách đối ngoại với Trung Quốc hoặc lợi ích cốt lõi của Nga sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới