Monday, January 27, 2025
Trang chủBiển nóngSách trắng quốc phòng của Nhật Bản – lần đầu tiên chỉ...

Sách trắng quốc phòng của Nhật Bản – lần đầu tiên chỉ trích việc Trung Quốc cải tạo đảo ở Biển Đông gây phá hủy an ninh khu vực

Ngày 21 tháng 7 năm 2015, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã ra Sách trắng quốc phòng hàng năm của năm 2015 trong đó lần đầu tiên chỉ trích hành động cải tạo đảo của Trung Quốc tại Biển Đông là hành động ‘cao tay’ nhằm thay đổi nguyên trạng khu vực, phá hủy môi trường an ninh đe dọa ổn định khu vực.[1]

Vậy đâu là nguyên nhân khiến Nhật Bản phải lo ngại về việc Trung Quốc cải tạo đất tại Biển Đông? Có là vô cớ khi Nhật Bản không phải là một bên trong tranh chấp mà vẫn phải lên tiếng trong một văn kiện chính sách quan trọng của Nhật? Có một số nguyên nhân có thể lý giải như sau:

Trung Quốc là mối lo ngại về an ninh của khu vực khi không còn ‘phát triển hòa bình’

Sự phát triển của Trung Quốc những năm gần đây thật đáng gây ra lo ngại trong khu vực. Trung Quốc đã rũ bỏ chiếc áo của sự phát triển hòa bình để quyết đoán hơn thể hiện sức mạnh trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ với các nước trong khu vực. Thể hiện rõ nhất là việc Trung Quốc ngày càng quyết đoán, hiếu chiến hơn trong tất cả các tranh chấp với các nước mà Trung Quốc có tranh chấp đặc biệt là tại Biển Đông với các nước Đông Nam Á và biển Hoa Đông với Nhật Bản. Trung Quốc không còn e ngại gì trong các hoạt động sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong tranh chấp, luôn luôn đe dọa trèn ép các nước trên tất cả các phương diện từ tâm lý, thông tin, thực địa, quân sự… Trung Quốc không còn muốn giữ chiếc vỏ bọc sẽ là một cường quốc hòa bình nữa.

Vấn đề an ninh tại Biển Đông là vấn đề an ninh của toàn khu vực, các nước đều phải có trách nhiệm lên tiếng

Hành động của Trung Quốc trong những năm gần đây ngày càng quyết đoán hơn trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với các nước gây ra lo ngại cho toàn bộ các nước không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới. Ít nhất kể từ năm 2009 đến nay Trung Quốc đã gây ra nhiều căng thẳng trên cả hai khu vực Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ là Biển Đông với các nước Đông Nam Á và Hoa Đông với Nhật Bản. Trung Quốc đã có các hành động đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện chiến lược ‘cắt lớp’ (salami slicing) để chiếm lãnh thổ, điển hình như vụ chiếm bãi Scarborough từ Philippines, căng thẳng xung quanh bãi Cỏ Mây, các vụ bắt tàu cá của Việt Nam và Philippines tại Biển Đông, cho các tàu, máy bay tuần tra vào các vùng biển Senkaku của Nhật Bản, thiết lập Vùng nhận diện phòng không tại Hoa Đông, hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Nhưng nổi lên hơn cả, ít nhất từ năm ngoái, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo đất trên 7 thực thể ở Biển Đông với quy mô lớn đã gây ra quan ngại và phản đối không chỉ các nước liên quan trong khu vực mà cả các nước ngoài khu vực. Các thực thể Trung Quốc cải tạo là đá chỉ có 12 hải lý như Gạc Ma, Scarborough, Chữ Thập và Châu Viên hoặc là các thực thể chìm như Su Bi, Kennan, Vành Khăn không được phép có lãnh hải 12 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Tuy nhiên, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo với quy mô lớn biến các đảo đá và thực thể chìm này thành các đảo nhân tạo lớn hơn các đảo đá cũ hàng chục lần. Mỹ đã nhiều lần lên tiếng phản đối yêu cầu Trung Quốc dừng việc cải tạo đảo không để gây thêm căng thẳng trong khu vực… Mỹ và Nhật Bản[2] đã nhiều lần nêu quan ngại và phản đối hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc ở nhiều cấp ngoại giao khác nhau. Thậm chí Mỹ đã nói ở cấp cao nhất là cấp tổng thống. Obama đã nói hành động cải tạo đảo của Trung Quốc là phản tác dụng[3]… Các nước, nhóm các nước khác như nhóm G7 đã lên tiếng trong cuộc họp thượng đỉnh tại Đức phản đối mạnh mẽ hành động cải tạo đảo tại các vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông, ủng hộ việc sử dụng các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do đi lại không bị cản trở ở Biển Đông[4]… ASEAN với tư cách một hiệp hội các quốc gia ở Đông Nam Á cũng đã nhiều lần nêu quan ngại về tình hình cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông trong các cuộc họp của mình[5]. Một số các thành viên của ASEAN cũng có nêu quan ngại và phản đối hành động cải tạo đất một cách riêng rẽ.

Công việc cải tạo đảo và cách hành xử gần đây của Trung Quốc đối với các tranh chấp trên biển thực sự đáng lo ngại và gây ra sự phản đối

Trên thực tế hành động cải tạo đảo của Trung Quốc đối với 7 đảo ở Biển Đông không phải là hoạt động bình thường như nước này thường rêu rao tại các diễn đàn và báo chí quốc tế mà là hoạt động vô cùng quan ngại đến an ninh toàn khu vực. Nếu xâu chuỗi lại hoạt động cải tạo đảo này nằm trong một loạt các hoạt động hiếu chiến vô luật pháp của Trung Quốc, chèn ép đe dọa sử dụng vũ lực với nước nhỏ gây ra chạy đua vũ trang tại khu vực ít nhất từ năm 2009 đến nay. Hoạt động cải tạo đảo nằm trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Trước đó, về mặt văn bản pháp lý Trung Quốc đã thành lập thành phố ‘Tam Sa’ năm 2012 để quản lý toàn bộ vùng biển quản hạt thuộc Hải Nam thực tế là vùng biển trong đường lưỡi bò Trung Quốc yêu sách trái pháp luật; rồi 2013 Trung Quốc ra Điều lệ quản lý trị an biên phòng tỉnh Hải Nam có các điều khoản về việc khám xét bắt giữ các tàu bè đi vào vùng biển quản hạt của Tam Sa (Hải Nam); năm 2014 Trung Quốc ra điều lệ quản lý ngư nghiệp sửa đổi ở Hải Nam yêu cầu các tàu bè liên quan đến hoạt động đánh bắt cá ở vùng biển thuộc quản hạt ở Hải Nam đều phải xin phép trước. Trung Quốc cũng áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương ở Biển Đông áp dụng vào cả các vùng biển của các nước được phép có theo Công ước Luật biển 1982. Rồi hàng loạt các vụ bắt giữ xua đuổi tàu cá, ngư dân Việt Nam thường xuyên đánh bắt tại các vùng biển đảo của mình do Trung Quốc thực hiện nhằm áp dụng các điều lệ về ngư nghiệp, an ninh của Hải Nam và lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương. Việc cải tạo đảo hiện nay là hoạt động tiếp tục các hoạt động mưu đồ chiếm Biển Đông trước đó của Trung Quốc hoạt động trên thực địa. Trên thực tế cải tạo đảo được thực hiện với quy mô lớn, không mang tính dân sự như Trung Quốc thường xuyên đánh lừa dư luận. Trung Quốc đã đang xây dựng hai đường băng quân sự trên các đảo Chữ Thập và Su Bi. Các đảo khác cũng sẽ đều được Trung Quốc trang bị các thiết bị vũ trang quân sự, bến tầu cảng làm căn cứ quân sự, cơ sở hạ tầng cho các tàu hải quân, không quân, các thiết bị radar quân sự… Các thiết bị và cơ sở hạ tầng này nếu không phải nhằm mục đích cho việc thực hiện các điều lệ về an ninh Hải Nam và Ngư nghiệp sửa đổi thì cũng để quản lý toàn bộ các vùng biển của Biển Đông, không cho phép tự do hàng hải. Trung Quốc đã thiết lập Vùng nhận diện phòng không trái phép (ADIZ) ở Hoa Đông bị nhiều nước phản đối và cũng đã tuyên bố sẽ lập ở Biển Đông khi có điều kiện thích hợp, như vậy việc xây dựng đảo hiện nay cũng hoàn toàn cũng sẽ có thể phục vụ cơ sở cho việc thiết lập ADIZ đe dọa đến tự do hàng không ở khu vực.

Nói tóm lại, việc Nhật Bản nêu quan ngại về việc Trung Quốc cải tạo đảo ở Biển Đông trong Sách trắng quốc phòng là hoàn toàn hợp lý thể hiện quan điểm xây dựng của một quốc gia trong khu vực đối với vấn đề an ninh, hòa bình ổn định trong khu vực. Hành động này phù hợp với kêu gọi của nhiều quốc gia lớn khác như Mỹ, G7, ASEAN… đã nêu phê phán hành động đơn phương cải tạo đảo của Trung Quốc, yêu cầu nước này chấm dứt cải tạo đảo đe dọa an ninh khu vực. Trung Quốc phải tự nhận thấy rằng chính hành động của nước này đã làm cho cả khu vực không yên ổn, gây ra quan ngại về an ninh cho toàn khu vực, Trung Quốc nên chấm dứt việc cải tạo đảo, vũ trang cho các đảo, đe dọa các nước nhỏ, không gây cản trở tự do an toàn hàng hải, hàng không tuân thủ luật pháp quốc tế trong các yêu sách biển…

BDN

 


[1] Xem tại http://www.japantimes.co.jp/news/2015/07/21/national/politics-diplomacy/defense-white-paper-stresses-threat-posed-china/#.Va40o8QJ3Kg.twitter

[2] Xem thêm tại http://www.japantimes.co.jp/news/2015/05/31/national/politics-diplomacy/japan-u-s-reiterate-concern-beijings-land-reclamation-south-china-sea/#.VcGKFZHfLvE

[3] http://www.voanews.com/content/president-obama-calls-south-china-sea-land-reclamation-counterproductive/2804100.html

[4] http://asianjournal.com/news/g7-leaders-oppose-land-reclamation-in-south-china-sea/

[5] xem thêm tại http://www.abs-cbnnews.com/focus/04/28/15/asean-leaders-voice-serious-concern-over-chinas-reclamation-activities

RELATED ARTICLES

Tin mới